Giá dầu hôm qua mở cửa phiên gặp sức ép bán do lo ngại của thị trường về sức ép lãi suất và rủi ro nợ công ở Mỹ. Tuy nhiên, giá đã đảo chiều tăng mạnh trở lại vào nửa cuối ngày trước rủi ro thắt chặt từ phía nguồn cung.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 25/09/2023
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
> Cách sử dụng các loại lệnh trong giao dịch hàng hóa
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/9, giá dầu WTI tăng 0,79% lên mức 90,39 USD/thùng, dầu Brent cũng tăng 0,72% và chốt phiên sát mốc 94 USD/thùng.
Nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group cho rằng mối lo ngại của các nhà đầu tư về nguồn cung thắt chặt tại trung tâm dự trữ dầu Cushing, Oklahoma của Mỹ đã làm giá dầu tăng trong phiên hôm qua.
Các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma đang ở mức thấp nhất trong 14 tháng do nhu cầu lọc dầu và xuất khẩu mạnh mẽ. Điều này lại làm dấy lên lo ngại về chất lượng dầu còn lại và khả năng giảm xuống mức hoạt động tối thiểu.
Kể từ khi đạt mức cao nhất trong hai năm vào tháng 6 với hơn 43 triệu thùng, sản xuất của Cushing đã giảm xuống dưới 23 triệu thùng vào ngày 15/9, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022. Các nhà giao dịch cho biết kho chứa dưới 20 triệu thùng, hoặc từ 10% đến 20% trong tổng công suất hơn 98 triệu thùng của Cushing. Con số trên gần mức hoạt động thấp nên chất lượng dầu khó đảm bảo, có thể không sử dụng được.
Điều này là hệ quả của tình trạng thiếu hụt nguồn cung sau khi Saudi Arabia và Nga liên tục cắt giảm sản lượng và xuất khẩu. Thêm vào đó, lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng chất lượng cao của Nga được áp dụng lại càng tăng sức ép lên yếu tố nguồn cung.
Xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga bị hạn chế do công việc bảo trì tại các cảng xuất khẩu. Dữ liệu theo dõi tàu từ Bloomberg cho biết việc dừng hoạt động 4 ngày tại kho cảng dầu Primorsk trên vùng Baltic đã khiến xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga giảm khoảng 100.000 thùng/ngày xuống dưới mức 3 triệu thùng/ngày vào tuần kết thúc ngày 24/9, thiết lập tuần giảm thứ 4 liên tiếp.
Tính theo mức trung bình 4 tuần loại bỏ các biến động, dòng chảy dầu thô bằng đường biển từ Nga cũng đã giảm xuống mức 3,2 triệu thùng/ngày trong tuần trước, thấp hơn khoảng 640.000 thùng/ngày so với mức đỉnh trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6.
Trong khi đó, nguồn cung dầu từ Vịnh Ba Tư sẽ bị hạn chế hơn khi Oman và Bahrain mở rộng công suất lọc dầu, tiêu thụ nhiều dầu thô trong khu vực để sản xuất nhiên liệu như dầu diesel cho xuất khẩu.
Hai nhà máy lọc dầu mới gồm Duqm – một liên doanh giữa Oman và Kuwait và Sitra của Bahrain sẽ khiến thị trường dầu thô Trung Đông cạnh tranh hơn, khi lấy hơn 300.000 thùng/ngày từ dòng chảy xuất khẩu tại thời điểm các nhà sản xuất OPEC+ đang hạn chế sản lượng. Các thông tin này góp phần đẩy giá dầu tăng mạnh trở lại sau khi chạm vùng hỗ trợ 88,2 USD/thùng đối với dầu WTI.
Sản lượng dầu của Mỹ có thể sẽ đạt được một cột mốc đáng chú ý trong quý IV, dự kiến đạt kỷ lục hơn 13 triệu thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng sự gia tăng sản lượng này vẫn sẽ khó bù đắp sự thiếu hụt của thị trường.
Trái lại, nhà phân tích tại công ty môi giới dầu mỏ PVM, Tamas Varga lại nhận định rằng nguồn cung dầu mỏ dự kiến sẽ vượt nhu cầu trong tương lai gần và do đó bất kỳ sự sụt giảm nào sẽ không kéo dài.
Nhà phân tích Varga cho biết: “Mối lo ngại về việc Chính phủ Mỹ đóng cửa và tác động tiềm tàng của việc này đối với xếp hạng tín nhiệm của đất nước cũng có thể là một yếu tố khiến dầu mỏ gặp nhiều thách thức để có thể đạt mức 100 USD/thùng”.
Các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nhắc lại cam kết chống lạm phát trong những ngày gần đây, báo hiệu chính sách thắt chặt tiền tệ có thể kéo dài lâu hơn dự đoán trước đây. Lãi suất tăng làm chậm đà tăng trưởng kinh tế, làm hạn chế nhu cầu dầu mỏ.
Các quan chức FED liên tục có những phát biểu “diều hâu” càng làm gia tăng lo ngại Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 hoặc tháng 12. Điều này khiến dư địa tăng của đồng USD vẫn còn nhiều. Là đồng tiền chính được sử dụng để định giá dầu, đồng USD liên tục mạnh lên sẽ gây áp lực đến nhu cầu dầu mỏ vì nó trở nên đắt hơn đối với các nhà nhập khẩu khi so với đồng nội tệ của họ.
Andy Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates LLC, cho biết: “Các sản phẩm tinh chế vẫn chịu áp lực do lo ngại giá dầu tăng trong thời gian dài kết hợp với lãi suất tăng trong thời gian dài có thể làm giảm nhu cầu”.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng 1,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/9, trái với dự báo giảm 300.000 thùng. Điều này có thể hạn chế bớt đà tăng của giá dầu trong phiên mở cửa.
Tổng hợp
Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Tel: 024.3552.7979
Facebook: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g