TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Triển vọng giá dầu thô năm 2022

Triển vọng giá dầu thô năm 2022

Giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 50% trong năm 2021 do sự hồi phục của nhu cầu. Kỳ vọng này vẫn đang hỗ trợ cho giá đi lên trong những phiên giao dịch đầu năm 2022, bất chấp OPEC+ có vẻ sẽ tiếp tục tăng sản lượng và những lo ngại tiềm ẩn có thể ảnh hưởng tới nhu cầu nhiên liệu.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Giao dịch Spread với mức ký quỹ thấp chưa từng có

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 03/01/2022

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Triển vọng giá dầu thô năm 2022

Kết thúc phiên giao dịch ngày 03/01/2022, giá dầu thô WTI tăng 1,16% lên 76,08 USD/thùng trong khi dầu Brent tăng 1,33% lên 78,98 USD/thùng. Giá dầu biến động tương đối mạnh trong phiên tối và giá đã có lúc bị đẩy xuống gần 2 USD/thùng. Tuy nhiên giá đã phục hồi trở lại sau khi chạm hỗ trợ mạnh.

Trong năm 2021, giá dầu Brent đã tăng 53% trong khi dầu WTI tăng 57%, cả hai đều tăng mạnh nhất kể từ năm 2009 – năm có mức tăng hơn 70%, bởi sự phục hồi trên toàn cầu từ đại dịch COVID-19 và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+. Nhiều chuyên gia nhận định giá dầu sẽ tăng tiếp trong năm 2022.

Nhiều yếu tố hậu thuẫn cho giá dầu tăng

Nhà kinh tế trưởng Craig James của CommSec cho biết: “Chúng ta đã phải chịu đựng Delta và Omicron và tất cả các hình thức phong tỏa và hạn chế đi lại, nhưng nhu cầu dầu vẫn tương đối ổn định”.

Vào những ngày cuối năm, thị trường dầu mỏ đón nhận nhiều thông tin trái chiều khiến giá biến động tương đối mạnh.

Nhà phân tích dầu mỏ Giovanni Staunovo của UBS cho biết: “Sự hỗ trợ cho giá dầu đến từ việc sản xuất bị gián đoạn đồng thời ở Ecuador, Libya và Nigeria và khả năng dự trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm mạnh”.

Ba nhà sản xuất dầu mỏ – Ecuador, Libya và Nigeria – đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng trong tháng 12 đối với một phần sản lượng dầu của họ vì các vấn đề bảo trì và ngừng hoạt động tại một số mỏ dầu. 

Trong khi đó, dữ liệu của Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô tại nước này trong tuần tới 24/12 giảm 3,6 triệu thùng, xuống 420 triệu thùng, nhiều hơn mức dự đoán của các nhà phân tích là giảm 3,1 triệu thùng. Dự trữ xăng cũng giảm 1,5 triệu thùng xuống 222,6 triệu thùng, trái ngược với dự đoán là tăng 0,5 triệu thùng.

Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 đang tăng mạnh mẽ, song biến thể Omicron được cho là không gây diễn biến nặng ở người nhiễm như các biến thể trước. Nhiều trường học Mỹ dự định đón học sinh trở lại lớp học.

Cũng có nhận định giá dầu sẽ không đạt các mức của năm 2021 bởi vài yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu

Mặc dù biến thể Omicron không gây diễn biến nặng ở sức khỏe người nhiễm như Delta, song tình trạng thiếu nhân viên do Omicron gây ra đã dẫn đến hàng nghìn chuyến bay ở Mỹ bị hủy vào cuối tuần lễ Giáng sinh, ảnh hưởng đáng kể tới nhu cầu nhiên liệu bay. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo người dân nước này cần chuẩn bị cho khả năng vài tuần tới sẽ có những biện pháp chống dịch mới, vì tỷ lệ ca nhiễm có thể trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh gia tăng số người đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ và trường học mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ đông.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, số ca nhiễm virus có triệu chứng đã liên tiếp tăng trong những ngày gần đây, khiến số địa phương bị phong tỏa cũng tăng lên.

Là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, mới đây Trung Quốc đã hạ 11% hạn ngạch nhập khẩu dầu đợt đầu tiên của năm 2022 đối với các nhà máy lọc dầu độc lập. Một nhà phân tích có trụ sở ở Singapore cho biết: “Tâm lý thị trường sụt giảm do lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể có những hành động nghiêm khắc hơn đối với các nhà máy lọc dầu”, ý muốn nói đến các nhà máy lọc dầu độc lập.

