TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Thị trường hàng hóa trải qua một tuần biến động “dồn dập”

Thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam liên tục lập kỉ lục trong 3 tháng đầu năm 2022

Thị trường hàng hóa tuần qua chứng kiến những kỷ lục lịch sử về giá của nhiều mặt hàng, trong đó có dầu lên đến gần 140 USD/thùng, nickel chạm 100.000 USD/tấn,… Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá cả rất biến động, đóng cửa tuần nhiều mặt hàng giảm giá.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Giao dịch Spread với mức ký quỹ thấp chưa từng có

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 14/03/2022

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Thị trường hàng hóa trải qua một tuần biến động "dồn dập"

Giá dầu có lúc gần chạm 140 USD/thùng

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/3, giá dầu thô Brent tăng 3,1%, lên 112,67 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm mức thấp 107,13 USD/thùng; dầu thô WTI cũng tăng 3,1%, lên 109,33 USD/thùng. Giá dầu tăng trong phiên cuối tuần, song tính chung cả tuần trước lại giảm nhiều nhất kể từ tháng 11/2021. Theo đó, dầu Brent giảm 4,61% trong tuần trước sau khi đạt 139,13 USD/thùng trong phiên 7/3/2022, còn dầu WTI giảm 5,49%. 

Dầu thô biến động mạnh trong tuần trước, với các thông tin và kỳ vọng trái chiều về tình hình của thị trường năng lượng. Quyết định cấm nhập dầu từ Nga của Nhà Trắng đã đẩy giá tăng mạnh, và khiến giá WTI thách thức mốc 130 USD/thùng. Phía các nước châu Âu EU cũng đang lập kế hoạch cắt giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.

Thêm vào đó, cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đối mặt với nguy cơ thất bại, sau yêu cầu của Nga buộc các cường quốc năng lượng thế giới phải tạm dừng đàm phán.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: “Các cuộc đàm phán về Iran đang tạm dừng là một yếu tố hỗ trợ thị trường”, đồng thời nói thêm rằng “những người tham gia thị trường giờ đây sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu xuất khẩu của Nga để biết được mức độ (nguồn cung) bị gián đoạn”.

Ngoài ra, thêm một yếu tố khác khiến giá dầu tăng là tuyên bố cấm xuất khẩu nguyên liệu thô, hàng hóa của Nga vào ngày 8/3. Dù chưa đưa ra danh sách nhưng nhiều người quan ngại, dầu và khí đốt nằm trong danh sách cấm xuất khẩu của Nga, góp phần đẩy giá dầu lên cao.

Tuy vậy, một loạt các biện pháp “giải cứu” thị trường của Mỹ kết hợp với lực bán chốt lời đã đẩy giá giảm mạnh trở lại trong những ngày tiếp theo. Sau đà tăng 2 phiên đầu tuần, thị trường đã chứng kiến mức giảm sốc trong phiên còn lớn hơn cả ngày “Black Friday” 26/11 khi biến thể Omicron mới xuất hiện. 

Cùng với đó là việc các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ủng hộ tăng sản lượng và sẽ khuyến khích OPEC cân nhắc ngưỡng sản lượng cao hơn. Sau động thái này, giá dầu giảm. Cả hai loại Brent và WTI về quanh mức 110 USD/thùng.

Nhà phân tích Vivek Dhar thuộc Commonwealth Bank cho biết, trong ngắn hạn thiếu hụt nguồn cung khó có thể được bù đắp bởi sản lượng bổ sung từ các thành viên của OPEC và các đồng minh (OPEC+), do Nga là 1 phần của nhóm. Một số nhà sản xuất thuộc OPEC+ bao gồm Angola và Nigeria, rất khó đạt được mục tiêu sản xuất cũng hạn chế khả năng bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các nước công nghiệp phát triển G7 sẽ thu hồi quy chế thương mại “tối huệ quốc” của Nga, đồng thời công bố lệnh cấm của của Mỹ đối với hải sản, rượu và kim cương của Nga. Tuần này, Mỹ đã cấm dầu của Nga.

Tuần này, trọng tâm chú ý được sẽ chuyển sang các báo cáo thị trường dầu từ Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc tế (IEA). 31 thành viên của IEA sẽ công bố kế hoạch để cắt giảm sản lượng tiêu thụ, cũng như cân nhắc kế hoạch tiếp tục giải phóng dầu từ kho dự trữ để hạ nhiệt giá dầu. Ngoài ra còn có thêm báo cáo từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Cả hai đều được dự báo sẽ cho thấy thị trường sẽ dư cung trong năm nay.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang thúc đẩy các cuộc đàm phán với Venezuela trong nỗ lực thúc đẩy nước này xuất khẩu dầu trở lại, sau khi các vòng thảo luận với Iran đang phải tạm hoãn.

