Giá dầu thô có phiên giảm mạnh nhất trong ngày kể từ tháng 3, cùng đà suy yếu của các thị trường tài chính bởi lo ngại về việc tăng lãi suất và tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại trong tháng 4.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Giao dịch Spread với mức ký quỹ thấp chưa từng có
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 09/05/2022
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/5, giá dầu thô WTI giảm 6,09% xuống 103,09 USD/thùng còn dầu Brent giảm 5,74% xuống 105,94 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đã tăng khoảng 35% từ đầu năm tới nay.
Thị trường năng lượng nói chung và thị trường dầu nói riêng đều chịu áp lực bán theo xu hướng chung của thị trường tài chính, khi dòng tiền chuyển dịch khỏi các tài sản rủi ro và các nhà đầu tư tiếp tục xu hướng nắm giữ tiền mặt. Chỉ số chứng khoán Phố Wall giảm và USD đạt cao nhất trong hai thập kỷ khiến dầu đắt hơn cho người mua bằng đồng tiền khác, gây áp lực lên giá mặt hàng này.
Sự xuất hiện của các dữ liệu kinh tế tiêu cực tại các nền kinh tế lớn như Trung Quốc cũng đang gây ra lo ngại cho thị trường. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 04 đạt 3,9%, tốc độ tăng trưởng yếu nhất kể từ tháng 06/2020, trong khi tháng 03 số liệu vẫn rất tích cực ở mức 14,7%. Nguyên nhân chính là do tác động của chính sách “Zero-Covid” khiến cho các hoạt động sản xuất lẫn cả các cảng giao nhận quan trọng phải ngừng hoạt động, trực tiếp gây ảnh hưởng đến số liệu tháng này.
Một số ngân hàng đầu tư như JP. Morgan đã hạ dự báo tiêu thụ dầu thế giới với mức 1 triệu thùng/ngày, một phần do triển vọng tiêu cực tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 và nhập khẩu dầu lớn thứ 1 thế giới.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhập khẩu tháng 4 lại tăng gần 7%. Trong tháng 4, nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Iran đã rời mức đỉnh được thấy vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 do nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu độc lập suy yếu. Tỷ lệ vận hành của các nhà máy lọc dầu đã giảm khoảng 6% bởi việc phong tỏa và do nhập khẩu dầu từ Nga tăng lên.
Việc Saudi Arabia giảm giá bán lẻ các sản phẩm dầu chủ lực đến thị trường châu Á và Châu Âu trong tháng 6 cũng phần nào thể hiện sức mua suy yếu của thị trường tiêu thụ lớn.
Tại Nga, phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết sản lượng dầu của nước này đầu tháng 5 tăng so với tháng trước và sản lượng đã ổn định sau khi giảm trong tháng 4 do các nước Phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt về xung đột tại Ukraine.
Tuần trước, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất một lệnh cấm vận dầu thô của Nga theo từng giai đoạn, khiến giá dầu Brent và WTI tăng tuần thứ hai liên tiếp. Đề xuất này cần Ủy ban Châu Âu bỏ phiếu để thông qua trong tuần này.
Cùng với đó, EU đang nỗ lực thúc đẩy Iran cùng quay trở lại các vòng đàm phán hạt nhân với Mỹ, nhằm mở đường giúp Iran quay trở lại xuất khẩu dầu ra thị trường quốc tế, với kỳ vọng nước này sẽ bổ sung nguồn cung khoảng 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng tới.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết nước này về nguyên tắc cũng sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga.
Ngày hôm nay thị trường sẽ chờ đợi báo cáo tháng quan trọng của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), để có thêm các nhận định và dự báo cho thị trường trong thời gian tới. Nếu EIA hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới, đây có thể là yếu tố tiêu cực để tiếp tục gây áp lực đến giá dầu.
Theo MXV.
Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: 024.3552.7979
? FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g