TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Thị trường tập trung vào lộ trình tăng lãi suất

Thị trường tập trung vào lộ trình tăng lãi suất

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) đều đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tuần qua. 

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 19/12/2022

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Tầm quan trọng của công cụ bảo hiểm giá

Thị trường tập trung vào lộ trình tăng lãi suất

George Saravelos, Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại ngân hàng Deutsche Bank, cho biết các ngân hàng trung ương lớn đã đưa ra thông điệp rõ ràng rằng “các điều kiện tài chính cần phải được thắt chặt”.

Chuyên gia George Saravelos nói: “Chúng tôi đã nhận định từ đầu năm 2022 rằng trong năm nay, mọi thứ sẽ chỉ xoay quanh việc nâng lãi suất. Bây giờ, khi các ngân hàng trung ương đã thực hiện điều này thì chủ đề của năm 2023 sẽ rất khác, đó là ngăn chặn sự sụp đổ của các thị trường”.

Dự báo lộ trình nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương trong năm 2023

Thông điệp diều hâu từ Fed và ECB đã phần nào khiến thị trường ngạc nhiên, mặc dù bản thân các quyết định không nằm ngoài kỳ vọng thị trường.

Ngân hàng Berenberg hôm 16/12 đã điều chỉnh dự báo về lộ trình thắt chặt chính sách của Fed. Theo đó, thể chế này sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên mức cao nhất là 5-5,25%, trong suốt ba cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2023.

Chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg nhận định rằng mặc dù các yếu tố như lạm phát giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng vào cuối năm 2023 có thể khiến Fed đổi ý song hiện tại cơ quan này vẫn đang có ý định tiếp tục nâng lãi suất.

Berenberg cũng dự đoán ECB, dù vẫn khá rụt rè với việc nâng lãi suất, sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào ngày 16/3 tới, sau khi đã nâng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp vào ngày 2/2, điều này đưa tỷ lệ tái cấp vốn chính của ngân hàng lên 3,5%.

Chuyên gia kinh tế trưởng Schmieding cho biết: “Tuy nhiên, từ mức cao như vậy, ECB có thể sẽ phải giảm lãi suất sau khi lạm phát về mức gần 2% vào năm 2024”.

Trong khi đó, BoE được kỳ vọng sẽ tỏ ra ôn hòa hơn một chút so với Fed và ECB. Các quyết định trong tương lai của ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến của cuộc suy thoái kinh tế được cho là sẽ xảy ra ở Vương quốc Anh.

Berenberg dự kiến BoE sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng Hai để đưa lãi suất lên mức cao nhất là 3,75%. Sang đến năm 2023, ngân hàng sẽ giảm 50 điểm cơ bản lãi suất, trước khi giảm thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm 2024.

Chuyên gia Schmieding giải thích: “Mặc dù vậy, trong bối cảnh các dữ liệu kinh tế gần đây mang lại những bất ngờ tích cực, việc Fed và BoE tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản sẽ không tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với triển vọng kinh tế”.

Chuyên gia này nói: “Chúng tôi vẫn dự đoán kinh tế Mỹ sẽ thu hẹp 0,1% vào năm 2023, sau đó tăng trưởng 1,2% vào năm 2024, trong khi Vương quốc Anh có thể sẽ rơi vào suy thoái kinh tế, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 1,1% vào năm 2023, trước khi phục hồi với mức tăng 1,8% vào năm 2024”.

Trong khi đó, đối với ECB, Berenberg nhận thấy việc ECB tăng thêm 50 điểm cơ bản dự kiến sẽ có tác động hạn chế tăng trưởng rõ ràng, nhất là vào giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Ông Schmieding cho biết: “Mặc dù giữ nguyên dự đoán tăng trưởng GDP thực tế cho Khu vực đồng euro (Eurozone) trong năm tới ở mức -0,3%, chúng tôi sẽ hạ dự báo về tốc độ phục hồi kinh tế trong năm 2024 của khối này từ 2,0% xuống 1,8%.

Chuyên gia Schmieding lưu ý rằng hành động của các ngân hàng trung ương trong năm 2022 không phải là một chỉ báo đáng tin cậy cho các hành động chính sách trong tương lai.

“Chúng tôi nhận thấy rủi ro đối với các dự báo vừa đưa ra, nhưng do suy thoái ở Eurozone có thể nghiêm trọng hơn so với dự báo của ECB và vì lạm phát có thể sẽ giảm đáng kể từ tháng Ba trở đi, chúng tôi cho rằng trong lần nâng lãi suất cuối cùng được thực hiện vào tháng 3/2023, ECB có thể sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản thay vì 50 điểm cơ bản”, ông Schmieding nói.

Chi phí vay tăng cao gây áp lực lên triển vọng tiêu thụ hàng hóa

Việc các tổ chức vẫn kiên định với mục tiêu chống lạm phát và duy trì tiến trình tăng lãi suất đã khiến cho tâm lý thị trường trở nên rất tiêu cực. Thị trường hàng hóa vẫn sẽ tiếp tục tập trung vào bối cảnh vĩ mô liệu có là trở ngại lớn cho năng lực tiêu thụ, đặc biệt là nhóm nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành sản xuất như năng lượng và kim loại hay không. Chi phí vay tăng cao đang gây áp lực nhất định lên các nền kinh tế lớn, đặc biệt là sự thu hẹp trong hoạt động của các nhà máy tại nhiều quốc gia phát triển hàng đầu. Do đó, nhu cầu tiêu thụ sẽ bị hạn chế. 

TTXVN/CNBC

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.

Bài viết liên quan

Trả lời