TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Lịch báo cáo, sự kiện cần theo dõi trong tuần giao dịch từ 29/01 – 03/02/2024

Lịch báo cáo, sự kiện cần theo dõi trong tuần giao dịch từ 29/01 - 03/02/2024

Các dữ liệu từ tuần trước cho thấy tăng trưởng kinh tế của Mỹ vượt kỳ vọng đã mở ra niềm tin tích cực về nhu cầu tiêu thụ hàng hóa. Cùng với đó, các căng thẳng địa chính trị leo thang làm ảnh hưởng trực tiếp tới việc vận chuyển nhiên liệu, nguyên liệu, nông sản cũng vẫn góp phần đẩy giá các mặt hàng lên cao.

Trong tuần giao dịch này, ngoài việc theo dõi tình hình diễn biến các xung đột địa chính trị, nhà đầu tư cần lưu ý đến các thông tin vĩ mô như: Lãi suất của FED; Chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc, GDP quý IV/2023 của EU; Dữ liệu Bảng lương Phi nông nghiệp tại Mỹ…

GDP quý IV/2023 của khu vực EU – 17h00 ngày 30/01

Trong bối cảnh nền kinh tế châu Âu tăng trưởng yếu trong quý IV/2023, giới chuyên gia dự báo nền kinh tế khu vực này sẽ giảm 0,1% so với quý trước, giữ nguyên so với quý III/2023 và đánh dấu hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Nếu tăng trưởng kinh tế của EU tiếp tục giảm như dự báo, đồng euro có thể đối diện với áp lực giảm giá, gián tiếp củng cố cho đà tăng của chỉ số Dollar Index.

Chỉ số PMI của Trung Quốc – 8h30 ngày 31/01

Hoạt động sản xuất (PMI sản xuất) của Trung Quốc dự kiến sẽ thu hẹp tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 1/2024, do sức cầu trong nền kinh tế vẫn còn yếu kém và niềm tin tiêu dùng sụt giảm. Tuy vậy, hoạt động dịch vụ (PMI dịch vụ) của nước này vẫn ổn định, PMI dịch vụ dự kiến đạt 50,6 điểm trong tháng 1, cao hơn một chút so với mức 50,4 điểm của tháng 12/2023.

Trong bối cảnh Chính phủ nước này phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ, nếu số liệu thực tế cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc tăng trưởng tốt hơn dự báo, điều này có thể thúc đẩy sự lạc quan trên thị trường về đà phục hồi của nền kinh tế nước này. Theo đó, giá các mặt hàng như dầu thô hay kim loại cơ bản có thể được hưởng lợi.

Quyết định lãi suất của FED – 2h ngày 01/02

Quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và cuộc họp báo của Chủ tịch FED Jerome Powell diễn ra sau đó 30 phút là một trong những sự kiện có tác động lớn tới thị trường tài chính trong tuần này. Thị trường đã gần như chắc chắn rằng FED sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng này, do vậy, điều mà thị trường mong chờ hơn là những tín hiệu về lộ trình lãi suất sắp tới của FED và Chủ tịch FED, Jerome Powell, sẽ đưa ra tín hiệu gì về khả năng cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tiếp theo của ngân hàng trung ương vào tháng 3.

Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn nhiều so với dự kiến, giới đầu tư đã giảm đặt cược vào việc hạ lãi suất ngay trong tháng 3. Do đó, nếu FED phát đi bất cứ tín hiệu “ôn hòa” nào trong cuộc họp lần này, đồng USD có thể gặp sức ép.

Các nhà đầu tư theo dõi FED đồng tình rằng chủ tịch Powell sẽ để ngỏ cho một động thái khác vào tháng 3. Nhưng các quan chức vẫn còn tận 2 tháng nữa để xem xét và cân nhắc giữa hai lựa chọn.

Các dữ liệu Bảng lương phi nông nghiệp tháng (NFP) 1/2024 của Mỹ – 20h30 ngày 02/02

Theo dự báo, NFP tháng 1 ở Mỹ có thêm 177.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp, giảm 39.000 so với tháng 12/2023. Dữ liệu gần đây đang cho thị trường lao động Mỹ vẫn ổn định. Do đó, nếu số liệu giảm mạnh hơn dự báo, điều này sẽ gây bất ngờ cho thị trường và đồng USD có thể sụt giảm mạnh.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ dự kiến sẽ giữ nguyên ở mức 3,7% trong tháng thứ 3 liên tiếp, trong khi thu nhập trung bình theo giờ được dự báo tăng 0,3%, giảm tốc từ mức tăng 0,4% của tháng 12. Nếu số liệu chính thức đồng thuận với dự báo, điều này cho thấy áp lực tiền lương tại Mỹ đang dần giảm bớt, thúc đẩy kỳ vọng FED hạ lãi suất trong năm nay.

Chi tiết Lịch báo cáo, sự kiện quan trọng trong tuần giao dịch từ 29/01 – 03/02/2024.

Đối với riêng thị trường Năng lượng, cuộc họp trực tuyến của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vào ngày 01/02 là thông tin quan trọng đối với các mặt hàng dầu thô, xăng. OPEC+ sẽ họp đánh giá chính sách sản lượng của nhóm và có thể sẽ có thêm các kế hoạch mới trong tương lai. Các đại biểu OPEC+ trước đó đã nói rằng nhóm nước này sẽ không thay đổi chính sách, tức là việc cắt giảm sản lượng sẽ được giữ nguyên. Nếu như OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện hơn 2 triệu thùng/ngày sang quý II có thể sẽ đẩy giá dầu tăng cao.

Đối với nhóm Nông sản, căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ làm chi phí vận tải gia tăng và kéo dài hành trình vận chuyển của các tàu ngũ cốc tới châu Á. Mặc dù rủi ro vận tải biển ở 2 con đường hàng hải quan trọng của thế giới, qua kênh đào Panama lẫn kênh đào Suez đều gặp bất ổn nhưng vấn đề này lại ảnh hưởng mạnh mẽ tới xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Ngược lại, đây lại là cơ hội để xuất khẩu của Mỹ gia tăng, trong bối cảnh mùa vụ ở Nam Mỹ vẫn đang trong giai đoạn gieo trồng. Thị trường sẽ cần theo dõi thêm các số liệu từ báo cáo Daily Export Sales trong vài tuần tới. 

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 29/01/2024

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Cách sử dụng các loại lệnh trong giao dịch hàng hóa

Chúc các nhà đầu tư một tuần giao dịch hiệu quả!

Bài viết liên quan

Trả lời