TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Giá xăng dầu diễn biến khó lường

Giá xăng dầu diễn biến khó lường

Bất ngờ giá xăng nội địa quay đầu giảm, trong khi giá xăng dầu thế giới được kỳ vọng sẽ tăng cao do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 20/02/2023

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Tầm quan trọng của công cụ bảo hiểm giá

Giá xăng dầu diễn biến khó lường

Giá xăng trong nước giảm lần đầu tiên từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh mới. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 15h hôm nay (21/02).

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 320 đồng/lít, xuống 22.540 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 320 đồng/lít, xuống 23.440 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 760 đồng/lít còn 20.800 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu, trừ mazut, cũng được giảm giá bán tại kỳ điều hành hôm nay. Theo đó, dầu diesel giảm 700 đồng, còn 20.860 đồng; dầu hỏa hạ 750 đồng, về mức giá mới 20.840 đồng một lít. Riêng mặt hàng dầu mazut tăng 620 đồng, lên 14.250 đồng một kg.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập và không chi quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92 và RON 95, nhưng trích lập 600 đồng mỗi lít với dầu diesel, 200 đồng với mỗi lít dầu hỏa.

Diễn biến giá xăng dầu từ 8.2022 đến nay

Diễn biến giá xăng dầu nước ta từ 8/2022 đến nay. Ảnh: Vnexpress.

Có rất nhiều thông tin đang tác động lên thị trường năng lượng

Trên thị trường thế giới, giá dầu mở cửa phiên hôm nay với diễn biến tương đối giằng co khi tồn tại nhiều tin tức trái chiều. Trước đó, đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô WTI trên thị trường tương lai tăng 1,12% lên 77,41 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,99% lên 83,49 USD/thùng, giá xăng RBOB tăng 1,35% lên 2,6577 USD/gallon.

Một mặt các nhà đầu tư trở nên thận trọng trước thềm công bố Biên bản họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm nay. Lo ngại mức đỉnh lãi suất sẽ có thể rơi vào khoảng 5.25 – 5.5%, gây ra rủi ro suy thoái kinh tế vẫn đang đè nặng lên giá dầu. Một mặt, kỳ vọng tiêu thụ tích cực trên thị trường châu Á đã hạn chế đà giảm của giá. Mới đây, Iran đã ấn định giá bán chính thức (OSP) loại dầu thô nhẹ của Iran cho người mua châu Á ở mức cao hơn 2 USD/thùng so với mức trung bình của Oman/Dubai trong tháng 3, và cao hơn 20 cent so với giá tháng trước.

Ngoài ra, thị trường dầu thô cũng đang được hưởng lợi từ cuộc căng thẳng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington về các vấn đề liên quan đến sự cố khinh khí cầu. Thêm vào đó, Triều Tiên được cho là vừa bắn tên lửa đạn đạo ngoài khơi bờ biển phía đông, trong khi cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc đã phát hiện Iran làm giàu uranium tới mức rất gần với cấp độ vũ khí. Các căng thẳng địa chính trị gia tăng gây ra lo ngại thêm về triển vọng nguồn cung trong tương lai trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới đang lên cao, đặc biệt khi Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đang phục hồi sau các hạn chế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Các nhà phân tích kỳ vọng, nhập khẩu dầu của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm lọc dầu. Bloomberg ước tính, nhu cầu từ Trung Quốc sẽ tăng 800.000 thùng/ngày, lên mức cao nhất mọi thời đại là khoảng 16 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay.

Triển vọng tiêu thụ cả trong và ngoài nước đã thúc đẩy các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc tăng thông lượng dầu thô từ 850.000 thùng lên 1,2 triệu thùng/ngày. Bên cạnh việc nâng công suất, sẽ có ít nhất hai nhà máy lọc dầu với tổng công suất lên tới 520.000 thùng sẽ đi vào hoạt động trong các tháng tới. 

Trong báo cáo hàng tháng về thị trường dầu mỏ công bố mới đây, OPEC nêu rõ: “Chìa khóa cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2023 sẽ là sự trở lại của nền kinh tế Trung Quốc, sau khi những hạn chế nhằm chống dịch COVID-19 được bãi bỏ tại quốc gia Đông Bắc Á này”.

Các nhà đầu tư cũng dành sự quan tâm không nhỏ đối với nguồn cung dầu thô của Nga, trong bối cảnh nước này phải xoay sở để thích ứng với các lệnh cấm vận. Rủi ro về nguồn cung trong thời gian tới cũng tăng lên, khi mà Mỹ đang lên kế hoạch cho một đợt trừng phạt mới đối với Nga, bằng những biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới.

Ngoài ra, Nga dự kiến ​​sẽ cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày vào tháng 3, tương đương khoảng 5% sản lượng, để đáp trả việc các cường quốc phương Tây áp đặt giá trần đối với dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của nước này. Trước thời điểm này, xuất khẩu dầu thô trên biển của Nga đã tăng 25% lên 3,6 triệu thùng/ngày, trong tuần kết thúc ngày 17/02.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) cũng đã tuyên bố sẽ cắt giảm mục tiêu sản xuất dầu 2 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm 2023. Tuy nhiên, mới đây trong phát biểu tại một hội nghị ở thủ đô Riyadh, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia – Thái tử Abdulaziz bin Salman cho biết OPEC+ sẽ vẫn linh hoạt và có thể thay đổi chính sách sản lượng nếu các điều kiện thị trường thay đổi.

Theo nhận định của Goldman Sachs, sự thiếu hụt nguồn cung dầu trong tương lai có thể sẽ đẩy giá lên tới 100 USD/thùng vào cuối năm nay.

Bài viết liên quan

Trả lời