Thị trường dầu mỏ đang tiếp tục chứng kiến những biến động mới khi các nhà xuất khẩu lớn là Nga và Saudi Arabia hôm 3/7 đã tiếp tục công bố các đợt cắt giảm sản lượng mới, trong bối cảnh các chỉ số kinh tế vĩ mô kém sắc.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 05/07/2023
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
> Giao dịch Hợp đồng quyền chọn – công cụ bảo hiểm rủi ro hiệu quả
Vào đầu tuần, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới là Saudi Arabia cho biết họ sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến tháng 8. Theo đó, lượng dầu khai thác của Saudi Arabia trong tháng 7 và tháng 8 sẽ là 9 triệu thùng/ngày. Thông báo của Bộ trưởng Năng lượng, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nêu rõ việc cắt giảm có thể tiếp tục kéo dài.
Cùng với đó, Nga và Algeria cũng tình nguyện giảm mức sản lượng và xuất khẩu trong tháng 8 lần lượt là 500.000 thùng/ngày và 20.000 thùng/ngày.
Đây là những động thái mới nhất của các nước thuộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) nhằm ổn định thị trường “vàng đen”.
Như vậy, nếu thực hiện đúng như cam kết, mức giảm tổng cộng sẽ là 5,36 triệu thùng/ngày so với tháng 8/2022, tương đương với 5% sản lượng toàn cầu, thậm chí có thể nhiều hơn do một số quốc gia trong nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) không thể hoàn thành hạn ngạch sản lượng.
Phản ứng sau thông tin này, giá dầu Brent và WTI đều tăng. Kết phiên giao dịch ngày 4/7/2023, giá dầu WTI tăng 1,79% lên mức 71,04 USD/thùng, dầu Brent tăng mạnh 2,14% chốt phiên ở mức giá 76,25 USD/thùng. Trong phiên liền trước (3/7), sau khi có thông tin Saudi Arabia kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng, giá dầu chỉ tăng nhẹ sau đó đảo chiều giảm do chịu sức ép từ yếu tố vĩ mô.
Theo các nhà phân tích, tác động từ việc cắt giảm nguồn cung dầu vẫn sẽ cần thời gian để xem xét, nhất là trong bối cảnh tiêu thụ có thể suy yếu do tăng trưởng kinh tế chậm lại tại các nền kinh tế hàng đầu, và dòng chảy xuất khẩu dầu từ Nga chưa có thấy dấu hiệu cắt giảm sản lượng.
Dòng chảy dầu thô qua các cảng của Nga đã tăng khoảng 1,3 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 2/7, khi dòng chảy qua hai cảng xuất khẩu chính tăng trở lại sau bảo trì. Trong giai đoạn 4 tuần gần nhất, xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga vẫn cao hơn khoảng 25.000 thùng/ngày so với mức trung bình tháng 2, tháng cơ sở cho việc cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày.
Các nhà phân tích của Commerzbank cho biết, trước khi có thông báo cắt giảm mới nhất, dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy thị trường dầu mỏ có thể bị thiếu hụt nguồn cung khoảng 2 triệu thùng/ngày trong quý III và quý IV.
Diễn biến giá dầu Brent và WTI. Nguồn: Refinitiv
Các nhà phân tích của HSBC cho biết: “Bất chấp thông báo mới về hai đợt cắt giảm sản lượng từ OPEC+/Saudi Arabia, giá dầu thô phần lớn vẫn ở mức dưới 80 USD/thùng do thị trường ít bị ảnh hưởng bởi các nguyên tắc cơ bản và xa hơn nữa là bởi các mối quan ngại về kinh tế vĩ mô”.
“Chúng tôi nghĩ rằng điều này sẽ tiếp tục xảy ra trong một phần của mùa hè, mặc dù mức thâm hụt sâu khoảng 2,3 triệu thùng được dự báo cho nửa cuối năm 2023 sẽ giúp thúc đẩy một số đà tăng giá.”
Một cuộc khảo sát của Reuters với 37 nhà kinh tế và nhà phân tích cho thấy giá dầu sẽ gặp khó khăn trong năm nay khi những cơn gió ngược kinh tế toàn cầu kéo dài. Các nhà phân tích dự báo dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình 83,03 USD/thùng trong năm 2023, thấp hơn so với mức 84,73 USD dự báo hồi tháng 5.
Ông Craig Erlam, chuyên gia phân tích của công ty OANDA dự đoán giá dầu sẽ chỉ có sự thay đổi đáng kể nếu có thể bứt phá lên trên ngưỡng 77 USD/thùng, nếu không, giá “vàng đen” sẽ tiếp tục biến động trong biên độ hẹp.
Tổng hợp
Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Tel: 024.3552.7979
Facebook: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g