Giá đường 11 chứng kiến phiên tăng ấn tượng khi đóng cửa cao hơn khoảng 2% so với tham chiếu. Ấn Độ dự kiến cấm xuất khẩu đường sau 7 năm khiến thị trường gia tăng lo ngại vấn đề thiếu hụt nguồn cung trong niên vụ 2023/24.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 21/08/2023
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
> Cách sử dụng các loại lệnh trong giao dịch hàng hóa
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/08, hợp đồng đường 11 tháng 10 trên Sở ICE US tăng 1,92% lên 525,8 USD/tấn. Giá đường trắng giao dịch trên Sở ICE EU cũng tăng 1,78% đạt 693,5 USD/tấn.
Thị trường được hỗ trợ bởi tin tức Ấn Độ dự kiến cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong niên vụ này bắt đầu từ tháng 10, đây là đợt tạm dừng xuất khẩu lần đầu tiên trong 7 năm. Sự vắng mặt của Ấn Độ trên thị trường thế giới có thể sẽ làm tăng giá chuẩn ở sàn giao dịch New York và London – 2 sàn giao dịch hàng hóa lớn nhất, gây ra lo ngại về lạm phát trên thị trường thực phẩm toàn cầu.
Trước đó, thị trường cũng đứng trước lo ngại vấn đề thiếu hụt nguồn cung đường trên phạm vi toàn cầu khi các hãng phân tích lớn đều dự đoán cán cân cung – cầu đường niên vụ 2023/24 sẽ thâm hụt do sự sụt giảm sản lượng tại các quốc gia sản xuất lớn như Ấn Độ, Thái Lan…
Diễn biến giá đường 11 trên Sở ICE US trong vòng một năm qua. Ảnh: Barchat.com
Từ đầu năm đến nay, giá đường trên thị trường quốc tế đã liên tục neo ở mức cao, thậm chí có lúc lên mức cao nhất 12 năm trở lại đây. Theo các đánh giá gần nhất, lượng đường tồn kho trên thế giới dự kiến trong niên độ 2022/2023 sẽ giảm 13% so với niên độ trước, tạo áp lực khiến giá đường neo ở mức cao.
Thời tiết khô hạn làm giảm sản lượng mía và Ấn Độ có tháng 8 khô hạn nhất trong hơn một thế kỷ. Tin tức này dẫn tới sự thay đổi mạnh mẽ về giá đường mà trước đó đã giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần.
Một nguồn tin Chính phủ Ấn Độ yêu cầu giấu tên cho biết: “Trọng tâm chính của chúng tôi là đáp ứng nhu cầu đường của địa phương và sản xuất ethanol từ mía dư thừa. Trong niên vụ sắp tới, chúng tôi sẽ không có đủ đường để phân bổ cho hạn ngạch xuất khẩu”.
Ấn Độ chỉ cho phép các nhà máy xuất khẩu 6,1 triệu tấn đường trong niên vụ hiện tại tính đến ngày 30/9, sau khi cho phép họ bán kỷ lục 11,1 triệu tấn trong niên vụ trước.
Năm 2016, Ấn Độ đã từng áp thuế 20% đối với xuất khẩu đường nhằm ưu tiên nguồn cung cho thị trường nội địa.
Giá đường nội địa Ấn Độ tăng vọt trong tuần này lên mức cao nhất trong gần hai năm, điều này gia tăng sức ép đối với Chính phủ Ấn Độ vốn đang nỗ lực kiểm soát tình trạng giá cả lương thực tăng vọt thời gian qua.
Một nguồn tin Chính phủ khác cho biết: “Lạm phát thực phẩm là một mối lo ngại. Giá đường tăng gần đây đã loại bỏ mọi khả năng xuất khẩu của chúng tôi”.
Lạm phát bán lẻ ở Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 15 tháng, đạt mức 7,44% trong tháng 7 và lạm phát thực phẩm lên 11,5% – mức cao nhất trong hơn 3 năm trở lại đây. Sản lượng đường của Ấn Độ có thể giảm 3,3% xuống 31,7 triệu tấn trong niên vụ 2023/2024.
Nguồn tin Chính phủ thứ ba cho biết: “Chúng tôi đã cho phép các nhà máy xuất khẩu khối lượng lớn đường trong hai năm qua. Nhưng chúng tôi cũng phải đảm bảo đủ nguồn cung và giá cả ổn định trong nước”.
Hiện một số nhà phân tích cảnh báo hiện tượng El Nino sẽ làm giảm năng suất mía của Ấn Độ trong niên vụ 2023/24, thậm chí kéo dài đến niên vụ 2024/25. Dữ liệu của Cơ quan Dự báo thời tiết Ấn Độ cho thấy lượng mưa tại các vùng trồng mía trọng điểm của hai bang Maharashtra và Karnataka đã giảm hơn 50% so với mức thông thường. Sản lượng đường của hai bang Maharashtra và Karnataka vốn chiếm hơn một nửa tổng sản lượng đường của Ấn Độ.
Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Tel: 024.3552.7979
Facebook: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g