TIN NỔI BẬT, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Giá dầu tiến sát đến 75 USD, triển vọng thị trường tích cực phớt lờ mối lo về biến thể Delta

Giá dầu tiến sát đến 75 USD, triển vọng thị trường tích cực phớt lờ mối lo về biến thể Delta

Giá dầu tiến sát đến mức gần 75 USD/thùng sau khi dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm xuống mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Nhiều tổ chức, chuyên gia có cái nhìn tích cực về triển vọng thị trường dầu và đồng quan điểm rằng giá dầu sẽ tiếp tục tăng.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Giao dịch Spread – loại hình đầu tư hạn chế rủi ro

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 29/07/2021

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Giá dầu tiến sát đến 75 USD, triển vọng thị trường tích cực phớt lờ mối lo về biến thể Delta

Giá dầu kết thúc phiên hôm qua (28/07) ở mức gần 75 USD/thùng, dầu Brent tăng 0,35% lên 74,74 USD/thùng, dầu thô WTI tăng 1,03% lên 72,39 USD/thùng. Giá dầu đang ở mức cao nhất trong vòng 2 tuần, tính từ đầu năm tới nay, giá dầu đã tăng hơn 50%.

Dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm xuống mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, khiến thị trường lại tập trung vào vấn đề nguồn cung thắt chặt và phớt lờ thông tin số ca nhiễm Covid-19 gia tăng.

Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tồn kho dầu thô của nước này giảm 4,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 23/07 do nhập khẩu giảm và sản lượng hàng tuần cũng đi xuống. Tồn kho dầu thô hiện tại đang ở mức thấp nhất từ đầu tháng 01/2020.

Tồn kho xăng giảm tuần thứ 2 liên tiếp về ngang mức trước đại dịch Covid-19, khi mức di chuyển trong mùa hè tăng lên. Tuy nhiên, tồn kho nhiên liệu máy bay tiếp tục tăng cao, cho thấy hàng không vẫn là điểm yếu trong ngành giao thông.

Giá các sản phẩm xăng tại Mỹ – thước đo nhu cầu xăng dầu, đã đạt mức trung bình trong 4 tuần là 9,5 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 10/2019.

Diễn biến giá dầu thô WTI từ đầu năm tới nay

Diễn biến giá dầu thô WTI từ đầu năm tới nay. Nguồn: Tradingview.

Triển vọng giá dầu 80 USD/thùng

Các số liệu gần đây cho thấy số lượng người dân đi tiêm vaccine Covid-19 đã tăng lên. Hầu hết các phân tích đều dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm nay, với khảo sát của Bloomberg dự báo GDP của Mỹ trong năm 2021 tăng 6,6%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục cam kết giữ nguyên lãi suất thấp đến khi lạm phát đạt 2% trong cuộc họp vừa qua, để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 lên kinh tế chung của toàn khối khi các nước thành viên đang dần mở cửa trở lại.

Trong cuộc họp tối qua, chủ tịch FED Jerome Powell tiếp tục bày tỏ tin tưởng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Triển vọng kinh tế các nước lớn khác trong đó có Trung Quốc cũng đang được đánh giá rất tích cực trong năm nay, bởi kỳ vọng vào tiến độ tiêm chủng và các chính sách thích ứng đến từ phía các Ngân hàng Trung ương. Nhu cầu dầu nhờ đó vẫn được dự đoán sẽ tăng trưởng.

Trong khi đó, mức tăng sản lượng của OPEC+ được cho là đang chậm hơn so với nhu cầu đang phục hồi. Trong quý II năm nay, nguồn cung dầu toàn thế giới bị thiếu hụt gần 2 triệu thùng/ngày so với nhu cầu.

Theo các ước tính mới nhất từ 3 tổ chức Dầu lớn là Tổ chức Năng lượng Thế giới (IEA), Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), lượng dầu mà OPEC+ cần cung cấp để đạt cân bằng thị trường lớn hơn rất nhiều so với con số 2 triệu thùng/ngày mà nhóm đặt ra trong nửa cuối năm nay. 

Ngân hàng Barclays hôm 22/07 nói rằng: “Giá dầu có thể tăng lên 100 USD/thùng trong những tháng tới nếu OPEC+ quá chậm chạp trong việc khôi phục nguồn cung do phản ứng tương đối kém linh hoạt đối với nguồn cung ngoài OPEC+”.

Ngân hàng Goldman Sachs cũng kỳ vọng giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 80 USD/thùng trong quý IV/2021, cao hơn mức 75 USD dự báo trước đó, với mức thiếu hụt trong quý IV được cho là sẽ ở mức 1,7 triệu thùng/ngày.

Thêm vào đó, các công ty dầu đá phiến tại Mỹ đang hạn chế tăng sản lượng để đảm bảo mức lợi nhuận tốt và tránh các rắc rối pháp lý khi chính phủ thắt chặt các quy định bảo vệ môi trường. Vậy nên, nếu nhu cầu tiêu thụ dầu thô thế giới phục hồi mạnh đúng như dự đoán, thị trường dầu sẽ rơi vào trạng thái thiếu hụt nghiêm trọng, nguy cơ đẩy giá dầu lên cao.

Biến chủng Delta thách thức tương lai của thị trường dầu

Yếu tố lớn nhất có thể đe dọa đến đà tăng của giá dầu hiện nay là biến chủng Dealta khiến đại dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng hơn. Tất cả các dự báo lạc quan của IEA, EIA hay OPEC đều dựa trên kịch bản tình hình đại dịch sẽ được kiểm soát trong năm nay. Thực tế hiện tại, biến thể Delta đang lây lan trở lại tại nước Mỹ cũng như khu vực Đông Nam Á cho thấy khó khăn trong việc kiểm soát dịch, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin vẫn chưa đủ cao. 

Tác động do Covid-19 gây ra đối với tiêu thụ năng lượng trong năm 2020 lớn hơn rất nhiều so với các dự đoán đưa ra trước đó, với tiêu thụ dầu thô giảm đến 9,3% – mức giảm lớn nhất trong lịch sử.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại MXV, nếu không có các biện pháp hạn chế dịch đủ hiệu quả, các quốc gia sẽ buộc phải quay trở lại phong toả trên diện rộng, và khi đó, giá dầu có thể bị đẩy xuống vùng giá 60 USD/thùng. Tuy vậy, ngay cả trong trường hợp này, với việc các nước sản xuất dầu lớn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ sản lượng, thị trường sẽ không xảy ra khủng hoảng lớn khiến giá rơi vào vùng giá âm như tháng 4 năm ngoái.

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ (84) 024.3552.7979
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? STK Vietcombank : 0611001975177 Chi nhánh Ba Đình
? STK BIDV: 21610000479888 Chi nhánh Đống Đa
? STK Techcombank: 19134664939018 phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt.

Bài viết liên quan

Trả lời