Các áp lực vĩ mô từ các nền kinh tế lớn vẫn đang là lo ngại chính gây sức ép bán trên thị trường dầu thô. Tuy nhiên, việc giá dầu WTI đang ở sát vùng hỗ trợ 67 USD/thùng, cũng là vùng giá tương đối thấp, có thể khiến đà giảm chững lại, nhất là khi rủi ro nguồn cung trong giai đoạn tới còn tiềm ẩn.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 26/06/2023
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
> Giao dịch Hợp đồng quyền chọn – công cụ bảo hiểm rủi ro hiệu quả
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/06, giá dầu WTI giảm 2,41% xuống 67,7 USD/thùng, mức giá thấp nhất trong 2 tuần qua trong khi dầu Brent giảm 2,47% chốt ở mức 72,51 USD/thùng. Giá dầu biến động mạnh và liên tục đảo chiều bởi nhiều thông tin cùng tác động vào giá.
Tăng trưởng kinh tế kém khả quan gây sức ép tới nhu cầu tiêu thụ
Trên phương diện vĩ mô, việc nhiều Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đưa ra tín hiệu tăng lãi suất, đã ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của các nhà giao dịch dầu thô. Rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng làm dấy lên lo ngại về bức tranh tiêu thụ, vẫn đang là nguyên nhân chính gây sức ép tới giá.
Chiều hôm qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde cho biết trong một bài phát biểu rằng, lạm phát tại khu vực đồng Euro đã bước vào một giai đoạn mới có thể kéo dài, buộc ngân hàng không thể sớm tuyên bố chấm dứt đà tăng lãi suất.
Trong khi đó, tại Anh, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nữa vào nửa cuối năm nay để hạ nhiệt lạm phát, theo khảo sát từ hãng tin Reuters.
Chi phí vay tăng cao đang là mối nguy tiềm ẩn gây ra áp lực tăng trưởng đối với các nền kinh tế lớn tiêu thụ nhiều dầu thô trên thế giới, là nguyên nhân chính kéo giá dầu giảm đi xuống.
Còn tại Trung Quốc, báo cáo lợi nhuận công nghiệp trong tháng 05 giảm 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh hơn đáng kể do với mức giảm 6,5% trong tháng 4, theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố sáng nay. Tính trong 5 tháng đầu năm, mức lợi nhuận công nghiệp giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ hơn so với mức giảm 20,6% của tháng 4, phản ánh tác động tiêu cực của nhu cầu tiêu dùng yếu từ người dân.
Tác động từ việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia
Giới đầu tư vẫn dành chú ý tới việc nguồn cung suy giảm từ Saudi Arabia. Theo đó, vào tháng 07, Saudi Arabia sẽ chính thức cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng dầu/ngày, bên cạnh việc duy trì chính sách sản lượng thấp trước đó.
Các nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường BMI Research cho biết, việc Saudi Arabia đơn phương cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ tháng tới cùng với nhu cầu mạnh hơn theo mùa sẽ thắt chặt thị trường trong quý III/2023.
Tuy nhiên, tác động của việc cắt giảm có thể sẽ bị hạn chế bởi nguồn cung dồi dào từ các khu vực khác, đặc biệt là Nga.
Nguồn cung dầu từ Nga
Tại Nga, xuất khẩu nhiên liệu tinh chế của Nga tiếp tục tăng trong tuần qua, cho thấy sự gia tăng tỷ lệ chế biến dầu thô phục vụ cho người mua ở nước ngoài. Cụ thể, hàng hóa nhiên liệu tinh chế đã tăng hơn 200.000 thùng mỗi ngày, theo dữ liệu từ Công ty phân tích Vortexa. Trong đó, xuất khẩu dầu diesel tăng khoảng 36% trong tháng 6 so với tháng trước. Điều này cho thấy nguồn cung dồi dào từ phía Nga bất chấp tuyên bố cắt giảm sản lượng, và gây áp lực cho giá dầu.
Xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga đã giảm mạnh khoảng 980.000 thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 25/06 xuống mức thấp nhất từ giữa tháng 12 năm ngoái. Nhưng nguyên nhân chính không phải do cắt giảm sản lượng, mà vì bảo trì tại cảng bốc hàng Primorsk. Các chuyến hàng dầu thô thông qua cảng Primorsk cũng đã giảm trong tuần tương tự vào các năm 2022, 2021 và 2020 trước đó. Mô hình cho thấy khối lượng sẽ gia tăng trở lại vào tuần kế tiếp.
Giá dầu của Nga cũng đang ở mức thấp hơn giá trần 60 USD/thùng mà các nước EU đã áp đặt lên dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Theo khảo sát từ Bloomberg, mức chiết khấu dầu thô Urals đối với Brent nằm trong khoảng 20 USD/thùng, chính thức đưa giá dầu Nga ở khoảng 52 USD/thùng. Mức giá này tiếp tục khiến dòng chảy dầu Nga ổn định trên thị trường, hạn chế các lo ngại về nguồn cung.
Nguồn cung dầu từ Mỹ
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn khi dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 23/06 giảm 2,4 triệu thùng, cao hơn dự báo 0,6 triệu thùng. Tồn kho xăng giảm mạnh 2,9 triệu thùng so với mức dự báo chỉ giảm 100.000 thùng của giới phân tích. Thông tin này đã hỗ trợ giá dầu phục hồi nhẹ trong phiên sáng.
Giá dầu có thể sẽ được thúc đẩy thêm nếu như báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đồng thuận với báo cáo của API. Nhiều khả năng tồn kho xăng dầu sẽ giảm, do trước đó, Hiệp hội ô tô Hoa Kỳ ước tính 43 triệu người sẽ lái xe 50 dặm trở lên vào kỳ nghỉ lễ độc lập ngày 4/7 sắp tới, cao hơn 4% so với năm 2019. Kỳ vọng tiêu thụ khởi sắc hơn trong dịp Lễ sắp tới tại Mỹ nhiều khả năng sẽ kéo tồn kho suy yếu.
Theo MXV
Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Tel: 024.3552.7979
Facebook: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g