TIN NỔI BẬT, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Thị trường hàng hóa thăng hoa: nhóm kim loại bứt phá, nông sản và nguyên liệu tăng mạnh

Giá-hàng-hóa-tăng-khi-kinh-tế-phục-hồi-ai-lợi-ai-thiệt

Thị trường hàng hóa thế giới vừa trải qua một phiên thăng hoa khi giá hầu hết các hàng hóa không chỉ tăng mà còn lập những kỷ lục cao mới. Duy chỉ có nhóm mặt hàng năng lượng có diễn biến ngược chiều với xu hướng của thị trường.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Muốn giao dịch hàng hóa thì phải làm như thế nào?

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 05/05/2021

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Thị trường hàng hóa thăng hóa: nhóm kim loại bứt phá, nông sản và nguyên liệu tăng mạnh
Quặng sắt tăng hơn 4%, các kim loại khác cũng đồng loạt tăng rất mạnh

Giá quặng sắt liên tục tăng trong những tuần gần đây, do nguồn cung không theo kịp với nhu cầu của Trung Quốc. Kết thúc phiên hôm qua, giá quặng sắt tăng rất mạnh 4,56% lên mức 195,47 USD/tấn. 

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia xấu đi. Australia là nhà cung cấp khoảng 2/3 nhu cầu quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc. Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Australia, từ rượu đến than. Các nhà phân tích cho rằng động thái của Trung Quốc cho thấy nước này đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào quặng sắt Australia. Đến nay, nhập khẩu quặng sắt Australia vào Trung Quốc giảm mạnh. Tuy nhiên, “Trung Quốc khó có thể cấm nhập khẩu các mặt hàng của Australia mà vốn phụ thuộc rất nhiều vì điều đó sẽ tác động đến nền kinh tế trong nước”, nhà kinh tế cấp cao Yanting Zhou của Wood Mackenzie cho biết. Theo ông: “Chính phủ có nhiều khả năng sẽ tăng chi phí hành chính cho việc nhập khẩu hàng hóa từ Australia nếu họ muốn hành động.” 

Giá đồng trên sàn COMEX cũng tăng 1,74% lên 4,6025 USD/pound nhờ những dữ liệu kinh tế tích cực và nhu cầu mạnh từ Trung Quốc.

Hưởng lợi từ việc đồng Dollar giảm chỉ còn 90,95 điểm, giá bạc tăng rất mạnh 3,6% lên mức 27,477 USD/ounce, bạch kim cũng tăng 2,34% lên 1257,6 USD/ounce. Lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ 10 năm giảm nhẹ cũng làm tăng sức hấp dẫn đối với các kim loại quý trong vai trò trú ẩn an toàn.

Ngô và đậu tương tiếp tục vững ở mức cao nhất hơn 8 năm

Giá ngô Mỹ tiếp tục đà tăng lên mức cao kỷ lục mới trong vòng 8 năm do thời tiết khô hạn đe dọa làm giảm sản lượng ở Brazil, khiến các thương nhân chuyển hướng chú ý vào nguồn cung trên toàn cầu. Giá đậu tương phiên này cũng trở lại mức cao kỷ lục 8,5 năm của tuần trước do nhu cầu dầu thực vật tăng. 

Giá hợp đồng ngô tăng 1,45% lên 718,75 cents/bushel. Lo ngại về chất lượng của như năng suất của vụ ngô chính tại Brazil tiếp tục là yếu tố giúp giá ngô tăng mạnh.

Các nhà phân tích cho biết Brazil mất mùa ngô do khô hạn có thể sẽ buộc các nhà nhập khẩu phải chuyển hướng sang mua của Mỹ, nơi vốn đã và đang chật vật trong cảnh lượng dự trữ còn rất ít. Doanh số xuất khẩu ngô của Mỹ trong tuần kết thúc vào 29/4 chỉ đạt 243.500 tấn ngô, thấp hơn mức dự báo là 300.000 đến 1,5 triệu tấn sau những đợt giá tăng mạnh gần đây.

Brian Hoops, chủ tịch công ty môi giới Midwest Market Solutions của Mỹ cho biết: “Brazil vẫn đang rất khô hạn” và “Vụ mùa của họ đang mất dần.”

Ngay cả tại Mato Grosso, nơi chất lượng ngô đang được đánh giá là tốt nhất, cũng chỉ có mưa tại một số khu vực.

Trong khi đó, tại Argentina, hoạt động thu hoạch ngô và đậu tương đang diễn ra một cách thuận lợi trong điều kiện thời tiết khô ráo. 

Giá đậu tương tăng 1,77% lên mức 1569,5 cents/bushel. Ngoài sự hỗ trợ từ lực kéo của ngô và dầu đậu, lực mua của đậu tương được duy trì nhờ những lo ngại về một cuộc đình công của công nhân ở cảng Santons có thể nổ ra.

