TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Triển vọng nguồn cung cà phê thắt chặt trong dài hạn khiến giá chưa thể hạ nhiệt sớm

Triển vọng nguồn cung cà phê thắt chặt trong dài hạn khiến giá chưa thể hạ nhiệt sớm

Hai mặt hàng cà phê bứt phá vượt trội trong 2 phiên cuối tuần trước. Cà phê Arabica xác lập mức giá cao kỷ lục 7 năm, trong khi cà phê Robusta chạm mức cao nhất trong vòng 10 năm do những dấu hiệu về việc nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt và các phân tích kỹ thuật đều cho thấy xu hướng tăng giá sẽ còn tiếp diễn.

[Hữu ích cho nhà đầu tư] 

Giao dịch Spread với mức ký quỹ thấp chưa từng có

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 12/11/2021

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Triển vọng nguồn cung cà phê thắt chặt trong dài hạn khiến giá chưa thể hạ nhiệt sớm

Giá cà phê chạm “đỉnh” trong nhiều năm

Giá cà phê Arabica tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm do các dấu hiệu cho thấy nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt trong khi các phân tích kỹ thuật đều cho thấy xu hướng tăng giá. Giá robusta phiên này đạt mức cao mới trong vòng 10 năm.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 03 trên sở ICE US đóng cửa tuần tăng vọt 7,53% lên mức 221.95 cent/pound, chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2014 đến nay. Trong vòng một năm qua, giá cà phê Arabica đã tăng hơn 90%.

Trong khi đó, dù bị điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần nhưng giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 01 trên sở ICE EU cũng tăng mạnh 4,4% trong tuần, lên mức 2277 USD/tấn. Trong phiên có lúc chạm mức 2313 USD, mức cao nhất kể từ tháng 08/2011 đến nay của mặt hàng này.

Diễn biến giá cà phê Robusta từ năm 2009 đến nay

Diễn biến giá cà phê Robusta từ năm 2009 đến nay. Nguồn: Barchart

Nguồn cung cà phê ở khắp nơi trên thế giới đều gặp khó khăn, từ Brazil đến Việt Nam, trong khi cước vận chuyển cao, thiếu phương tiện vận chuyển và phi phí vận chuyển cũng như chi phí phân bón cao đã, đang và dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cà phê.

Tại Châu Á, giá cà phê Rbusta loại 2 (5% đen và vỡ) của Việt Nam tuần này tăng, hiện ở mức trừ lùi 250 – 260 USD/tấn so với hợp đồng tham chiếu (kỳ hạn tháng 1) trên sàn London, so với mức trừ lùi 260 – 300 USD cách đây một tuần; cà phê Lampung của Indonesia hiện có giá trừ lùi 170 – 180 USD/tấn so với giá tham chiếu thế giới.

Giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên hiện được bán ra với giá 40.600 – 41.500 đồng/kg.

Các nhà kinh doanh cà phê cho biết mặc dù những chính sách hạn chế di chuyển để chống COVID-19 ở Việt Nam đã được dỡ bỏ, song nguồn cung lao động vẫn hạn chế và chi phí đầu vào, nhất là phân bón tăng cao đẩy giá cà phê robusta tăng lên.

Nguy cơ thiếu hụt Arabica kéo dài

Tất cả các yếu tố: xuất khẩu cà phê của Brazil – nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới – đang nhỏ giọt; nhiều hợp đồng giao dịch không được giao đúng hạn vì sản lượng sa sút; trong khi tồn trữ cà phê Arabica sụt giảm mạnh; triển vọng nhu cầu tăng và thời tiết khô hạn có thể xảy ra ở châu Mỹ trong năm tới do La Nina….đồng loạt gây áp lực đẩy giá cà phê Arabica tăng lên.

Lượng Arabica lưu trữ tại Sở ICE US Futures  hiện còn rất ít do nguồn cung từ các nước sản xuất chủ chốt. Trong khi đó, những dự báo ban đầu cho thấy Brazil kết thúc chu kỳ năng suất cà phê cao ở năm 2020/21, tức là nước này sẽ bước vào năm 2022 với sản lượng giảm, khiến cho việc khôi phục lượng cà phê dự trữ trở nên xa vời.

Brazil, quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, đã phải đối mặt với sản lượng lao dốc sau khi hạn hán và sương giá làm cây bị hư hại, giữa lúc nhà cung cấp Arabica lớn thứ hai thế giới – Colombia, lại đang phải chật vật ứng phó với tình trạng lượng mưa dư thừa làm giảm sản lượng và có nguy cơ gây dịch bệnh trên cây cà phê. Hai nước này chiếm gần 3/4 sản lượng Arabica thế giới.