Dữ liệu về giàn khoan của Hoa Kỳ từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.Co cho thấy các nhà khoan dầu đã bổ sung thêm 13 giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên, nâng tổng số lên 663 giàn, là tuần thứ 9 tăng trong 10 tuần qua. Các quan chức chính phủ Mỹ đã kêu gọi các nhà sản xuất trong nước và toàn cầu tăng sản lượng.

Đối với khí tự nhiên, giá mặt hàng này kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn New York tăng 2% lên 4,725 USD/mmBTU. Tính chung cả tuần, giá lại giảm gần 6% sau khi tăng 12% trong tuần trước đó.

Cơn “lạm giá” của niken và nhôm

Giá nickel, sử dụng trong sản xuất thép không gỉ và pin xe điện, có lúc tăng đến 250% trong hai phiên giao dịch, lên mức 100.000 USD/tấn đầu ngày 8/3. Đó là đợt tăng lớn nhất trên Sở LME, diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư và các bên đã bán nickel vội mua lại các hợp đồng sau khi giá bắt đầu tăng vì lo ngại liên quan nguồn cung từ Nga.

Diễn biến này gợi lại ký ức về giai đoạn đen tối nhất của LME – Khủng hoảng Thiếc năm 1985 từng khiến LME dừng giao dịch thiếc suốt 4 năm, nhiều bên môi giới ngừng hoạt động. Trước đó, Hội đồng Thiếc Quốc tế, tổ chức được 22 chính phủ hậu thuẫn, đã sụp đổ vì không thể ngăn giá thiếc tăng.

Nguồn cung nickel thắt chặt từ trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Căng thẳng địa chính trị càng đẩy giá nickel đi lên và nếu kéo dài sẽ kéo theo chi phí pin xe điện, ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi năng lượng. Nga sản xuất khoảng 17% sản lượng nickel thượng phẩm của thế giới.

Ở phiên cuối tuần, giá nhôm cũng tăng, hợp đồng nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,9% lên 3.493 USD/tấn song tính chung cả tuần cũng giảm. Sự kiện đáng chú ý trên thị trường này trong tuần là sự không chắc chắn về xuất khẩu của Nga đã đẩy giá tăng lên mức cao kỷ lục.

Kim loại này đã tăng vọt từ khoảng 3.300 vào ngày 23/2 lên 4.073,50 USD hôm 7/3, sau đó quay trở lại mức 3.300 USD hôm thứ Tư tuần trước (9/3). Tính từ đầu năm đến nay, giá nhôm tăng 25% sau khi tăng 42% năm 2021. Nga sản xuất khoảng 6% sản lượng nhôm toàn cầu và là nước sản xuất chủ chốt đồng và nickel, các kim loại quý, năng lượng và sản phẩm cây trồng.

Ngoài ra, giá nhôm tăng còn do tồn trữ nhôm tại London giảm xuống 755.950 tấn, so với gần 2 triệu tấn 1 năm trước đó.

Đối với các kim loại khác, sau khi lập kỷ lục cao nhất mọi thời đại, giá Đồng trên Sở COMEX đã đảo chiều, đóng cửa tuần giảm 6,3% xuống còn gần 10.200 USD/tấn; kẽm giảm 1,3% xuống 3.819,50 USD và giảm khoảng 6% trong tuần này; chì giảm 1,2% xuống 2.328,50 USD trong một phiên và giảm 5% trong tuần này; thiếc tăng 1,2% lên 44.250 USD trong ngày 11/3 nhưng giảm 7% trong tuần.

Quặng tăng có sự đồng đều trong cả tuần. Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Đại Liên tăng 3,8% lên 822 CNY/tấn, đầu phiên giao dịch tăng 5,9% lên 839 CNY (132,66 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 1,2%, là tuần tăng thứ 2 liên tiếp do nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tại các nhà máy thép hồi phục.

Xuất khẩu quặng sắt từ Australia và Brazil trong tuần trước đạt 22,45 triệu tấn, giảm 567.000 tấn so với tuần trước đó, công ty tư vấn Mysteel cho biết.

Về các kim loại quý, giá bạc giảm 0,2% xuống 25,82 USD/ounce; bạch kim tăng 0,3% lên 1.071,29 USD, nhưng tính chung cả tuần lại có mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 11.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết: “Cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine sẽ tiếp tục hỗ trợ triển vọng giá kim loại quý tăng nữa”, vì điều đó có thể đồng nghĩa với lạm phát cao hơn, tăng trưởng chậm lại và ngân hàng trung ương tăng lãi suất ít hơn”.

