TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Giá dầu hạ nhiệt hay chỉ đang điều chỉnh?

Giá dầu biến động trong "cuộc chiến" cân bằng cán cân cung - cầu

Giá dầu đã giảm sau các phiên tăng liên tiếp từ đầu tuần khi các dấu hiệu cho thấy cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể sớm kết thúc, đồng nghĩa mức sản lượng khoảng 1 triệu thùng dầu bán ra thị trường của Iran có thể được khôi phục.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Giao dịch Spread với mức ký quỹ thấp chưa từng có

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 03/03/2022

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Giá dầu hạ nhiệt hay chỉ đang điều chỉnh?

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/3, dầu thô WTI giảm 2,65% xuống 107,67 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2,19% xuống 110,46 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đã tăng lên mức cao nhất nhiều năm trong phiên này, dầu Brent đạt 119,84 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 5/2012 và dầu WTI cao nhất kể từ tháng 9/2008 tại 116,57 USD/thùng.

Thị trường dầu thô đã trải qua một đợt biến động bất thường kể từ khi Nga tiến quân vào Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt này hiện vẫn đang leo thang, cùng với đó là một loạt các lệnh trừng phạt dành cho Nga.

Hôm qua, dầu thô bật tăng mạnh mẽ trong phiên sáng khi Mỹ thông báo cấm xuất khẩu công nghệ lọc dầu khiến Nga khó khăn để hiện đại hóa các nhà máy lọc dầu. Mặc dù Nhà Trắng đã trấn an rằng hiện tại chưa phải là thời gian phù hợp để áp dụng chính sách này, tuy nhiên họ đang gặp áp lực rất lớn từ cả lưỡng đảng để thiết lập một lệnh cấm vận gây tác động lớn đến Nga. Các sản phẩm từ nhiên liệu hóa thạch chiếm đến gần 50% thu nhập từ hoạt động xuất khẩu của nước này, và sẽ là đòn giáng mạnh xuống Nga.

Đà tăng của dầu WTI chỉ dừng lại khi giá chạm kháng cự tại vùng 116 USD/thùng. Kết hợp với thông tin phái đoàn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA đã đến Iran để kiểm tra độ tuân thủ của nước này đối với cam kết chung về vấn đề hạt nhân, một tín hiệu cho thấy các bên có thể sắp tiến tới một thỏa thuận chung. Mỹ có động lực để ngừng hoạt động làm giàu uranium của Iran trước khi Iran có đủ nhiên liệu để sản xuất vũ khí, cũng như đem dầu thô của Iran quay trở lại thị trường quốc tế.

Các báo cáo truyền thông cho rằng Mỹ và Iran đã gần hoàn thành một thỏa thuận có thể đưa hơn một triệu thùng dầu mỗi ngày hay khoảng 1% nguồn cung toàn cầu trở lại thị trường. Tuy nhiên, việc cứu trợ nguồn cung này chỉ có thể lấp đầy một phần lỗ hổng do người mua cắt giảm mua dầu của Nga, nước chiếm khoảng 8% lượng dầu xuất khẩu toàn cầu.

Bài toán nguồn cung chưa được giải, giá dầu sẽ chưa sớm hạ nhiệt

Cán cân – cung cầu trên thị trường đang mất cân bằng, để cải thiện điều này, Mỹ và các nước đồng minh đã đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu ra thị trường. Trong số đó, 30 triệu thùng sẽ đến từ các kho dự trữ chiến lược tại Mỹ, số còn lại đến từ các thành viên thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA như Đức, Anh, Italy, Hà Lan hay Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Tuy nhiên, lượng dầu tiêu thụ của thế giới hiện đang ở mức gần 100 triệu thùng dầu/ngày, con số trên chưa đủ để đáp ứng trong bối cảnh nguồn cung liên tiếp gặp các vấn đề về gián đoạn.

Về phía Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), bất chấp các lời kêu gọi gia tăng sản lượng từ các nước tiêu thụ, nhóm này vẫn chỉ duy trì mức tăng khoảng 400.000 thùng/ngày.

Lượng dầu cung cấp ra thị trường không đủ để bù đắp sản lượng từ Nga trong khi các thương nhân cũng đang hạn chế mua sản phẩm của Nga, mặc dù dầu thô của Nga đang được chào bán với mức chiết khấu kỷ lục nhằm thu hút người mua.

Dự đoán giá dầu từ các tổ chức lớn

Trước thời điểm xung đột Nga – Ukraine lên đỉnh điểm, thị trường dầu đã ở trạng thái thắt chặt khi các nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. 

Một khi chưa có giải pháp nào có thể giải quyết hoàn toàn rủi ro về thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, không có nhiều khả năng cho thấy dầu sẽ rơi xuống vùng giá 100 USD/thùng. Thực tế, các tổ chức lớn như ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cũng kỳ vọng giá sẽ vượt mức 120 USD/thùng hoặc thậm chí cao hơn nữa.

Ngân hàng ANZ của Australia đã nâng mục tiêu ngắn hạn đối với dầu lên 125 USD/thùng, và cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể sẽ trầm trọng thêm.

Ngân hàng JP Morgan trong một thông báo gửi tới khách hàng của mình đã cho biết: “Chúng tôi đã điều chỉnh dự báo giá hàng hóa tăng thêm 10-20% trong bối cảnh khủng hoảng địa chính trị đang diễn ra”.

JP Morgan dự đoán giá dầu Brent có thể tăng lên 185 USD vào cuối năm nay nếu tình trạng hiện tại không được cải thiện. 

Jarand Rystad giám đốc điều hành của Rystand Energy cho biết họ dự kiến xuất khẩu dầu của Nga sẽ giảm 1 triệu thùng/ngày từ ảnh hưởng gián tiếp của các lệnh trừng phạt. Ông dự kiến giá dầu có thể tiếp tục tăng, khả năng vượt 130 USD/thùng.

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: 024.3552.7979
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g

Bài viết liên quan

Trả lời