TIN NỔI BẬT, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Thị trường nông sản phái sinh đang chờ đợi các thông tin mới

Các hạn chế về mặt sản xuất trong khi nhu cầu tăng cao khiến giá nông sản tuần qua tăng mạnh

Tuần vừa rồi số liệu tồn kho trong báo cáo Cung – cầu Nông sản Thế giới tháng 11 của USDA đã tác động rất lớn đến các mặt hàng nông sản phái sinh trên sàn CBOT nhất là ngô và đậu tương. Kết thúc tuần, ngô và toàn bộ nhóm sản phẩm đậu tương tiếp tục tăng tuần thứ hai liên tiếp, trái chiều với mức giảm của giá lúa mì.

Nông sản giao dịch hàng hóa phái sinh

Theo báo cáo Cung – cầu Nông sản Thế giới tháng 11 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), tồn kho đậu tương Mỹ niên vụ 2020/21 dự báo ở mức 5,2 triệu tấn, giảm mạnh so với mức 7,9 triệu tấn trong báo cáo tháng 10 và mức thấp nhất kể từ niên vụ 2013/14 đến nay. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đễn mức giảm tồn kho trên là do thời tiết không thuận lợi và ảnh hưởng của các cơn bão lớn làm năng suất mùa vụ năm nay bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đà tăng của đậu tương bị cản lại ở phiên cuối tuần do thời tiết thuận lợi ở các quốc gia Nam Mỹ giúp có tiến độ gieo trồng đậu tương diễn ra nhanh chóng cộng với việc mua hàng của Trung Quốc chậm lại. Hợp đồng đậu tương kỳ hạn tháng 1/2021 nhìn chung tăng mạnh 4,2% lên mức 421,8 USD/tấn. Kéo theo đó là giá khô đậu tương tăng 1,5% lên mức 427,8 USD/tấn. Dầu đậu tương cũng tăng vọt 5,1%, lên mức 818,6 USD/tấn do tác động tích cực từ cả thông tin về vaccine.

Diễn biến hợp đồng đậu tương 1/2021

Diễn biến hợp đồng đậu tương 1/2021 trong tuần qua. Nguồn: Tradingview.

Công cuộc bầu cử tổng thống và chuyển giao quyền lực tại Hoa Kỳ vẫn đang trong trạng thái “giùng giằng” và Trung Quốc vẫn đang theo dõi nhất cử nhất động của sự kiện này. Trong trường hợp đã chắc chắn rằng Đảng Dân Chủ sẽ lên cầm quyền trong 4 năm tới, Trung Quốc có thể sẽ sớm thực hiện việc mua hàng để thể hiện thiện chí trước khi ngồi lại vào bàn đàm phán.

Số ca nhiễm virus corona mới tại Mỹ đang bùng phát rất mạnh, vượt 250.000 ca mỗi ngày trong 2 ngày cuối tuần vừa rồi. Tình trạng này có thể khiến các hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn, qua đó hỗ trợ giá đậu tương tăng.

Đối với ngô, tồn kho ngô Mỹ niên vụ 2020/21 được USDA dự báo ở mức 43,2 triệu tấn, giảm rất mạnh so với mức 55 triệu tấn trong báo cáo tháng 10. Cộng với tình hình thời tiết bất lợi tại các vùng trồng ngô ở Nam Mỹ hỗ trợ tăng nhẹ gần 1%. Đà tăng bị hạn chế do mức giảm của giá lúa mì bởi đây là mặt hàng bổ trợ lẫn nhau.

Diễn biến ngô tháng 12/2020

Diễn biến ngô tháng 12/2020 trong tuần qua. Nguồn: Tradingview.

Thông tin về hạn ngạch xuất khẩu mà Nga dự kiến áp dụng cho nửa sau niên vụ 2020/21 không thấp như kỳ vọng đã kéo giá lúa mì giảm 1,4% trong tuần vừa rồi. Việc hạn ngạch xuất khẩu không quá chênh lệch so với mức xuất khẩu trung bình khiến nguồn cung không còn là vấn đề đáng lo ngại như trước.

Diễn biến lúa mì tháng 12/2020

Diễn biến lúa mì tháng 12/2020 trong tuần qua. Nguồn: Tradingview.

Lo ngại về sự bùng phát mạnh hơn của dịch bệnh trong mùa đông này khi chờ đợi vaccine diện rộng vẫn khiến các quốc gia phải cảnh giác về tình hình lương thực. Vì vậy, giá lúa mì khó có thể giảm sâu hơn nữa và ngô có thể tiếp tục tăng. Tuy nhiên, giá lúa mì sẽ không thể tăng mạnh bởi áp lực từ thời tiết tại Nga đã có mưa trở lại ở các vùng gieo trồng.

Theo dõi thêm các tin tức nổi bật về thị trường hàng hóa phái sinh tại chuyên mục: Tin tức Thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ (84) 024.3552.7979
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? STK Vietcombank : 0611001975177 Chi nhánh Ba Đình
? STK BIDV: 21610000479888 Chi nhánh Đống Đa
? STK Techcombank: 19134664939018 phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt.

Bài viết liên quan

Trả lời