Giá dầu thế giới chạm mức cao nhất trong ba tháng trong phiên 25/07, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu suy giảm nguồn cung tại các quốc gia sản xuất, xuất khẩu lớn. Trong bối cảnh nhu cầu tăng, mức thâm hụt lớn có thể là nguyên nhân giúp triển vọng giá dầu tiếp tục tăng trong tương lai gần.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 26/07/2023
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
> Giao dịch Hợp đồng quyền chọn – công cụ bảo hiểm rủi ro hiệu quả
Giá dầu thô Brent đã tăng phiên tăng thứ 4 liên tiếp trong phiên giao dịch ngày 25/07, lên 83,64 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua, giá dầu WTI cũng tăng 1,13% lên tiệm cận 80 USD/thùng trong phiên này.
Nguồn cung được cho là sẽ thắt chặt do Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh cắt giảm sản lượng.
Xuất khẩu dầu thô của Nga từ các cảng Baltic và Biển Đen đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng khi Moscow thực hiện cắt giảm xuất khẩu. Cụ thể, tổng xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga trong tuần kết thúc ngày 23/07 đã giảm 311.000 thùng/ngày so với tuần trước xuống 2,73 triệu thùng/ngày.
Các số liệu cho thấy Moscow đang thực hiện cam kết cắt nguồn cung ra thị trường toàn cầu. Nguồn cung dầu thô của Nga giảm, bên cạnh việc thắt chặt của Trung Đông đã khiến các khoản chiết khấu đối với dầu thô ESPO xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc kỳ hạn tháng 9 tiếp tục thu hẹp. Điều này khiến nguồn dầu thô Mỹ cũng trở nên cạnh tranh hơn và thúc đẩy đà tăng của giá.
Trong khi đó, tại Mỹ, nhu cầu đang có xu hướng phục hồi rõ rệt trong giai đoạn mùa hè tiêu thụ cao điểm. Giá xăng trung bình tại Mỹ đã ghi nhận mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ ngày 06/06/2022. Giá thông thường đang đạt trung bình 3,636 USD/gallon, cao hơn 0,1 USD/gallon so với 1 ngày trước đó. Các vùng của Trung Tây và Florida ghi nhận mức tăng mạnh nhất với khoảng 0,08 đến 0,1 USD/gallon. Việc giá xăng tăng cao có thể sẽ khiến công cuộc hạn chế lạm phát của chính quyền Biden gặp khó khăn.
Tồn kho các sản phẩm nhiên liệu, đặc biệt là dầu diesel đang ở mức thấp, cũng có thể thúc đẩy tăng giá đối với dầu thô trong trường hợp nền kinh tế Mỹ mạnh hơn trong các quý cuối năm.
Các kho dự trữ dầu diesel, dầu sưởi và nhiên liệu máy bay của Mỹ đã không thể phục hồi từ mức thấp nhất trong 10 năm đạt được vào năm ngoái, khi giá cao khiến chính quyền Biden xem xét lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu, khiến thị trường dễ bị tổn thương trước những cú sốc về nguồn cung.
Một loạt các vấn đề về nhà máy lọc dầu đã ngăn lượng hàng tồn kho nhiên liệu chưng cất tăng lên. Nhìn chung, việc ngừng hoạt động ngoài kế hoạch trong tháng 6 đạt trung bình khoảng 550.000 thùng/ngày, gần gấp đôi mức ngừng hoạt động vào cùng kỳ năm ngoái với công suất gần 290.000 thùng/ngày.
Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, các quan chức cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế.
Goldman Sachs kỳ vọng nhu cầu cao kỷ lục trên thị trường dầu mỏ sẽ đẩy giá dầu thô lên cao hơn trong tương lai gần. Ngân hàng này dự báo dầu thô Brent sẽ tăng lên 86 USD/thùng vào cuối năm.
“Chúng tôi dự đoán mức thâm hụt khá lớn trong nửa cuối năm nay. Mức thâm hụt có thể đạt gần 2 triệu thùng/ngày trong quý III do nhu cầu đạt mức cao chưa từng có”, Daan Struyven, người đứng đầu bộ phân nghiên cứu dầu mỏ của Goldman nói trên chương trình Squawk Box Asia của CNBC hôm 24/7.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 1,32 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 21/07, trái chiều so với mức dự đoán giảm của thị trường. Tồn kho xăng giảm khoảng 1,04 triệu thùng, trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất tăng khoảng 1,61 triệu thùng. Thông tin này nhiều khả năng sẽ khiến giá dầu gặp áp lực trong phiên mở cửa sáng 26/7.
Giới đầu tư cũng đang tỏ ra thận trọng trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào đêm nay. Các thị trường nhận định Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong tuần này.
Các dữ liệu kinh tế có thể kém tích cực hơn so với giai đoạn trước trong bối cảnh chi phí vay tăng cao tại Mỹ và châu Âu, cùng những giọng điệu “diều hâu” từ Fed và ECB là yếu tố có thể khiến giá dầu gặp áp lực. Tuy nhiên, về tổng thể, đà suy yếu nhiều khả năng sẽ không kéo dài khi thị trường vẫn thiên về trạng thái thiếu cung.
Theo MXV
Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Tel: 024.3552.7979
Facebook: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g