Thời tiết diễn biến phức tạp ở Brazil trong thời gian qua, từ khô hạn kéo dài đến băng giá làm chết cây, đã dẫn tới nguồn cung Arabica trở nên đặc biệt khan hiếm. Tháng 7 vừa qua, Brazil không có chút mưa nào khiến nước này rơi vào tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong vòng gần một thập kỷ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ mùa 2021. Theo Trung tâm Dự báo Khí hậu Hoa Kỳ, La Nina có thể sẽ mạnh lên trong vòng ba tháng tới trước khi giảm dần vào năm 2022. Hiện tượng thời tiết cực đoan này có thể có tác động mạnh mẽ đến thị trường nông nghiệp ở Nam Mỹ, nơi các sản phẩm cây trồng có thể phải dùng máy sấy khô vì mưa quá nhiều.

Trong khi đó, giá phân bón tăng cao càng khiến người trồng cà phê gặp khó. Ở Brazil, tiền real tăng giá cũng góp phần đẩy giá Arabica xuất khẩu – được tính bằng USD – trở nên đắt hơn. Đồng Real trong phiên cuối tuần tăng 1,76% lên ở mức 1 USD = 5,404 real sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 của nước này tăng mạnh.

Thị trường cà phê không chỉ thiếu cung ở thời điểm hiện tại, mà nguy cơ giá tăng sẽ còn kéo dài khi giá các hợp đồng cà phê tương lai cũng tăng mạnh bởi lạm phát giá ở các quán cà phê, thực phẩm, cửa hàng tạp hóa… ngày càng trầm trọng. Một số công ty đã chuyển phần giá và chi phí tăng sang cho người tiêu dùng.

Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, lạm phát giá tiêu dùng ở nước này tháng 10 đã tăng nhanh nhất trong vòng 30 năm, tăng 0,9% so với tháng liền trước (sau khi đã tăng 0,4% trong tháng 9) và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước – mức tăng theo năm lớn nhất kể từ tháng 11/1990.

Nguồn cung Robusta gặp khó khăn

Nguồn cung Robusta trên thế giới cũng trở nên khan hiếm sau khi nhiều nhà chế biến cà phê chuyển sang sử dụng Robusta thay thế Arabica có giá quá cao, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến sản xuất và vận chuyển Robusta.

Xuất khẩu cà phê của châu Á và châu Đại Dương (chủ yếu là Robusta)  niên vụ 2020 – 2021 giảm 3,2% so với niên vụ trước xuống còn 38,8 triệu bao. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam giảm 7,5% xuống 25,6 triệu bao; trong khi xuất khẩu của Ấn Độ tăng 12% lên gần 6 triệu bao.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam, nhà sản xuất Robusta hàng đầu thế giới, trong tháng 10/2021 giảm 1,1% so với tháng 9, xuống 99.249 tấn, đưa xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm giảm 4,2% so với cùng kỳ, xuống 1,285 triệu tấn.

Tình trạng nguồn cung trong khu vực hiện vẫn chưa được cải thiện khi thời tiết vùng cà phê Tây nguyên hiện đang thiếu nắng làm quả cà phê chín chậm, trong bối cảnh lực lượng nhân công thiếu hụt đã đẩy tiền lương thu hái lên rất cao.

Hàng trăm nghìn ha cà phê vụ 2021 ở các tỉnh Tây Nguyên có thể sẽ thu hoạch không kịp thời vụ do tình trạng thiếu nhân công lao động vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và do mưa quá nhiều ở thời điểm thu hoạch. Khu vực Tây Nguyên đã có mưa trong cả tuần qua. Mùa thu hoạch của Việt Nam dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào cuối tháng 12, muộn hơn một tháng so với thường lệ bởi mưa kéo dài cản trở việc thu hoạch quả chín, ảnh hưởng cả đến năng suất và chất lượng quả.

Triển vọng cung chưa sớm cải thiện

Với thời tiết mưa nhiều như hiện tại và tình hình dịch COVID-19 ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang diễn biến phức tạp, nguồn cung cà phê của Việt Nam dự báo sẽ chưa có bán trên thị trường trước cuối tháng 12/2021. Do đó, giá cà phê Robusta sẽ khó có thể hạ nhiệt nhanh.

Đối với Arabica, Brazil sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng. Với việc sản lượng cà phê Brazil năm 2021 ước tính sụt giảm mạnh do thời tiết xấu và Colombia đang mưa nhiều như Việt Nam, nguồn cung Arabica dự báo cũng sẽ tiếp tục khan hiếm và đẩy giá tăng trong dài hạn.

Tham khảo: Businessinsider, Bloomberg, Reuters

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: 024.3552.7979
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g

Bài viết liên quan

Trả lời