Hợp đồng dầu đậu tương tăng 1,4% lên 64,35 cents/pound, khô đậu tương tăng 0,68% lên 427,3 USD/tấn. Tại miền nam Brazil, thiếu mưa trầm trọng đã khiến mực nước trên sông Parana giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, trong khi các hồ chứa cũng đã cạn kiệt. Điều này diễn ra ngay trong giai đoạn xuất khẩu cao điểm và làm gia tăng khả năng thiếu hụt nguồn cung khô và dầu đậu tương trong ngắn và trung hạn.

Nhờ đà tăng mạnh của ngô và đậu tương, giá lúa mỳ cũng tăng 1,18% lên mức 707 cents/bushel. Bất chấp các số liệu bán hàng tiêu cực từ báo cáo Export Sales, thời tiết khô hạn ở khu vực gieo trồng lúa mỳ vụ xuân tại Mỹ đã giúp giá đi lên.

Bông, cao su tăng rất mạnh, cà phê Arabica cao nhất 4 năm

Giá cà phê Arabica phiên vừa qua đạt mức cao kỷ lục hơn 4 năm do lo ngại sản lượng của Brazil sụt giảm, trong bối cảnh nhu cầu sắp hồi phục trở lại. Kết thúc phiên, Arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 2,97%, lên 154,3 cents/lb, cao nhất kể từ tháng 01/2017. Giá cà phê Robusta cũng tăng 0,59% lên 1547 USD/tấn.

Thị trường vẫn lo ngại về gián đoạn nguồn cung do các cuộc biểu tình ở Colombia làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cà phê từ nước này. Ngoài ra, kỳ vọng về khả năng kiểm soát dịch Covid-19 trên thế giới kéo theo sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ cà phê cũng đã góp phần vào đà tăng của giá.

Giá cao su tại Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tuần theo xu hướng tăng chung của giá trên thị trường hàng hóa trên toàn cầu. Thêm vào đó, những dữ liệu kinh tế tích cực từ một số nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thúc đẩy nhu cầu đối với những tài sản rủi ro như hàng hóa. Trên sàn Osaka, giá cao su RSS3 tăng 5,05% lên 260 JPY/kg.

Giá bông Mỹ tăng rất mạnh 3,72% lên 90,58 cents/pound, mức cao nhất hơn 1 tuần do lo ngại nguồn cung sụt giảm và cũng do USD yếu đi. Ngoài ra, thời tiết khô hạn kéo dài tại Brazil trong khi các khu vực gieo trồng tại Mỹ cũng sẽ khô ráo trở lại càng làm gia tăng thêm lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 tiếp tục đi lên với mức tăng nhẹ 0,11% lên 17,55 cents/lb. Đồng real của Brazil đã tăng 1,5% so với USD trong phiên vừa qua.

Thị trường đường cũng đang tập trung theo dõi diễn biến thời tiết ở Brazil để xác định mức sản lượng của nước này do hạn hán đang hoành hành tại nước sản xuất đường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trên thị trường xuất khẩu, các nhà xuất khẩu đường Brazil vẫn có mặt đầy đủ, với giá bán từ các nhà máy đường nước này không biến động nhiều.

Giá đường trắng phiên này tăng 0,5% lên 462,90 USD/tấn.

Giá cacao tăng 0,75% lên 2413 USD/tấn. Rất có khả năng Liên minh Châu Âu sẽ áp đặt các hạn chế nhập khẩu cacao từ Bờ Biển Ngà do 15% diện tích trồng cacao tại nước này đang thuộc diện tích rừng cần bảo vệ.

Nhóm hàng năng lượng đi ngược chiều với diễn biến của thị trường hàng hóa

Giá các mặt hàng năng lượng đồng loạt giảm trong phiên vừa qua do số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ và nhiều nơi khác tăng, mặc dù mức giảm giá được hạn chế bởi tồn kho dầu thô ở Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến.

Dầu Brent giảm 1,26% xuống 68,09 USD/thùng, dầu thô WTI giảm 1,4% xuống 64,71 USD/thùng, kéo theo đó, xăng RBOB cũng giảm 1,75% còn 2,1137 USD/gallon.

Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group ở Chicago cho biết: “Khi Saudi Arabia giảm giá bán dầu thô thì đó là lời cảnh báo rõ ràng rằng Covid-19 sẽ vẫn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu”.

Ấn Độ công bố số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 mỗi ngày đều tăng lên mức cao kỷ lục mới, và virus đã lây lan từ thành phố đến làng mạc trên khắp quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nước này hy vọng đợt virus lần thứ 2 này sắp lên đến đỉnh điểm. Dịch bệnh ở Ấn Độ gây lo ngại nhu cầu dầu thế giới sẽ hồi phục chậm lại.

Hợp đồng khí gas tự nhiên cũng giảm nhẹ 0,34% xuống 2,928 USD/MMBtu khi dự báo thời tiết tại Mỹ ấm hơn trong thời gian tới. 

Theo dõi thêm về các tin tức về thị trường hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: (84) 024.3552.7979.
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? STK Vietcombank : 0611001975177 Chi nhánh Ba Đình.
? STK BIDV: 21610000479888 Chi nhánh Đống Đa.
? STK Techcombank: 19134664939018 phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt.

Bài viết liên quan

Trả lời