TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Nguy cơ nguồn cung thắt chặt vẫn là động lực hỗ trợ giá dầu

Nguy cơ nguồn cung thắt chặt vẫn là động lực hỗ trợ giá dầu

Lo ngại các nước xuất khẩu dầu hàng đầu, bao gồm Saudi Arabia và Nga, cắt giảm sản lượng đã tạo động lực tăng cho giá dầu.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 04/09/2023

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Cách sử dụng các loại lệnh trong giao dịch hàng hóa

Nguy cơ nguồn cung thắt chặt vẫn là động lực hỗ trợ giá dầu

Đóng cửa ngày giao dịch 4/9, dầu Brent kỳ hạn tháng 11 trên Sở giao dịch ICE EU tăng 0,51% lên 89 USD/thùng, dầu WTI trên Sở NYMEX đóng cửa nghỉ ngày lễ Lao động tại Mỹ.

Động lực lớn nhất của thị trường vẫn là việc cắt giảm sản lượng dầu từ các thành viên chủ chốt của OPEC+. Saudi Arabia được cho là sẽ tiếp tục cắt giảm 1 triệu thùng/ngày tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 10. Các thông báo cắt giảm trước đây của Saudi Arabia thường được đưa ra trước khi thông báo giá bán chính thức của họ, thường xuất hiện trong tuần đầu tiên của tháng.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này đã nhất trí với các đối tác trong OPEC+ trong việc duy trì cắt giảm sản lượng trong tháng tới. Theo nguồn tin từ các thị trường, Chính phủ Nga sẽ cắt giảm xuất khẩu 300.000 thùng/ngày trong tháng 9, giảm 200.000 thùng so với mức cắt giảm trong tháng 8. Thông báo chính thức, bao gồm chi tiết về kế hoạch cắt giảm dự kiến, sẽ được đưa ra trong tuần này. 

Tại Hội nghị APEC kéo dài 3 ngày ở Singapore bắt đầu từ 4/9, nhiều chuyên gia cho biết thị trường dầu vẫn còn khả năng thắt chặt. Cụ thể, một quan chức cấp cao của công ty kinh doanh hàng hoá toàn cầu Trafigura nói rằng vùng giá hợp lý của dầu thô là từ 72 – 88 USD/thùng, đồng thời nhấn mạnh rủi ro tăng giá.

Các nhà phân tích khác cho biết các kho dự trữ của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay và có thể sẽ giảm hơn nữa do nhu cầu kỷ lục và nguồn cung eo hẹp. Giá dầu ngắn hạn của Mỹ cũng đang cao hơn giá dầu kỳ hạn, càng thúc đẩy việc rút dầu từ kho dự trữ. Giá dầu Mỹ giao vào tháng 10 gần đây được giao dịch cao hơn khoảng 6 USD/thùng so với giá giao sau 12 tháng.

Ngoài ra, các nhà phân tích của hãng tin Reuters cho biết nguồn cung nhiên liệu có thể bị ảnh hưởng khi nhu cầu sưởi ấm tại Mỹ tăng cao trong mùa đông này. Trong khi đó, dự trữ nhiên liệu chưng cất của Mỹ đạt mức thấp bất thường sau khi OPEC+ cắt giảm nguồn cung dầu thô và nhu cầu cao hơn từ châu u.

Cơ quan Quản lý thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, tính đến cuối tháng 8 thấp hơn khoảng 15% so với mức trung bình 5 năm cùng thời điểm, ở mức dưới 118 triệu thùng, đảm bảo cho nguồn cung mức 31 ngày.

Sự gia tăng nguồn cung từ một số quốc gia sản xuất khác được cho là sẽ không đủ bù đắp cho sự thiếu hụt trên thị trường trong thời gian tới. Theo hãng tin Bloomberg, hoạt động xuất khẩu của Iran hiện đang ở mức gần 2 triệu thùng/ngày, tương đương công suất của nước này. Mặc dù Iran có thể tăng cường xuất khẩu trở lại khi nhu cầu hồi phục, nhưng các nhà phân tích nhận định khối lượng sẽ khó có thể cao hơn mức hiện tại. Do đó, nguy cơ nguồn cung thắt chặt vẫn là động lực hỗ trợ giá dầu trong ngày hôm qua.

Trong khi đó, dữ liệu việc làm tháng 8 của Mỹ đã củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong tháng này.

Tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất mở rộng bất ngờ vào tháng 8 và một loạt các biện pháp kinh tế để hỗ trợ nước này phục hồi sau đại dịch đã làm dấy lên lạc quan rằng nhu cầu sẽ tăng ở nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Các quỹ phòng hộ đã tăng mua 19 triệu thùng đối với các hợp đồng quyền chọn và tương lai dầu WTI trong tuần kết thúc ngày 29/8, cho thấy sự lạc quan của các nhà quản lý danh mục đối với triển vọng giá dầu.

Theo MXV

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường

Bài viết liên quan