TIN NỔI BẬT, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Nhu cầu cao su toàn cầu tiếp tục cải thiện, giá sẽ tăng trong ngắn hạn

Nhu cầu cao su toàn cầu tiếp tục cải thiện, giá sẽ tăng trong ngắn hạn

Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo giá cao su tự nhiên sẽ tăng trong ngắn hạn nhờ nhu cầu cải thiện từ các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và châu Âu.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Giao dịch Spread – loại hình đầu tư hạn chế rủi ro

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 27/07/2021

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Nhu cầu cao su toàn cầu tiếp tục cải thiện, giá sẽ tăng trong ngắn hạn

Theo ANRPC, thị trường cao su tự nhiên cho thấy một bức tranh trái chiều trong tháng 7 này, với các hợp đồng kỳ hạn tương lai giao dịch trên các sàn Thượng Hải và Singapore nhìn chung tăng, nhất là ở nửa đầu tháng 7. Trong khi đó, giá trên sàn Osaka có nhiều biến động do số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh bởi Thế vận hội đang diễn ra ở Nhật Bản và đồng yen tăng so với USD và các tiền tệ Châu Á khác. Tuy nhiên, từ một tuần trở lại đây, giá cao su có xu hướng tích cực do xuất khẩu của Nhật tăng và các dữ liệu kinh tế quốc tế tích cực.

Trong Báo cáo Thị trường Cao su vừa công bố, ANRPC cho biết, 4 thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và châu Âu có thể góp phần quan trọng vào sự hồi phục nhu cầu cao su toàn cầu, trong đó riêng Trung Quốc chiếm 43% thị phần tiêu thụ cao su thế giới.

Giá cao su giao dịch trên sàn Osaka, Nhật Bản (tham chiếu cho thị trường châu Á) phiên 27/7 đạt 214,5 yen (1,95 USD)/kg, gần sát mức cao kỷ lục 1 tuần của phiên liền trước (217 yen/kg); cao su giao dịch trên sàn Thượng Hải phiên 27/7 cũng duy trì ở mức cao, 13.180 nhân dân tệ (2.026,16 USD)/tấn. Tại các nước sản xuất, cao su RSS3 của Thái Lan phiên 27/7 giao dịch ở mức 1,82 USD/kg, SMR20 của Malaysia giá 1,68 USD/kg, trong khi SIR20 của Indonesia giá 1,69 USD/kg.

Nhu cầu cao su tăng trên toàn cầu

Theo ANRPC, nhu cầu cao su toàn cầu chủ yếu được thúc đẩy bởi Trung Quốc và Ấn Độ – các thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Ấn Độ chiếm 8% tổng lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu. Đến nay, một số bang của Ấn Độ đã dỡ bỏ những hạn chế chống Covid-19, hoạt động sản xuất dần được khôi phục và dự kiến sẽ nhanh chóng hồi phục để đạt tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm nay.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đã được khôi phục, khiến nhu cầu nguyên liệu thô tăng mạnh trở lại. Tổng lượng cao su thiên nhiên trữ ở các kho tại Thanh Đảo (Trung Quốc) đã giảm 150.000 tấn trong tháng 5 và tháng 6, cho thấy “khả năng Trung Quốc sắp xuất hiện trên thị trường một cách tích cực”. Tổng nhập khẩu của Trung Quốc tháng 6/2021 đã tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 230 tỷ USD, trong khi xuất khẩu tăng 32% lên 281,4 tỷ USD. “Thương mại tăng vọt là tín hiệu mạnh mẽ báo hiệu với các thị trường rằng các nhà máy ở Trung Quốc đã hồi sinh và sẽ cần mua nguyên liệu với khối lượng lớn”, ANRPC cho biết.

Ngoài ra, các hoạt động sản xuất ở khắp Mỹ và châu Âu cũng đang được nối lại, dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu ở những thị trường này hồi phục.

Bên cạnh đó, ANRPC cũng liên kết việc giá cao su tăng mạnh gần đây với dữ liệu việc làm “tốt hơn mong đợi” của Mỹ, được công bố hôm 2/7.

Nguồn cung cao su bị gián đoạn

Đại dịch Covid-19 đang bùng phát ở khu vực Đông Nam Á, ảnh hưởng tới ngành sản xuất cao su.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất sản phẩm cao su Malaysia (MRPMA), đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lĩnh vực cao su và gây ra “một cú sốc lớn và tức thì” chưa từng có kể từ tháng 3/2020. Điều này gây ra sự sụt giảm sản lượng hàng năm đối với các sản phẩm cao su, bao gồm phụ tùng ô tô, săm lốp và các sản phẩm liên quan đến lốp xe. Ảnh hưởng thậm chí có thể còn tăng gấp đôi nếu quá trình khôi phục sản xuất bị trì hoãn thêm nữa.

Nguồn cung găng tay cao su từ Malaysia bị gián đoạn và nhu cầu ở các cơ sở cung cấp tại Trung Quốc tăng đột biến đã đẩy giá cao su ở Thượng Hải liên tiếp tăng trong tháng này.

Chính sách hạn chế di chuyển liên quan đến Covid-19 ở Khu vực Thung lũng Klang của Malaysia và việc sản xuất găng tay ở nước này giảm tốc độ đã khiến giá mủ cao su giảm trên sàn giao dịch Kuala Lumpur trong khoảng thời gian hai tuần.

Triển vọng giá cao su

Việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố không cắt giảm quy mô các biện pháp kích thích là tín hiệu tích cực đối với các loại hàng hóa, bao gồm cao su tự nhiên, vì tiếp tục chính sách nới lỏng đồng nghĩa với dòng tiền chảy vào thị trường hàng hóa vẫn dồi dào.

Bên cạnh đó, thị trường dầu thô tăng giá do nhu cầu hồi phục cũng sẽ tác động tích cực lên giá cao su thiên nhiên.

Nhu cầu cao su năm 2021 của Ấn Độ dự báo sẽ mạnh mẽ cũng sẽ dẫn tới nước này phải nhập khẩu nhiều cao su hơn vì sản lượng trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.

Tuy nhiên, thị trường cao su thiên nhiên từ nay tới cuối năm sẽ gặp nhiều trở ngại.

Trước mắt, nhu cầu cao su tự nhiên từ Đông Nam Á dự kiến sẽ vẫn yếu trong ngắn hạn trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 ở nhiều nước gia tăng nhanh chóng.

Bên cạnh đó, tình trạng hậu cần bị gián đoạn, chi phí vận chuyển tăng vọt bất thường, đồng USD mạnh lên… sẽ cản trở giá cao su tăng mạnh.

Mặt khác, nguồn cung cao su tự nhiên sắp bước vào mùa tăng có thể sẽ tác động tiêu cực đến giá cả.

Theo Nhịp sống kinh tế.

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ (84) 024.3552.7979
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? STK Vietcombank : 0611001975177 Chi nhánh Ba Đình
? STK BIDV: 21610000479888 Chi nhánh Đống Đa
? STK Techcombank: 19134664939018 phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt.

Bài viết liên quan

Trả lời