TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Lo ngại suy thoái kinh tế sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu

Lo ngại suy thoái kinh tế sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu

Hai mặt hàng dầu thô gần như đã xóa bỏ hoàn toàn mức tăng đột biến hồi đầu tháng 4, thời điểm mà OPEC+ bất ngờ cắt giảm sản lượng. Nền kinh tế Mỹ có thể sẽ tiếp tục đối diện với một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào đầu tháng 5. Lo ngại suy thoái gia tăng, hoạt động sản xuất đang dần bị thu hẹp, khiến nhu cầu tiêu thụ dầu thô và nhiên liệu khác cũng bị hạn chế. 

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 20/04/2023

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Tầm quan trọng của công cụ bảo hiểm giá

Lo ngại suy thoái kinh tế sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu WTI giảm 2,36% xuống 77,37 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3, dầu Brent cũng giảm 2,43% xuống mức 81,10 USD/thùng. 

Loạt dữ liệu tiêu cực đã thúc đẩy lực bán mạnh trên thị trường dầu thô. Trọng tâm tình trạng bất ổn là những dự báo về việc tăng lãi suất sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Lo ngại 25 điểm lãi suất sẽ được bổ sung trong kỳ họp tháng 5 sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể làm gia tăng rủi ro suy thoái.

Các dữ liệu kinh tế của Mỹ mới nhất cũng đã củng cố cho lo ngại này. Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu đã tăng 5.000 lên mức 245.000 trong tuần kết thúc vào ngày 15/4, cao hơn ước tính của các chuyên gia kinh tế, theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ. Doanh số bán nhà trong tháng 3 cũng giảm 110.000 so với tháng trước, xuống 4,44 triệu căn hộ. Chỉ số sản xuất Fed Philadelphia cũng rơi xuống -31,2 điểm trong tháng trước, thấp nhất kể từ đại dịch COVID-19.

Christopher Lewis, nhà phân tích thị trường của FX Empire cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại và nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm sâu.

Trung Quốc có thể cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế trong đợt thứ hai cho năm 2023. Việc giảm xuất khẩu các sản phẩm dầu từ nhà máy lọc dầu lớn thứ hai thế giới có thể đang phản ánh tình trạng thừa cung trên thị trường dầu khí, vốn đã khiến biên lợi nhuận lọc dầu của châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng.

Đợt hạn ngạch thứ hai đối với xuất khẩu xăng, dầu gas và nhiên liệu máy bay có thể nằm trong khoảng từ 8 triệu – 12 triệu tấn theo cuộc khảo sát từ Reuters. Trong quý đầu tiên, xuất khẩu các loại nhiên liệu này đạt tổng cộng 12,88 triệu tấn, tương đương khoảng 68% hạn ngạch đợt đầu tiên.

Thị trường xăng dầu ở châu Á cũng đang suy yếu nhanh chóng trong mùa cao điểm của khu vực. Lợi nhuận từ việc sản xuất xăng từ dầu thô đã giảm hơn một nửa ở Singapore trong tháng qua xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12.

Trong khi đó, các nguồn tin giao dịch và vận chuyển cho biết, lượng dầu bốc dỡ từ các cảng phía tây của Nga trong tháng 4 có thể sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2019, đạt trên 2,4 triệu thùng/ngày, bất chấp tuyên bố cắt giảm sản lượng.

Nhu cầu suy yếu, lo ngại suy thoái gia tăng, trong khi nguồn cung tạm thời vẫn đang đảm bảo đã thúc đẩy lực bán mạnh mẽ trên thị trường dầu.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya tại OANDA nhận định rằng bất chấp những rủi ro trong ngắn hạn giá dầu thô vẫn có thể ở mức 80 USD/thùng.

Trong giai đoạn tới, triển vọng kinh tế vĩ mô và bài toán tiêu thụ được đánh giá là các tin tức có tác động mạnh hơn tới xu hướng giá dầu, thay vì yếu tố nguồn cung như giai đoạn trước đó.

Theo MXV

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.

Bài viết liên quan