Giá dầu tăng mạnh sau khi cuộc họp Bộ trưởng của OPEC+ tiếp tục bị hoãn vô thời hạn, điều này đồng nghĩa với việc chưa có thỏa thuận tăng sản lượng nào được đưa ra. Thị trường lo ngại sẽ thiếu hụt nguồn cung từ OPEC+ khi nhu cầu bắt đầu phục hồi từ nửa cuối năm.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Giao dịch Spread – loại hình đầu tư hạn chế rủi ro
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 06/07/2021
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/07, giá dầu WTI 1,5% lên 76,27 USD/thùng, dầu thô Brent tăng 1,3% lên 77,16 USD/thùng. Giá tăng chủ yếu do diễn biến từ cuộc họp của OPEC+, các thành viên trong tổ chức này vẫn không đạt được tiếng nói chung.
Các bất đồng quan điểm giữa Nga, Saudi Arabia và UAE vẫn chưa được giải quyết. Cuộc họp này đã bị hoãn đến lần thứ 3 và chưa xác định thời gian tái đàm phán.
UAE từ chối việc gia hạn hạn chế sản xuất đã kéo dài 8 tháng này và giữ nguyên lập trường ủng hộ nâng sản lượng chung. UAE đã chỉ trích thỏa thuận sản lượng dầu mỏ hiện nay của OPEC+ là “không công bằng”, nhấn mạnh rằng nước này sẵn sàng gia hạn thỏa thuận chỉ khi hạn ngạch khai thác dầu của họ được cân nhắc lại.
Trước đó, OPEC+ đã dần nới lỏng những hạn chế về sản lượng, và đến ngày 2/7 đã có kế hoạch nâng sản lượng thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tháng 8 đến tháng 12/2021, đồng thời gia hạn thỏa thuận với một loạt những thay đổi sản lượng dần từ nay đến cuối 2022.
Cũng chính trong cuộc họp ngày 02/07, UAE đã phản đối kế hoạch này vào phút chót khi mà Nga và Saudi Arabia đạt được thỏa thuận trước đó, khiến cho cuộc họp bị hoãn lại cho đến bây giờ.
Cuộc đối đầu giữa UAE và các quốc gia còn lại trong khối có thể khiến OPEC+ không tăng sản lượng dầu từ tháng 8. Điều này sẽ khiến cho nguồn cung ngày càng thắt chặt, gây mất cân bằng cán cân cung – cầu và có nguy cơ đẩy giá lên cao nữa.
Nhà phân tích Louise Dickson của Rystad Energy cho biết, viễn cảnh OPEC+ không đưa thêm nguồn cung vào thị trường trong tháng 8 tới không chỉ khiến giá dầu tăng mà còn đẩy thị trường “vàng đen” vào vùng biến động.
Nhà phân tích cấp cao Martin King của RBN Energy lại cho rằng, giao dịch thưa thớt trong kỳ nghỉ lễ kỷ niệm Ngày Độc lập của Mỹ đã làm tăng thêm sự biến động và giá có thể đi ngang trong thời gian tới do “sự mệt mỏi của người mua” sau một xu hướng tăng giá dài.
Chính quyền Biden cũng thể hiện động thái trước tình hình này. Phát ngôn Nhà Trắng cho biết họ đang thúc đẩy các “giải pháp thỏa hiệp” cho cuộc đàm phán của OPEC+. Với nền kinh tế đang dần phục hồi, Tổng thống Biden muốn đảm bảo có nguồn năng lượng ổn định cho nước Mỹ và chi phí hợp lý.
Những dữ liệu kinh tế tích cực của Châu Âu cũng góp phần đẩy vào đà tăng của giá dầu. Theo đó, các doanh nghiệp khu vực đồng euro trong tháng 6 vừa qua đã mở rộng hoạt động sản xuất với tốc độ nhanh nhất trong vòng 15 năm, khi những hạn chế chống Covid-19 được nới lỏng. Kết quả thăm dò sơ bộ cũng cho thấy ngành dịch vụ ở khu vực này cũng đang hồi sinh ngoạn mục.
Như vậy, giá dầu thế giới đã ghi nhận tuần tăng thứ sáu liên tiếp do nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu nhanh chóng khởi sắc trong bối cảnh nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại và hoạt động đi lại của người dân gia tăng.
Theo chuyên gia phân tích thị trường dầu của Rystad Energy, không loại trừ khả năng thị trường dầu có thể rơi vào một đợt giảm giá sốc như khi chứng kiến Nga rời OPEC+ tại cuộc họp hồi tháng 3/2020 và sau đó là cuộc chiến giá dầu.
Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ (84) 024.3552.7979
? FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? STK Vietcombank : 0611001975177 Chi nhánh Ba Đình
? STK BIDV: 21610000479888 Chi nhánh Đống Đa
? STK Techcombank: 19134664939018 phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt.