Giá dầu thô thế giới đã giảm 4 phiên liên tiếp – chuỗi giảm lớn nhất kể từ đầu tháng 3 sau một loạt các thông tin tiêu cực từ các nền kinh tế lớn, trong bối cảnh gia tăng lo ngại về nhu cầu xăng dầu, nhất là ở Châu Á, khi virus biến thể Delta tiếp tục lan rộng.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Giao dịch Spread – loại hình đầu tư hạn chế rủi ro
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 16/08/2021
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/08, giá dầu thô WTI giảm 1,04% xuống 66,59 USD/thùng, dầu thô Brent giảm 0,69% xuống 69,03 USD/thùng.
Doanh số bán lẻ tại Mỹ giảm mạnh 1% so với mức dự đoán giảm 0,1% của thị trường, kết hợp với thông tin dữ liệu kinh tế mới nhất từ Trung Quốc về sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư cố định của nước này trong tháng 7 đều chậm lại hơn nhiều so với dự kiến, cho thấy sự giảm tốc của 2 “đầu tàu” kinh tế, khiến cho triển vọng chung của thế giới suy yếu.
Trong khi đó, Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp ở Tokyo đồng thời gia tăng các biện pháp mới để đối phó với dịch COVID-19 lại càng gây sức ép lên giá dầu. Giới phân tích dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong quý III khi các gói hỗ trợ thị trường giảm dần, trong khi số ca COVID-19 tiếp tục gia tăng trên thế giới.
Đồng USD lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng cũng tạo nhiều sức ép cho giá các mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh như dầu thô. Kỳ vọng về việc FED thắt chặt cung tiền kết hợp với các nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ các tài sản an toàn đã khiến USD tăng mạnh 2 phiên liên tiếp.. Chỉ số Dollar Index ngày 17/08 tăng 0,5% sau khi dữ liệu bán lẻ của Mỹ gây thất vọng, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới gia tăng và tình hình hỗn loạn ở Afghanistan làm giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro lớn như cổ phiếu.
Các quỹ đầu cơ và các nhà quản lý tiền tệ đã cắt giảm khoảng 21.777 hợp đồng các vị thế mua ròng hợp đồng dầu thô tương lai và quyền chọn ở New York và London trong tuần tính đến ngày 10/08 xuống còn 283.601. Theo đó, vị thế mua ròng dầu Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Virus biến thể Delta bùng phát làm chệch hướng nhu cầu xăng dầu trên toàn cầu
Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc, cũng như việc dịch bệnh đang tiếp diễn trên khắp thế giới đã tác động mạnh mẽ lên giá dầu.
Các chính phủ có thể sẽ tái áp dụng các bện pháp giãn cách xã hội cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng hơn cho thấy dịch bệnh đã được kiểm soát và khi mùa Đông ở bán cầu Bắc qua đi. Do đó, hoạt động vận tải hàng không đường dài – lẽ ra được mở cửa rộng rãi trở lại từ quý II/2021 nhưng bị hoãn lại do dịch bệnh bùng phát – có thể sẽ tiếp tục bị hoãn cho đến năm 2022. Tiêu thụ xăng trong ngành hàng không đặc biệt quan trọng đối với sự hồi phục hoàn toàn tiêu thụ xăng dầu toàn cầu.
Bức tranh tiêu thụ xăng dầu trên thế giới vốn đã không đồng đều bởi những mảng sáng tối, nay càng bị che mờ bởi virus biến thể Delta.
Tiêu thụ xăng dầu ở Mỹ, đã hồi phục trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch, nhưng gần đây đã đột ngột thay đổi từ lĩnh vực tiêu dùng sang lĩnh vực công nghiệp và vận tải hàng hóa, phản ánh sự hồi phục không đồng đều ở thị trường này.
Theo đó, số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tổng khối lượng các sản phẩm xăng dầu cung cấp cho thị trường trong nước đã tăng lên 20,1 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 5, chỉ còn thấp hơn 300.000 thùng/ngày (1,4%) so với cùng tháng năm 2019, là trước khi xảy ra đại dịch, và cao hơn 200.000 thùng/ngày (1,1%) so với mức trung bình 5 năm trước đại dịch (2015-2019).
