Dữ liệu về lạm phát, hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm từ Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – đang là hai yếu tố dẫn dắt giá hợp đồng tương lai dầu hiện nay.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 03/04/2023
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
> Tầm quan trọng của công cụ bảo hiểm giá
Việc tăng lãi suất và lo ngại về khả năng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn giảm tốc đang kéo giá dầu đi xuống.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/03, giá dầu thô WTI giảm 2,45% về 74,80 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 2,43% về 80,77 USD/thùng.
Các rủi ro vĩ mô đang là yếu tố dẫn dắt thị trường dầu, và làm lu mờ các yếu tố cơ bản về cung cầu. Thị trường hôm nay sẽ hướng tâm điểm về chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1 – dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ. Đây là yếu tố có ảnh hưởng đến các quyết định về lãi suất của Mỹ trong cuộc họp vào cuối tháng 3.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang theo dõi sát sao mọi điểm dữ liệu kinh tế ở Mỹ để đánh giá xem liệu có nên đẩy nhanh hay làm chậm lại tốc độ tăng lãi suất. Dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh hơn và lạm phát vẫn cao có thể khiến FED tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến ban đầu, làm tăng khả năng xảy ra suy thoái nghiêm trọng và thậm chí suy thoái trong những tháng tới.
Tuy nhiên, sau vụ sụp đổ của các ngân hàng lớn tại Mỹ chỉ trong vài ngày gây ra lo ngại sẽ lan ra thành một cuộc khủng hoảng tài chính mới, các nhà giao dịch không còn dự báo FED sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp tuần tới, thay vào đó, dự đoán hiện tại là mức tăng 0,25 điểm phần trăm. Thậm chí một số người còn kỳ vọng Fed không tăng lãi suất.
Theo các nhà phân tích, tăng trưởng giảm tốc sẽ đè nặng lên giá dầu thô, tuy nhiên, nếu lo ngại đối với nền kinh tế Mỹ được xoa dịu, dầu WTI có thể trở lại mốc hơn 80 USD/thùng. Một số nhà giao dịch dầu giao ngay lớn nhất thế giới cho biết, trong một cuộc “hạ cánh mềm” đối với nền kinh tế Mỹ, giá có thể sớm chạm mốc 90 USD/thùng.
Mặt khác, các thị trường – bao gồm thị trường dầu tương lai – đang theo dõi sát các xu hướng kinh tế ở Trung Quốc, quốc gia đã mở cửa trở lại sau gần 3 năm phong tỏa vì Covid-19 và dự kiến sẽ chứng kiến sự phục hồi trong tăng trưởng kinh tế và mức tiêu thụ dầu trong năm nay.
Lo ngại tăng lãi suất sẽ “níu chân” tăng trưởng của Mỹ và sự hồi phục tại Trung Quốc – hai lực kinh tế đối lập này hiện đang kéo thị trường dầu theo hướng ngược nhau, khiến giá bị mắc kẹt trong phạm vi hẹp 80-85 USD/thùng đối với dầu Brent.
Kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu dầu của Trung Quốc là động lực cho những phiên tăng và hạn chế xu hướng giảm của giá dầu. Nếu Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ sau khi mở cửa trở lại, giá có thể vượt qua phạm vi hẹp gần đây, do lượng tồn kho toàn cầu thấp hơn mức trung bình 5 năm và các dấu hiệu cho thấy thị trường dầu thô giao ngay thắt chặt hơn đang xuất hiện.
Tập đoàn Trafigura dự báo giá sẽ bắt đầu tăng do những thay đổi lớn trong giao dịch dầu mỏ trong năm qua. Ông Ben Luckock – Giám đốc kinh doanh Trafigura cho biết, sự phục hồi của Trung Quốc là có thực, vì Trafigura đang nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với khoáng sản và kim loại cũng như khối lượng dầu thô mà Trung Quốc đã nhập khẩu trong 6 tuần qua.
Giá dầu có thể chạm phạm vi 90-100 USD/thùng trong nửa cuối năm nay do nhu cầu toàn cầu sẽ đạt mức kỷ lục trong khi nguồn cung vẫn bị hạn chế, Russell Hardy, Giám đốc điều hành của công ty kinh doanh dầu mỏ độc lập lớn nhất thế giới, Vitol Group nói với Bloomberg Television vào tuần trước.
Trong khi cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine và tác động của nó đối với nguồn cung và thị trường năng lượng tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ, nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc đang quyết định xu hướng giá hiện tại và sẽ xác định giá đi về đâu khi 2 nền kinh tế này bộc lộ tiềm năng rõ ràng.
CafeF
Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Tel: 024.3552.7979
FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g