TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Giá dầu thô Brent gần chạm 84 USD/thùng khi được một loạt các thông tin tích cực hỗ trợ

Giá dầu thô gần chạm 84 USD/thùng khi được một loạt các thông tin tích cực hỗ trợ

Giá dầu thô tăng mạnh hơn 3% trong phiên hôm qua, trong đó dầu Brent gần chạm 84 USD/thùng, do nguồn cung thắt chặt và kỳ vọng rằng sự lây lan của biến thể Omicron sẽ không làm chệch hướng hồi phục kinh tế toàn cầu.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Giao dịch Spread với mức ký quỹ thấp chưa từng có

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 11/01/2022

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Giá dầu thô Brent gần chạm 84 USD/thùng khi được một loạt các thông tin tích cực hỗ trợ

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/01, giá dầu thô Brent trên Sở giao dịch ICE EU tăng 3,52%, lên 83,72 USD/thùng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 11. Giá dầu WTI của Mỹ đóng cửa cũng tăng 3,82%, đạt mức 81,22 USD/thùng, cũng là mức giá cao nhất kể từ giữa tháng 11.

Giá dầu đi lên theo đà chung của thị trường tài chính trước bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Jerome Powel. Chủ tịch FED Powell cho biết ông hy vọng tác động của Omicron đối với kinh tế sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Bất chấp nguy cơ lạm phát tiếp tục tăng cao trong thời gian tới và các gói hỗ trợ dần được gỡ bỏ, nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ giữ đà tăng trưởng mạnh. Điều này thúc đẩy tâm lý tích cực của các nhà đầu tư và khiến các tài sản rủi ro bật tăng.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy lợi nhuận từ việc chuyển đổi dầu thô thành nhiên liệu máy bay tuần này đạt mức cao nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Nhu cầu nhiên liệu hàng không trên toàn cầu tiếp tục phục hồi trong tháng 12, ngay cả sau khi sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron khiến nhiều chuyến bay bị hủy.

Ngoài ra, đồng USD yếu đi trong phiên này và tình trạng nguồn cung thiếu hụt cũng góp phần đẩy giá tăng mạnh.

Giá dầu thô Brent đã tăng 50% trong năm 2021 và tiếp tục tăng trong năm 2022 khi nhu cầu hồi phục về gần mức trước khi đại dịch, giữa bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh của tổ chức này, được gọi chung là OPEC+, năm 2020 đã kiềm chế một lượng lớn sản lượng.

Mặc dù hiện tại OPEC+ đang trong lộ trình khôi phục dần sản lượng, song tình trạng thiếu công suất ở một số nước thành viên đã khiến lượng dầu bổ sung ra thị trường hàng tháng luôn ở dưới mức 400.000 thùng/ngày mà nhóm đã thống nhất vào năm ngoái. Tình trạng mất điện gần đây ở Libya cũng làm tăng giá, và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya cho biết họ đang tạm ngừng xuất khẩu từ cảng Es Sider.

Thông tin từ Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ (API) cho thấy, tồn trữ dầu thô của nước này tuần vừa qua đã giảm gần 1,1 triệu thùng, mặc dù thấp hơn mức dự đoán của giới kinh doanh là giảm 2 triệu thùng, nhưng cho thấy xu hướng giảm còn tiếp diễn. Trong tuần trước nữa, tồn trữ dầu thô Mỹ đã giảm 6,432 triệu thùng. Đây là tuần thứ 7 liên tiếp tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm. Dữ liệu chính thức về tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần qua sẽ được công bố Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào tối nay (ngày 12/1).

Tại Châu Âu, dữ liệu của Euroilstock cho thấy tồn trữ dầu thô và các sản phẩm dầu của các nhà máy lọc dầu khu vực trong tháng 12 đã giảm hơn 11% so với một năm trước đó. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận lọc dầu máy bay của châu Âu đã trở lại mức trước đại dịch do hoạt động hàng không trên toàn cầu phục hồi bất chấp sự lây lan của Omicron.

Trong khi đó, dự báo nhu cầu dầu tại Mỹ lại được nâng lên. Theo EIA, sản lượng dầu thô của nước này năm 2022 dự báo tăng 640.000 thùng/ngày, thấp hơn mức 670.000 thùng/ngày dự báo tháng trước. Tổng nhu cầu dầu năm nay dự báo tăng 840.000 thùng/ngày, cao hơn mức 700.000 thùng dự báo vào tháng trước.

Về năm 2023, EIA vừa đưa ra những con số dự báo đầu tiên, theo đó sản lượng dầu thô của nước này dự báo sẽ tăng 610.000 thùng/ngày lên 12,41 triệu thùng/ngày trong năm 2023; nhu cầu xăng của Mỹ dự báo sẽ tăng 90.000 thùng/ngày lên 9,15 triệu thùng/ngày trong năm 2023, đưa tổng nhu cầu dầu của Mỹ tăng 330.000 thùng/ngày lên 20,92 triệu thùng/ngày trong năm đó.

Các thông tin tích cực trên thị trường năng lượng cũng giúp giá xăng và khí tự nhiên tăng mạnh. Theo đó, hợp đồng xăng RBOB của Mỹ tăng 3,6% trong phiên hôm qua lên 2,3574 USD/gallon. Giá khí tự nhiên cũng tăng cao 4,17% lên mức 4,249 USD/MMBtu.

Refinitiv

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: 024.3552.7979
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g

Bài viết liên quan

Trả lời