Với lạm phát Mỹ tăng vọt vào tháng Hai, tỷ lệ đặt cược rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất chuẩn qua đêm lên ít nhất 25 điểm cơ bản vào ngày 16 tháng 3 đã tăng lên 94%.

Giá lúa mì quay đầu giảm mạnh

Sau một tuần tăng mạnh chưa từng có hơn 40% trong tuần trước đó, lúa mì quay đầu rơi mạnh tới hơn 100 cents ở tuần vừa rồi và kết thúc ở mức 1106,6 cents/bushel. Mặc dù lực mua vẫn duy trì vào đầu tuần và có thời điểm đã đẩy giá vượt lên mức đỉnh cao nhất trong 14 năm qua nhưng đà tăng đã kết thúc khi xung đột ở Biển Đen đang trở nên bớt căng thẳng hơn.

Bên cạnh đấy, tồn kho lúa mì Mỹ niên vụ 21/22 được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) điều chỉnh tăng dự báo thêm 100.000 tấn, trái với dự đoán giảm của thị trường, cũng góp phần gây áp lực lên giá.

Giao dịch lúa mì vẫn không ổn định khi những người tham gia thị trường phải vật lộn với mức độ gián đoạn có thể xảy ra đối với lúa mì từ Ukraine và Nga cũng như nhu cầu đối với các nhà cung cấp khác bao gồm Liên minh châu Âu và Mỹ.

Giá ngô đã duy trì đà tăng trong tuần thứ 5 liên tiếp và kết tuần ở mức 762,5 cents/bushel do triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn ở Nam Mỹ. Tuy nhiên, mức tăng đã thu hẹp đáng kể so với mức nhảy vọt của tuần trước đó do thông tin trên gần như đã phản ánh hết vào giá.

Một số tổ chức uy tín trên thế giới vẫn đang tiếp tục cắt giảm sản lượng ngô dự báo của Argentina và Brazil niên vụ 21/22. Nửa phía bắc của Pampas đang tiếp tục nhận được lượng mưa lớn trong vài tuần qua mặc dù trong ngắn hạn sẽ giúp bổ sung lại thiếu hụt độ ẩm trong thời gian trước đó nhưng nếu tiếp tục duy trì sẽ gây hại hơn là có lợi, do sẽ làm trì hoãn tốc độ thu hoạch.

Các mặt hàng nhóm đậu tương đều đóng cửa trong sắc xanh. Mặc dù gapup mạnh vào đầu tuần, tuy nhiên, diễn biến trong tuần trước của đậu tương khá giằng co. Giá chỉ biến động nhẹ trong bối cảnh những số liệu không quá bất ngờ trong báo cáo WASDE tháng 03 của USDA.

Hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương là khô đậu và dầu đậu đều tăng khá mạnh vào tuần trước. Dầu đậu đã tăng hơn 5% do được hỗ trợ từ diễn biến dầu cọ. Mới đây, Indonesia đã nâng nghĩa vụ thị trường nội địa đối với các doanh nghiệp sản xuất dầu cọ lên mức 30%, tăng từ mức 20% như hiện tại.

Thị trường nguyên liệu công nghiệp phân hoá 

Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 giảm hơn 1% về mức 221,95 cents/pound, trong khi hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn tăng 2,8% lên mức 2095 USD/tấn.

Yếu tố chính chi phối giá Arabica trong tuần vừa qua là những thông tin liên quan đến nhu cầu và nguồn cung. Trong đó, xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine đã khiến cho nhiều cửa hàng phải ngừng hoạt động, từ đó khiến nhu cầu tiêu thụ tại 2 quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề.

Ở một diễn biến khác, tồn kho Arabica trên Sở ICE ghi nhận ở cuối tuần trước đã đạt 1,027.688 bao. Con số này đang có dấu hiệu hồi phục kể từ khi đạt mức thấp nhất trong vòng 22 năm trở lại đây, từ đó khiến cho giá mất đi yếu tố hỗ trợ về nguồn cung trong ngắn hạn. Đối với mặt hàng Robusta, việc cước vận chuyển tăng cao cùng lực hồi phục kỹ thuật đã hỗ trợ giá tăng mạnh trong tuần vừa qua.

Cacao kết thúc tuần không đổi với mức giá 2620 USD/tấn.

Giá đường 11 đóng cửa giảm 0,6% xuống còn 19,2 cents/pound, giá đường trắng giảm 0,4% xuống còn 530.2 USD/tấn.

Giá cao su tại Nhật Bản có tuần giảm thứ 2 liên tiếp, do giá dầu vững và thị trường chứng khoán toán cầu giảm sau số liệu lạm phát nóng của Mỹ, làm gia tăng đặt cược Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất.

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: 024.3552.7979
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g

Bài viết liên quan

Trả lời