Trong khi đó, tiêu thụ chất lỏng khí hydrocacbon (HGLs), chủ yếu được sử dụng trong ngành hóa dầu và các ngành công nghiệp khác, đã tăng trưởng mạnh mẽ, che lấp sự phục hồi chưa hoàn toàn về nhiên liệu cung cấp cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, mức tiêu thụ xăng mặc dù chỉ giảm 4% so với năm 2019 và dầu diesel giảm 6%, nhưng tiêu thụ nhiên liệu máy bay vẫn giảm 26%, chủ yếu do các chuyến bay quốc tế giảm mạnh. Ngược lại, tiêu thụ xăng dầu thành phẩm là 16,5 triệu thùng/ngày, giảm so với mức 17,5 triệu thùng/ngày của hai năm trước đó và mức trung bình 5 năm là 17,3 triệu thùng/ngày.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở những khu vực tiêu thụ dầu chủ chốt khác, bao gồm Châu Âu và Trung Quốc, song dữ liệu tiêu thụ xăng dầu ở những khu vực này sẽ được công bố muộn hơn.
Tại Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế rõ ràng đang bị tổn thương bởi đợt bùng phát COVID-19 mới. Doanh số bán lẻ tháng 7 đã tăng trưởng chậm lại đáng kể, và lũ lụt cũng như số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trở lại làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Hoạt động chế biến dầu thô trung bình ngày của Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – trong tháng vừa qua cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020, do các nhà máy lọc dầu độc lập cắt giảm sản lượng trong bối cảnh hạn ngạch thắt chặt hơn, tồn kho tăng và lợi nhuận giảm. Khối lượng dầu chế biến trong tháng 7 chỉ đạt 59,06 triệu tấn, tương đương 13,9 triệu thùng/ngày, thấp hơn 0,9% so với cùng tháng năm 2020, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết.
Tại Nhật Bản, nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ tư thế giới, nhiều nhà phân tích nhận định tăng trưởng kinh tế trong quý hiện tại chỉ ở mức khiêm tốn khi các hạn chế khẩn cấp được gia tăng để đối phó với tình trạng số ca nhiễm COVID-19 mới cao kỷ lục, làm ảnh hưởng đến chi tiêu của các hộ gia đình và nhu cầu xăng dầu đi lại.
Ấn Độ cũng bắt đầu rút dầu từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược để cung cấp cho các nhà máy lọc dầu của mình, mặc dù giá dầu thô thế giới đang giảm.
Trong bối cảnh hiện tại, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết hôm thứ Năm tuần trước (12/08) đã hạ dự báo về triển vọng thị trường dầu mỏ trong thời gian tới, theo đó dự kiến tốc độ tăng trưởng nhu cầu sẽ chậm lại từ nay đến cuối năm.
Trong báo cáo tháng 8 này, IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ năm 2021 sẽ thấp hơn 300.000 thùng/ngày so với mức dự báo tháng 7, tương đương 5,3 triệu thùng/ngày so với năm ngoái, lên 96,2 triệu thùng/ngày. IEA cũng cho biết sản lượng khai thác dầu toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) nhất trí tăng sản lượng.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc OANDA, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục cho rằng mức hỗ trợ của giá dầu WTI sẽ là 65 USD, nhưng khả năng giá dầu tăng trong những ngày tới là rất thấp”.
Bất chấp một loạt các tin tiêu cực từ thị trường, giá dầu hiện vẫn duy trì ở mức trên 66 USD/thùng, cho thấy hiện tại thị trường vẫn đang được hỗ trợ khá vững ở vùng giá này. Số liệu của API sáng nay cho thấy tồn kho dầu giảm trong tuần vừa rồi cũng đang tạo đà cho giá phục hồi hồi nhẹ. Tuy nhiên, ở thời điểm này cũng không còn nhiều thông tin để giúp giá tăng trở lại vùng giá 70 USD/thùng. Do đó, nhiều khả năng giá sẽ đi ngang ở khoảng 66-70 trong các phiên tiếp theo.
Tổng hợp.
Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: 024.3552.7979
? FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g