TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

USD giảm phiên thứ 2 liên tiếp nhưng giá kim loại và năng lượng lại có sự phân hóa

USD giảm phiên thứ 2 liên tiếp nhưng giá kim loại và năng lượng lại có sự phân hóa

Các mặt hàng giao dịch trong nhóm kim loại và năng lượng đều được định giá bằng đồng USD. Về mặt lý thuyết, khi USD giảm thì giá các hàng hóa này sẽ được hỗ trợ khi chi phí mua rẻ hơn so với các đồng tiền khác.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 26/09/2022

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Tầm quan trọng của công cụ bảo hiểm giá

USD giảm phiên thứ 2 liên tiếp nhưng giá kim loại và năng lượng lại có sự phân hóa

Lực mua chiếm ưu thế trên thị trường kim loại

8/10 mặt hàng trên thị trường kim loại đóng cửa với sắc xanh trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Đồng Dollar Mỹ đã có ngày suy yếu thứ 2 liên tiếp và là nguyên nhân chính hỗ trợ cho giá phần lớn các mặt hàng kim loại.

Vào ngày hôm qua, dữ liệu đo lường lạm phát tại nước Đức lần đầu tiên đạt ngưỡng 2 con số kể từ khi đồng Euro ra đời cách đây 20 năm, khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 tăng vọt 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đang làm tăng nguy cơ về lạm phát tại Khu vực châu Âu sẽ vượt quá ước tính chung 9,7% trong tháng 9, và thúc đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mạnh tay tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tháng 10. Đồng Euro nhanh chóng tăng vọt sau dữ liệu này và do đó, đồng bạc xanh chịu sức ép, kéo chỉ số Dollar index giảm 0,31% và củng cố cho đà tăng của bạch kim. Trong khi đó, kháng cự 19 USD/ounce đã ngăn cản sự bứt phá của giá bạc, nhất là khi bài toán về nhu cầu công nghiệp vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Sự suy yếu của đồng USD cũng đã hỗ trợ cho phần lớn giá các mặt hàng kim loại cơ bản trong phiên. Đồng COMEX giảm mạnh nửa đầu phiên, nhưng nhanh chóng đảo chiều theo diễn biến của đồng Dollar Mỹ, kết thúc với mức giá 3,41 USD/pound sau khi tăng 1,77%. Bên cạnh đó, nguồn tin từ Reuters cho biết Sở giao dịch kim loại London (LME) đang xem xét một cuộc tham vấn về việc liệu kim loại của Nga như nhôm, niken và đồng có nên tiếp tục được lưu trữ và giao dịch trong hệ thống hay không. Điều này đang làm dấy lên lo ngại về nguồn cung kim loại của Nga sẽ bị cấm tại Sở giao dịch kim loại lâu đời nhất trên thế giới và hỗ trợ cho giá các mặt hàng này tăng khá mạnh trong phiên. Kim loại nhôm, niken và đồng của Nga lần lượt chiếm khoảng 7%, 6% và 3,5% tổng sản lượng trên thế giới.

Giá quặng sắt cũng tiếp tục đà phục hồi sau khi đón nhận tin tức tích cực về triển vọng tiêu thụ, khi mà Chính phủ Trung Quốc phân phối thêm 300 tỷ nhân dân tệ (42 tỷ USD) cho các dự án cơ sở hạ tầng thông qua Ngân hàng chính sách của quốc gia này. Ngoài ra, nhu cầu dự trữ thép tăng trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh vào tuần sau cũng đã hỗ trợ cho giá sắt.

Giá năng lượng giảm nhưng vẫn thu hút được dòng tiền

Năng lượng, đặc biệt là dầu thô vẫn là một trong những mặt hàng có biến động thu hút các nhà đầu tư lựa chọn giao dịch. Nhờ tính chất giao dịch 2 chiều mà mặc dù thị trường giá xuống nhưng các nhà đầu tư vẫn có cơ hội kiếm lời. 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/9, giá dầu thô Brent đánh mất gần 1% xuống 87,18 USD/thùng trong khi dầu WTI giảm 1,12% xuống 81,23 USD/thùng. Sự suy yếu của đồng Dollar không còn giúp các mặt hàng năng lượng duy trì được đà tăng. Triển vọng kinh tế suy yếu làm lu mờ sự hỗ trợ của yếu tố này và thông tin OPEC+ có khả năng cắt giảm sản lượng vào tuần tới.

Theo hãng tin Reuters, các thành viên hàng đầu trong OPEC+ đã bắt đầu thảo luận về việc cắt giảm sản lượng dầu tại cuộc họp tuần tới ngày 5/10. Reuters đưa tin trong tuần này Nga có thể sẽ đề xuất OPEC+ giảm sản lượng dầu khoảng 1 triệu thùng/ngày.

Theo dữ liệu của Petro-Logistics, xuất khẩu dầu thô từ tất cả các nhà sản xuất dầu OPEC đã giảm trong 25 ngày đầu tiên của tháng 9/2022. Cụ thể, xuất khẩu dầu thô của Iran giảm hơn 700,000 thùng/ngày; xuất khẩu dầu từ Cộng hòa Hồi giáo, được miễn trừ khỏi thỏa thuận của OPEC+, chỉ đạt trung bình 450,000 thùng/ngày. Ngoài các thành viên OPEC là Iran, Venezuela và Libya được miễn trừ thì liên minh có mục tiêu sản xuất cao hơn 100.000 thùng/ngày trong tháng 9. Tuy nhiên mức tăng này sẽ chỉ kéo dài một tháng và bị đảo ngược vào tháng 10, có nghĩa là các nhà sản xuất OPEC+ sẽ sản xuất ít hơn kế hoạch trong tháng này.

Thị trường dầu thời gian qua bị chao đảo giữa nhu cầu giảm sút do việc tăng lãi suất gây ra và nguồn cung dầu bị thắt chặt.

Tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, hoạt động đi lại trong kỳ nghỉ lễ quốc khánh kéo dài một tuần sắp tới sẽ ghi nhận mức thấp nhất trong nhiều năm do các quy định về chính sách zero COVID của nước này khiến người dân phải ở nhà trong khi nền kinh tế bất ổn làm hạn chế chi tiêu.

Tuy vậy, nỗi lo nguồn cung cũng vơi đi phần nào khi mối đe dọa về cơn bão Ian đã giảm đi. Dầu của Mỹ dự kiến sẽ quay trở lại thị trường trong vài ngày tới, sau khi khoảng 158.000 thùng/ngày bị ảnh hưởng ở vùng Vịnh Mexico tính đến ngày 28/9.

Mỹ sắp công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với các công ty tạo điều kiện cho việc bán dầu của Iran.

Báo Tin tức

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: 024.3552.7979
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g

Bài viết liên quan

Trả lời