TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Yếu tố cung cầu nhiều khả năng sẽ quay trở lại chi phối xu hướng giá dầu trong tuần này

Dữ liệu thị trường lao động tích cực của Mỹ cuối tuần trước đã hạn chế một phần tâm lý tiêu cực về nguy cơ suy thoái, và giúp giá dầu phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, tâm lý các nhà đầu tư vẫn rất thận trọng.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 08/05/2023

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Tầm quan trọng của công cụ bảo hiểm giá

Yếu tố cung cầu nhiều khả năng sẽ quay trở lại chi phối xu hướng giá dầu trong tuần này

Kết thúc tuần giao dịch ngày 01/05 – 07/05, thị trường năng lượng chìm trong sắc đỏ. Giá dầu ghi nhận mức giảm mạnh trong tuần qua, với dầu WTI đánh mất 7,09% giá trị xuống còn 71,34 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 6,26%, chốt tuần ở mức 75,3 USD/thùng. Đây cũng là tuần lao dốc thứ 3 liên tiếp của dầu thô. Mặc dù lực mua tích cực hơn trong phiên cuối tuần, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho đà suy yếu của giá dầu trong các phiên đầu tuần trước sức ép rủi ro suy thoái kinh tế.

Dữ liệu thị trường lao động tích cực của Mỹ cuối tuần trước đã hạn chế một phần tâm lý tiêu cực về nguy cơ suy thoái. Theo đó, đã có thêm 253.000 việc làm trong tháng 4 tại Mỹ, theo dữ liệu Bảng lương phi nông nghiệp của Bộ Lao động Mỹ. Con số này cao hơn cả số liệu tháng trước và dự báo của giới chuyên gia. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 3,5% xuống 3,4% trong tháng trước.

Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn thận trọng chờ đợi hàng loạt thông tin quan trọng của thị trường trong tuần này, bao gồm báo cáo tháng 05 của Cơ quan quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cùng với báo cáo lạm phát tháng 04 của Mỹ. 

Ngoài ra, các nhà khai thác tại Mỹ vẫn thận trọng với việc mở rộng nguồn cung. Số lượng giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ giảm 7 giàn trong tuần này, và là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2. Tổng số giàn khoan đã giảm xuống còn 748 trong tuần này, cao hơn 43 giàn so với số giàn khoan lần này vào năm 2022 nhưng thấp hơn 327 giàn so với số giàn khoan vào đầu năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, trong tuần tới, yếu tố cung cầu nhiều khả năng sẽ quay trở lại chi phối xu hướng giá dầu trước loạt báo cáo thị trường năng lượng tháng 5 của các tổ chứ lớn như EIA và OPEC. Theo kế hoạch đã được thông qua hồi đầu tháng 4, OPEC sẽ chính thức cắt giảm sản lượng kể từ tháng 5. Do đó, thị trường sẽ xem xét kỹ hơn các dự báo về nguồn cung và nhu cầu trong năm nay, và giá dầu có thể biến động mạnh.

Thực tế, yếu tố về nguồn cung không còn quá bất ngờ với thị trường, nên có thể các dự báo về nhu cầu từ báo cáo sẽ ảnh hưởng nhiều hơn tới xu hướng của giá dầu.

Thêm vào đó, thị trường cũng sẽ hướng tâm điểm về dữ liệu lạm phát của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặc biệt là tại Mỹ. Sau cuộc họp lãi suất tuần trước, các ý kiến về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, hay ngừng chu kỳ tăng đang tương đối phân hoá. Dữ liệu lạm phát tháng này dự báo sẽ đem lại nhiều biến động cho thị trường tài chính nói chung và thị trường dầu nói riêng.

Theo MXV

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.

Bài viết liên quan