TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Dầu bị “ép giá” xuống dưới 90 USD/thùng, thị trường hiện đang chịu những tác động nào?

Dầu bị "ép giá" xuống dưới 90 USD/thùng, thị trường hiện đang chịu những tác động nào

Giá dầu thô tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ đang có xu hướng chậm lại ngày một rõ ràng, trong khi OPEC+ vừa quyết định tăng thêm sản lượng trong tháng 9 còn tồn kho tại Mỹ lại đang ở mức cao. 

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Giao dịch Spread với mức ký quỹ thấp chưa từng có

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 02/08/2022

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Dầu bị "ép giá" xuống dưới 90 USD/thùng, thị trường hiện đang chịu những tác động nào

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/8, giá dầu WTI đã đánh mất mốc 90 USD khi giảm 2,34% về 88,54 USD/thùng, trong khi đó giá dầu thô Brent cũng giảm 2,75% về 94,12 USD/thùng. Cả hai mặt hàng dầu thô đang ở trong vùng giá thấp nhất trong gần 6 tháng, kể từ trước xung đột Nga – Ukraine xảy ra.

Giá dầu WTI giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine.

Điều gì đang xảy ra với nguồn cung dầu?

Trong cuộc họp nhóm vào ngày 3/8, tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) đã quyết định chỉ tăng thêm sản lượng 100.000 thùng một ngày trong tháng 9. Tuy nhiên, đây là con số nhỏ hơn rất nhiều so với mức tăng hàng trăm nghìn thùng vài tháng qua. OPEC+ đưa ra lý do lo ngại triển vọng nhu cầu chậm lại khi khả năng suy thoái tại Mỹ và lệnh phong tỏa chống dịch ở Trung Quốc sẽ kìm hãm nhu cầu. 

Stacey Morris – Giám đốc nghiên cứu năng lượng tại VettaFi nhận xét: “Thông báo nâng sản lượng của OPEC không thay đổi được gì”. “Mức tăng quá khiêm tốn với thị trường dầu toàn cầu”.

Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu dần phục hồi trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Cùng với đó, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine diễn ra từ hồi tháng 3/2022 cũng khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trở nên trầm trọng hơn.

Các lệnh cấm vận được áp đặt lên Nga có thể khiến thị trường dầu toàn cầu thiếu hụt hơn 2 triệu thùng/ngày. Nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới là Mỹ hiện không có khả năng để gia tăng sản lượng, nên gánh nặng bù đắp khoảng trống mà Nga để lại đặt hết lên vai của nhóm OPEC .

OPEC đã từng bước nâng sản lượng khai thác, tuy nhiên, sản lượng thực tế của các thành viên trong nhóm OPEC thậm chí còn không đủ với cam kết mà nhóm đề ra. Hiện OPEC cũng đang gặp khó khăn trong vấn đề gia tăng sản lượng, nhất là khi hầu hết các thành viên đều đã sử dụng cạn kiệt công suất.

Theo đánh giá, hạn chế trong năng lực sản xuất sẽ khiến cho nguồn cung khó có thể theo kịp nhu cầu trong thời gian còn lại của năm nay và cả năm 2023.

Hi vọng về nguồn cung tại Iran vẫn đang âm ỉ. Các nhà ngoại giao từ Mỹ, châu Âu và Iran chuẩn bị quay trở lại Vienna sau nhiều tháng nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân đang đi vào bế tắc. Nếu thành công, nguồn cung dầu thế giới có thể sẽ được bổ sung thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày từ Iran, tuy nhiên kỳ vọng này vẫn khó có thể trở thành hiện thực trong ngắn hạn.

Tác động từ thông tin vĩ mô

Cùng với thông tin về cuộc họp của OPEC+ trong tuần này, những lo lắng về suy giảm nhu cầu do suy thoái tại các nền kinh tế chính cũng là nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm trong thời gian gần đây.

Việc các Ngân hàng Trung ương trên thế giới liên tục tăng lãi suất đang hạn chế sức mua trên thị trường dầu. Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng đã tiến hành tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát leo thang. Đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong vòng 27 năm này có thể khiến cho nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái, và kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu cũng bị ảnh hưởng.

Theo số liệu được Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố hôm 29/7, GDP quý II của Mỹ giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, sau khi lao dốc 1,6% vào quý I. Như vậy, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã ghi nhận 2 quý giảm liên tiếp.

Còn tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất cũng bất ngờ đi xuống vào tháng 7. Nguyên nhân là nhu cầu yếu và các lệnh phong tỏa ngăn chặn Covid-19. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) chỉ đạt 49 điểm trong tháng 7, thấp hơn 50,2 điểm hồi tháng 6.  Việc chỉ số PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp.

Trong khi đó, PMI do S&P Global đo lường tại các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm từ 52,1 trong tháng 6 còn 49,8 vào tháng 7. Đây là lần đầu tiên PMI của khối này giảm xuống dưới ngưỡng 50 kể từ tháng 6/2020.

Triển vọng nhu cầu dầu càng u ám khi lo ngại về suy thoái kinh tế vẫn đang ‘rình rập’. Có nhiều nhận định rằng, giá dầu thô có thể giảm xuống dưới 90 USD/thùng nếu các nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục vật lộn với tăng trưởng kém.

Theo báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô tại Mỹ tăng hơn 4 triệu thùng. Tồn kho dầu thô tại Cushing (Oklahoma) – kho dự trữ dầu lớn nhất của Mỹ – đã tăng tuần thứ 5 liên tiếp. Nhu cầu xăng tại Mỹ hiện cũng thấp hơn mức năm 2020, mức tiêu thụ xăng trung bình trong bốn tuần hiện đã giảm về 8,59 triệu thùng/ngày, thấp hơn 1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường hiện vẫn ‘cực kỳ nhạy cảm’ với các yếu tố cung – cầu và biến động mạnh sẽ còn tiếp diễn.

Tổng hợp

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: 024.3552.7979
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g

Bài viết liên quan

Trả lời