Mặt khác, dữ liệu từ Mỹ công bố ngày 30/12 cho thấy sản lượng dầu của nước này tháng 10 đã tăng 6% so với tháng liền trước do sản lượng tăng vọt ở Vịnh Mexico sau khi khu vực này hồi phục nhanh sau các cơn bão.

Nhà phân tích dầu mỏ Kuwait Mohammed Al-Shatti cho rằng giá dầu năm 2022 sẽ không thể đạt mức cao như năm 2021, do nguồn cung sẽ tăng nhanh hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Các nhà đầu tư đang hết sức quan tâm đến cuộc họp sẽ diễn ra trong hôm nay (04/01/2022) của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Các dự đoán cho rằng liên minh này sẽ duy trì chính sách tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày cho tháng 02/2022.

Triển vọng giá dầu thô trong năm 2022

Cho đến lúc này, các nguồn tin đều cho biết chưa thấy có động thái nào về việc OPEC+ sẽ thay đổi lộ trình. Tại cuộc họp gần đây nhất, ngày 02/12/2021, OPEC+ vẫn giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng trong tháng 1 bất chấp sự xuất hiện và lây lan của biến thể Omicron và lo ngại rằng Mỹ sẽ giải phóng kho dự trữ dầu thô – có thể dẫn đến giá dầu giảm.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 29/12/2021 cho biết OPEC+ đã từ chối các lời kêu gọi từ Washington để tăng sản lượng hơn nữa vì họ muốn cung cấp cho thị trường đường lối rõ ràng và không đi chệch khỏi chính sách.

Các nhà phân tích và các nguồn tin doanh nghiệp cho biết Nga khó có thể đạt được mục tiêu về lại mức sản lượng dầu trước đại dịch vào tháng 5 năm 2022, do thiếu năng lực sản xuất dự phòng, mà có thể chậm hơn mốc đó một năm.

Mỹ đã nhiều lần hối thúc OPEC+ đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng khi giá xăng dầu của Mỹ tăng vọt và xếp hạng tín nhiệm của Tổng thống Joe Biden giảm. Để chống lại tình trạng giá năng lượng tăng vào tháng 11, Washington cho biết họ và những nước tiêu dùng lớn khác sẽ giải phóng lượng dự trữ. Tuy nhiên, việc giải phóng kho dự trữ chiến lược cũng chỉ có tác động hạn chế trong ngắn hạn đến thị trường.

Thực tế trong năm 2021, các quốc gia OPEC đã phải chật vật để tăng sản lượng do một thời gian khá dài không đầu tư đủ cho ngành khai thác dầu. Dữ liệu của Reuters cho thấy khối này đã tuân thủ quá mức các mục tiêu sản xuất trong tháng 11, với mức độ tuân thủ lên đến 117%, so với 116% của tháng trước đó, cho thấy sản lượng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đã thống nhất. Trong đó, mức độ tuân thủ của các nước OPEC là 122% và của các nước ngoài OPEC là 107%.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu của Mỹ dự kiến ​​đạt trung bình 11,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022, cao hơn so với mức 11,2 triệu thùng/ngày của năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn so mức cao kỷ lục gần 13 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2019 – trước khi xảy ra đại dịch.

Dự kiến từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm 2022, tiêu thụ dầu thô ​sẽ ​đạt 99,53 triệu thùng/ngày, tăng so với 96,2 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Con số đó không khác mấy so với mức 99,55 triệu thùng/ngày của năm 2019.

Nhu cầu dầu thô thế giới năm 2022

Nhu cầu dầu thô thế giới năm 2022 sẽ tăng lên mức cao kỷ lục.

Một báo cáo từ UBS cho biết giá dầu thô và sản phẩm sẽ hưởng lợi từ nhu cầu lên trên mức năm 2019, dự kiến dầu thô Brent tăng lên khoảng 80 – 90 USD/thùng trong năm 2022.

Còn các nhà nghiên cứu của Bank of America ước tính giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 85 USD/thùng vào năm 2022, do tồn kho thấp và thiếu công suất dự phòng.

Tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu tiềm tàng cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá dầu, tương tự như trường hợp bất khả kháng làm gián đoạn hoạt động của các cảng dầu Al-Zawiya và Mellitah ở Libya, và tình trạng mưa lớn ở Ecuador dẫn đến việc đóng cửa một số cơ sở khai thác dầu mỏ của nước này.

Tổng hợp.

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: 024.3552.7979
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g

Bài viết liên quan

Trả lời