Nếu xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, cán cân cung – cầu dầu mỏ, vốn đang bị mất cân bằng, sẽ càng bị “nặng gánh” hơn khi thị trường bị đứt gãy nguồn cung dầu lớn từ Nga.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Giao dịch Spread với mức ký quỹ thấp chưa từng có
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 14/02/2022
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
Giá dầu đã kéo dài chuỗi tăng tuần thứ 8 liên tiếp. Kết thúc tuần trước, dầu thô WTI tăng 0,86% lên 93,1 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1,25% lên 94,44 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2014, vượt mức cao kỷ lục hôm 7/2/2022, do lo ngại nguồn cung toàn cầu khi nhu cầu ngày càng cao.
Thị trường năng lượng đã tăng với tốc độ rất nhanh và đang đứng trước cơ hội bứt tốc trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt so với nhu cầu và đặc biệt là căng thẳng quân sự Nga – Ukraine không ngừng leo thang.
Nga là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ ba thế giới, ước tính xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày, chiếm hơn 12% sản lượng toàn cầu. Khoảng 60% xuất khẩu dầu của Nga được chuyển đến châu Âu và khoảng 30% còn lại sang Trung Quốc.
Mỹ cảnh báo Nga có thể tiến hành tấn công ngay vào tuần này, và một loạt các quốc gia như Đức, Hà Lan, Saudi Arabia,… kêu gọi công dân rời khỏi Ukraine. Điều này khiến cho nguy cơ chiến tranh được cảm nhận rõ hơn bao giờ hết trên thế giới, bất chấp Nga liên tục phủ nhận ý định xâm lược Ukraine.
Giá dầu đạt đỉnh 8 năm khi tình trạng căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang. Ảnh: Yahoo Finance.
Chuyên gia kỳ cựu David Roche của hãng tư vấn Independent Strategy cảnh báo với CNBC: “Nếu Nga động binh và phương Tây trừng phạt Moscow bằng các biện pháp như hạn chế Nga tiếp cận nguồn ngoại hối hoặc hệ thống thanh toán SWIFT, hay ngăn cản Nga xuất khẩu dầu thô…, thì tại một thời điểm nào đó, bạn nhất định sẽ thấy giá dầu leo lên mức 120 USD/thùng”.
Ed Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp của Oanda cho khu vực châu Mỹ, cho biết: “Thị trường dầu đang chờ đợi một chất xúc tác để tiến lên trên 100 USD, và có vẻ như tình hình Ukraine trở nên tồi tệ hơn chính là chất xúc tác này”.
Ngoài dầu thô, khả năng cao nhất về đứt gãy nguồn cung năng lượng là xuất khẩu khí đốt. Sản lượng xuất khẩu khí đốt của Nga là khoảng 23 triệu m3 khí/ngày, chiếm 25% lượng giao dịch toàn cầu. Khoảng 85% lượng khí đó là xuất sang châu Âu. Nếu xung đột nổ ra, tuyến đường ống khí đốt sang châu Âu qua ngả Ukraine sẽ bị đình trệ. Châu Âu sẽ rất khó khăn để tìm kiếm nhà cung ứng thay thế tức thời.
Khí đốt cung ứng từ Nga giảm cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu mỏ, do cạnh tranh ngày một gay gắt, giá khí đốt cao cũng buộc một số nhà máy điện chạy khí chuyển sang chạy dầu, làm tăng nhu cầu tiêu thụ dầu thô, đẩy giá tăng cao.
Nếu chiến sự bùng nổ, Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga, nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu thô có thể khiến giá tăng thêm 10%. Ngay cả khi Mỹ không có ý đánh trực diện ngành năng lượng Nga, những hình thức cấm vận khác như trừng phạt tài chính cũng sẽ gây rúng động thị trường hàng hóa toàn cầu, trong đó có dầu mỏ, do những nhà vận hành khai thác gặp rào cản về tài chính.
Cán cân cung – cầu ngày càng bị lệch. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) vẫn đang nỗ lực để duy trì cam kết không bán thêm dầu ra thị trường.
Vào năm ngoái, nhóm này đã cam kết tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng. Tuy nhiên cho đến nay, sản lượng dầu cung ứng ra thị trường đang khá thấp so với nhu cầu tổng thể. Trong tháng 1 vừa qua, liên minh này không chỉ bơm thiếu hụt 190.000 thùng/ngày so với cam kết tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày, mà còn giảm thêm hơn 670.000 thùng dầu khác/ngày.
Thêm vào đó, công suất dự phòng của OPEC+ lại đang trên đà suy giảm vì một số nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do đầu tư trong lĩnh vực khai thác dầu khí đã đi xuống.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết: “Việc OPEC+ hoạt động kém hiệu quả và không đạt các mục tiêu về sản lượng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng đã đẩy giá dầu tăng nhanh”. Nếu khoảng cách giữa sản lượng OPEC+ và các mức mục tiêu tiếp theo vẫn không đạt được thì nguồn cung sẽ còn căng thẳng hơn nữa, kéo theo gia tăng khả năng biến động mạnh hơn, gây áp lực thêm lên giá xăng dầu.
Nhu cầu dầu hiện đã tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng sản xuất khi mà các nền kinh tế chậm chạp phục hồi từ thời kỳ đại dịch COVID-19. IEA đã nâng dự báo nhu cầu năm 2022 và dự kiến nhu cầu toàn cầu trong năm nay tăng 3,2 triệu thùng/ngày (bpd) lên mức cao kỷ lục 100,6 triệu bpd.
Các cơ quan dự báo đã liên tục điều chỉnh ước tính giá dầu thô trong năm nay, dao động từ 90 USD/thùng đến 125 USD/thùng. Hiện tại, giá dầu đã bứt phá lên trên mức 90 USD/thùng và đang chờ đợi cú hích để leo lên ngưỡng kháng cự quan trọng là 100 USD. Nhiều chuyên gia dự đoán giá dầu sẽ sớm đạt mức 100 USD/thùng, thậm chí một số người tin rằng giá sẽ lên tới 120 USD/thùng vào giữa năm nay.
Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: 024.3552.7979
? FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g