TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Giá dầu sẽ càng biến động hơn

Nguồn cung thắt chặt tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu

Giá dầu tăng vọt hơn 7% sau khi nội bộ Liên minh châu Âu (EU) xuất hiện một số ý kiến cho rằng EU cần đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga.

[Hữu ích cho nhà đầu tư] 

Giao dịch Spread với mức ký quỹ thấp chưa từng có

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 17/03/2022

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Giá dầu sẽ càng biến động hơn

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/3, giá dầu thô Brent tăng 7,12% lên 115,62 USD/thùng và dầu thô WTI tăng 7,09% lên 112,12 USD/thùng. 

Giá dầu đã biến động mạnh liên tục trong những tuần gần đây – tăng vọt lên mức cao kỷ lục vào đầu tháng 3 trước khi giảm hơn 20% vào tuần trước xuống dưới 100 USD. Tuy nhiên, giá đã đảo chiều tăng trở lại từ giữa tuần qua, khi các quan chức Ukraine và Nga đã gặp nhau để đàm phán nhưng không đạt được những nhượng bộ quan trọng.

Động lực thúc đẩy giá dầu

Tình hình chiến sự kéo dài giữa Nga – Ukraine kéo theo sự lo ngại về gián đoạn nguồn cung đã giúp giá dầu thô đi lên các mức đỉnh lịch sử. Các hy vọng về thành công ngoại giao giữa Nga – Ukraine đang giảm dần, bất chấp việc phía Ukraine nỗ lực thúc đẩy cuộc gặp giữa 2 Tổng thống.

Hành động của Nga đang khiến cho các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc gia tăng các lệnh trừng phạt, đặc biệt là vào ngành năng lượng, lĩnh vực cung cấp dòng tiền chính cho Nga. Hiện các chính phủ thuộc EU đang xem xét liệu có nên áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga trong cuộc họp với Tổng thống Mỹ, Joe Biden vào tuần này. 

Tuy vậy, Nga cung cấp 27% lượng dầu nhập khẩu cho khối EU, do đó phương án này đang vấp phải sự phản đối của nhiều thành viên, trong đó có các nước lớn như Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Nga cảnh báo các lệnh cấm vận mới có thể đẩy giá dầu lên mức 300 USD/thùng.

Nhiều nhà phân tích vẫn tin rằng bất kỳ sự mất mát nào về sản lượng của Nga sẽ “bóp chết” một thị trường mong manh, trong đó nguồn cung dầu toàn cầu đã không theo kịp với nhu cầu tăng cao sau đại dịch.

Giám đốc công ty tư vấn năng lượng Enverus, Bill Farren-Price, cho biết: “Sự biến động giá dầu đi đôi với các cuộc xung đột liên quan đến các nhà sản xuất dầu lớn. Rủi ro nguồn cung là một chuyện, nhưng nghi ngờ về nhu cầu lại tác động theo chiều ngược lại. Dấu hiệu quan trọng tiếp theo sẽ là cách tiếp cận của châu Âu đối với các biện pháp trừng phạt năng lượng Nga và các cuộc đàm phán hạt nhân Iran”.

Căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng với việc phiến quân Houthi liên tiếp nhắm vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia có khả năng gây ra gián đoạn đối với sản xuất dầu của nước này.

Phía Saudi Arabia đã lên tiếng cảnh báo rằng thị trường có thể tiếp tục rơi vào trạng thái thiếu hụt nếu nước này tiếp tục hứng chịu các đợt tấn công mới. Tuần vừa rồi, một số cơ sở lọc dầu của nước này đã phải tạm ngừng hoạt động sau khi hứng chịu vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái. Ngay khi sản lượng dầu của Saudi Arabia đang tiệm cận mức trước đại dịch, các gián đoạn có thể gây ra khó khăn đối với mục tiêu tăng sản lượng hàng tháng.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết các kho dự trữ dầu thương mại ở các nước phát triển đã giảm nhanh chóng do nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu. Các nước phương Tây cũng đã giải phóng dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp nhằm hạ nhiệt nhưng giá dầu vẫn cao hơn gấp đôi so với mức trung bình dài hạn trong lịch sử.

Giá cao nhưng nhu cầu có thể sẽ giảm

Một số nhà phân tích đã nói rằng sự tăng giá gây ra bởi một cú sốc nguồn cung đột ngột có thể kéo giảm nhu cầu dầu, từ đó sẽ khiến giá giảm. Chỉ riêng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể “làm suy giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, IEA cho biết, và cắt giảm khoảng 1/3 mức dự báo về lượng dầu thô thế giới sẽ sử dụng vào năm 2022.

Các nhà giao dịch đang theo dõi sát sao những nỗ lực của Trung Quốc – nhà nhập khẩu xăng dầu lớn nhất thế giới, nhằm ngăn chặn đợt bùng phát Covid-19 mới nhất và những tác động của nó đối với nhu cầu năng lượng. Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết giảm tác động kinh tế của các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt, đồng thời nhắc lại cam kết đối với chính sách Covid-Zero. 

Tại Trung Quốc, nhập khẩu và nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu hiện có xu hướng thấp hơn nhiều so với năm 202. Tuần trước, nước này đã báo cáo số ca tử vong do Covid-19 đầu tiên kể từ tháng 01/2021 và số ca nhiễm mới ở Thượng Hải đạt mức kỷ lục.

Những lo ngại kéo dài về đại dịch Covid-19 có thể làm suy yếu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân khiến người dân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Các chính phủ đang tìm cách hỗ trợ tài chính cho người dân khi giá xăng dầu đang cao.

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: 024.3552.7979
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g

Bài viết liên quan

Trả lời