TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Dự báo giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm trong kỳ điều chỉnh ngày 21/12

Dầu thô vẫn giao dịch trong dịp Tết Nguyên đán, kỳ điều chỉnh xăng dầu trong nước lùi ra sau Tết

Tại kỳ điều chỉnh vào ngày 21/12, dự báo cơ quan quản lý có thể sẽ điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 19/12/2022

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Tầm quan trọng của công cụ bảo hiểm giá

Dự báo giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm trong kỳ điều chỉnh ngày 21/12

Theo dự báo của đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, giá dầu thế giới gần đây tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm. Do đó, tại kỳ điều hành giá ngày mai (21/12), cơ quan quản lý có thể sẽ điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Mức giảm tùy thuộc vào việc trích lập quỹ bình ổn giá (BOG) và diễn biến giá dầu mấy ngày tới.

Giá xăng dầu có thể giảm xuống dưới 20.000 đồng/lít nếu nhà điều hành không trích lập quỹ BOG

Ở lần điều chỉnh giá gần nhất, liên Bộ Công Thương – Tài chính tiếp tục trích lập quỹ bình ổn ở mức cao 300 đồng/lít với xăng E5 RON92, mức 400 đồng/lít với xăng RON95 và 800 đồng/lít với dầu diesel.

Hay tại hai kỳ điều hành trước đó, cơ quan điều hành lần lượt trích lập quỹ bình ổn với xăng E5 RON92 mức 300 đồng/lít và 250 đồng/lít, xăng RON95 mức 400 đồng/lít và 200 đồng/lít, dầu diesel mức 700 đồng/lít và 300 đồng/lít.

Tính chung cả 3 lần giảm giá liên tiếp, cơ quan điều hành trích tới 950 đồng/lít với xăng E5 RON92, trích 1.000 đồng với RON95 và trích 1.800 đồng với dầu diesel. Như vậy, nếu không trích lập, giá xăng đã có thể giảm về dưới 20.000 đồng/lít.

Liên quan quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Bộ Tài chính và nhiều chuyên gia kinh tế trước đó đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng quỹ BOG để xăng dầu được hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhiều người kỳ vọng việc bỏ Quỹ BOG sẽ giúp nâng cao tính minh bạch công khai trong điều hành giá, tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.

Tại dự thảo Luật Giá sửa đổi đang lấy ý kiến mới đây, Bộ Tài chính cũng đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng, dầu và điều tiết theo giá thị trường. Sau khi bỏ quỹ BOG, nếu giá xăng dầu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp ảnh hưởng đến kinh tế xã hội hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, cơ quan chức năng sẽ triển khai bình ổn giá theo các bước kiểm tra yếu tố hình thành giá, kiểm soát hàng hóa tồn kho, kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có để xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc lựa chọn biện pháp bình ổn giá phù hợp, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định…

Tuy nhiên, giải trình sau đó về Quỹ BOG giá xăng dầu trên diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay đã lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ ngành đều đồng tình giữ quỹ này. Theo ông Phớc, khi giá xăng dầu mà tăng lên thì ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô, vì vậy giữ quỹ này giúp giảm tăng giá sốc từ từ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nói thêm hiện nay Nhà nước sử dụng 5 công cụ để điều chỉnh giá xăng dầu. Bao gồm thuế, chi phí định mức, nguồn cung, thông qua cấp phép để xây dựng bộ máy và Quỹ BOG xăng dầu.

Giá dầu thế giới tăng trở lại nhờ triển vọng nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch ngày 19/12, giá dầu thô WTI tăng 1,24% lên 75,38 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,96% lên 79,8 USD/thùng.

Giá dầu phiên hôm qua phục hồi sau hai phiên giảm khi các nhà đầu tư lạc quan hơn về triển vọng tiêu thụ tại Trung Quốc

Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương kết thúc vào ngày thứ sáu tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng với các nhà lãnh đạo cấp cao đã kêu gọi tăng cường chính sách hỗ trợ để thực hiện mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2023 sắp tới. Theo Bloomberg, các nhà hoạch định chính sách có thể nhắm tới mục tiêu tăng trưởng 5%, sau khi nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới chỉ có thể tăng trưởng 3% trong năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Động thái này, kết hợp với việc nới lỏng các hạn chế chống dịch trong nhiều tuần vừa qua, đã củng cố cho kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng Trung Quốc sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ trong năm 2023 sắp tới, và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đối với dầu thô.

Tuy nhiên sự không chắc chắn về tác động của các ca nhiễm COVID-19 gia tăng vẫn sẽ làm cho nhu cầu di chuyển chịu sự gián đoạn trong ngắn hạn và gây áp lực tới nhu cầu tiêu thụ.

Hiện nay, khả năng gia tăng nguồn cung khá hạn chế, khi mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cắt giảm sản lượng, thậm chí là sản xuất dưới mức hạn ngạch. Cùng với đó là nguy cơ sản lượng của Nga bị hao hụt khi phải đối mặt với các gói trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Áp lực bổ sung nguồn cung hiện đang đè nặng lên Mỹ, nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới. Dù xuất khẩu nhiều, nhưng Mỹ vẫn chưa thể trở thành nhà xuất khẩu ròng đối với dầu thô. Theo Reuters, xuất khẩu dầu thô của Mỹ hiện đã chạm mức kỷ lục 3,4 triệu thùng/ngày, bởi nhu cầu thay thế nguồn cung từ Nga của các nước đối tác gia tăng, sau khi xung đột ở khu vực biển Đen nổ ra.

Bức tranh cung cầu hiện nay chỉ ra rằng, nếu Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng nhanh hơn so với tốc độ gia tăng nguồn cung. Mỹ hiện đã lên kế hoạch mua lại 3 triệu thùng dầu để bổ sung vào kho dự trữ chiến lược (SPR), tuy nhiên đây là một con số rất khiêm tốn so với con số 180 triệu thùng trong kế hoạch giải phóng.

Ngoài ra, thị trường sẽ tiếp tục tập trung vào bối cảnh vĩ mô liệu có là trở ngại lớn cho năng lực tiêu thụ. Chi phí vay tăng cao đang gây áp lực nhất định lên các nền kinh tế lớn, đặc biệt là sự thu hẹp trong hoạt động của các nhà máy tại nhiều quốc gia phát triển hàng đầu. Do đó, nhu cầu tiêu thụ sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, với lăng kính tích cực từ khả năng tiêu thụ của thị trường châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, giá nguyên liệu đầu vào như dầu thô hay kim loại nhiều khả năng sẽ có sự phục hồi nhất định trong tuần này. 

Ở kỳ điều hành ngày 12/12, Liên bộ Công Thương điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo hướng giảm đồng loạt tất cả các mặt hàng. Theo đó, giá xăng E5 RON92 giảm 1.330 đồng/lít, bán ra ở mức 20.340 đồng/lít, giá xăng RON95 giảm 1.500 đồng/lít, bán ra ở mức 21.200 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel giảm 1.543 đồng/lít, còn 21.670 đồng/lít.Đây là lần thứ ba liên tiếp giá xăng trong nước giảm. Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 33 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng và 15 lần giảm, một lần giữ giá.

Tổng hợp: VTC/MXV

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.

Bài viết liên quan

Trả lời