TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Triển vọng kém sắc của giá đồng và quặng sắt

Triển vọng kém sắc của giá đồng và quặng sắt

Mây mù vẫn đang bao phủ thị trường đồng và quặng sắt khi triển vọng tiêu thụ kém khả quan.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 22/05/2023

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Tầm quan trọng của công cụ bảo hiểm giá

Triển vọng kém sắc của giá đồng và quặng sắt

Giá đồng đã giảm xuống dưới mức 8.000 USD/tấn trong khi quặng sắt đang giao dịch ở mức dưới 100 USD.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/5, giá đồng trên sàn giao dịch London giảm 2,47% xuống 7.901,5 USD/tấn, giá đồng COMEX cũng giảm 2,54% xuống 3,56 USD/pound, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Mặt hàng này hiện đang chịu sức ép khi nhu cầu tiêu thụ chưa có dấu hiệu khởi sắc, nguồn cung đồng lại tương đối ổn định. Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) cho biết thị trường đồng tinh luyện thặng dư 2.000 tấn trong tháng 3. Tính trong quý I/2023, mức thặng dư đã tăng lên 332.000 tấn, tăng hơn 40 lần so với mức thặng dư 8.000 tấn trong cùng kỳ năm ngoái.

Giá quặng sắt Singapore tiếp tục giảm rất mạnh 4,52% xuống 95,46 USD/tấn. Triển vọng ngành thép kém sắc tiếp tục làm giảm sức mua quặng sắt do sắt là nguyên liệu đầu vào sản xuất thép. Theo dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội thép thế giới (WorldSteel), tổng sản lượng thép thô trên thế giới trong tháng 4 ghi nhận đạt 161,4 triệu tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự không chắc chắn bao trùm thị trường kim loại, một điều được xem là cấm kỵ đối với hoạt động đầu tư. Nó có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân gồm xung đột Ukraine, trần nợ của Mỹ hay mối quan hệ gay gắt giữa Washington với Bắc Kinh. 

Đồng CNY của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất gần 6 tháng so với đồng USD và giảm so với giỏ các đồng tiền chủ chốt, trong bối cảnh căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ – Trung.

Các nhà phân tích thuộc Sinosteel Futures cho biết, đồng CNY suy yếu làm gia tăng lo ngại kéo dài về sự phục hồi kinh tế đối với nước sản xuất thép và tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc.

Các mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn của chính phủ Trung Quốc đã không kích thích được nhu cầu kim loại. Bắc Kinh chưa thể “giải cứu” được giá đồng và quặng sắt, trừ khi đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn. Cơn sốt xây dựng tại Trung Quốc – vốn thường diễn ra vào quý II – có thể sẽ bị thay thế bằng sự ảm đạm trong hè này.

Trong số 2 kim loại này, đồng mặc dù đã giảm giá mạnh nhưng đây lại là kim loại then chốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Do đó, nhiều người tin rằng mọi sự sụt giảm của đồng chỉ là ngắn hạn.

Nếu như Goldman Sachs dự đoán giá đồng sẽ đạt 10.000 USD/tấn vào thời điểm này năm tới thì đối với quặng sắt, có thể phải mất 5 năm nữa để nhu cầu thép của Trung Quốc mới phục hồi, theo CEO một công ty thương mại Trung Quốc. Nhu cầu thép Trung Quốc chính là động lực lớn nhất của giá quặng sắt.

Chính phủ Trung Quốc có vẻ vẫn rất kiên trì với việc cắt giảm sản lượng thép để theo đuổi các mục tiêu về khí hậu. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, sản xuất toàn cầu đã giảm vào năm 2023.

Không giống như đồng, nhu cầu trung hòa carbon đặt ra những thách thức rất lớn với ngành công nghiệp nổi tiếng là “bẩn” này. Đây là mối đe dọa trực tiếp với tiêu thụ quặng sắt khi nền kinh tế Trung Quốc sử dụng ít thép hơn. Thị trường quặng sắt chỉ có thể tươi sáng nếu các quốc gia phát triển khác tăng nhu cầu thật nhanh. 

Theo CafeF

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.

Bài viết liên quan