TIN NỔI BẬT, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Thị trường hàng hóa 04/12: Nhiều mặt hàng tăng nhờ sự suy yếu của đồng Dollar

Thị trường hàng hóa 04/12

Đồng Dollar suy yếu khiến các thị trường chuyển dòng vốn sang thị trường hàng hóa, nhờ đó, các mặt hàng từ Bạch kim, quặng sắt, cao su, đường, cà phê, đậu tương đều đồng loạt tăng.

Thị trường hàng hóa 04/12
USD tiếp tục giảm, bạch kim tăng mạnh

USD giảm và các nhà đầu tư hy vọng một bước đột phá cuối cùng trong các cuộc đàm phán về các gói cứu trợ mới của Mỹ đã hỗ trợ giá kim loại quý tăng.

Kết thúc phiên ngày 03/12, giá bạc tiếp tục tăng 0,24% lên mức 24,137 USD/ounce, trong khi đó giá bạch kim tăng rất mạnh 2,62% lên mức 1.038,6 USD/ounce.

Đồng USD giảm 0,44% xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3/2018 khiến các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến các kim loại quý để trú ẩn.

Lạc quan xung quanh thỏa thuận kích thích kinh tế và tiến triển của vaccine phòng Covid-19 khiến chỉ số USD gần mức thấp nhất trong hơn 2 năm.

Giá quặng sắt tiếp tục tăng khi công ty khai thác Vale SA công bố mục tiêu sản lượng thấp hơn các dự báo, làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung yếu và sự tăng nóng trong nhu cầu nguyên liệu của Trung Quốc.

Hợp đồng quặng sắt tháng 12 trên sàn giao dịch Singapore tăng 1,16% lên 132,54 USD/tấn, đây là phiên tăng thứ 8 liên tiếp.

Công ty Vale của Brazil đã giảm sản lượng năm 2020 xuống 300 triệu tới 305 triệu tấn, so với mục tiêu trước đó ít nhất là 310 triệu tấn. Sản lượng năm 2021 dự báo đạt 315 tới 335 triệu tấn trong đó tính tới tình trạng mưa và các rủi ro khác, cũng khiến một số nhà phân tích thất vọng.

Nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc vọt lên trong nửa cuối năm 2020 do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở thành quốc gia đầu tiên phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19.

Đồng quay đầu giảm sau khi đạt mức cao nhất trong vòng 7,5 năm xuống mức 3,4905 USD/pound và rất có thể các nhà đầu tư đang bắt đầu chốt lời. Tuy nhiên, giá đồng vẫn có khả năng sẽ tăng cao hơn do vaccine có thể được phân phối rộng rãi trong tương lai gần và USD liên tục trượt giá trong 3 tuần.

Các mặt hàng công nghiệp đa phần đều tăng

Giá cao su RSS3 tăng mạnh ngược chiều với cao su TSR20.

Cao su RSS3 giao dịch trên sàn OSE tăng mạnh 3,44% lên mức 264,6 JPY/kg do sự phục hồi vững trong nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc và nguồn cung thắt chặt hơn từ Đông Nam Á. Trái lại, hợp đồng cao su TSR20 tháng 1/2021 giảm đến 1,43%.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 đóng cửa tăng 0,75% lên 14,71 US cent/lb do ảnh hưởng bởi mức tăng của sản phẩm dầu thô. Giá đường đang được củng cố, mặc dù đà tăng gần đây đã mất.

Ai Cập gia hạn cấm nhập khẩu với đường trắng và đường thô trong 3 tháng.

Giá hai loại cà phê đều tăng chủ yếu do kỳ vọng của thị trường vào nhu cầu tiêu thụ cà phê ở Châu Âu có thể sớm tăng trở lại khi các nước đưa vaccine vào triển khai trên diện rộng. Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn New York đóng cửa tăng 0,8% lên 1.2005 USD/lb. Cà phê Robusta tháng 1/2021 tăng 0,22% lên 1.346 USD/tấn.

Việt Nam đã xuất khẩu 70.000 tấn cà phê trong tháng 11, giảm 37,5% so với cùng tháng năm trước.

Indonesia đã xuất khẩu 26.399 tấn cà phê Robusta từ tỉnh Lampung trong tháng 11. Cà phê Robusta từ đảo Sumatra được chào ở mức cộng 200 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2021 trong tuần này, tăng từ 150 USD trong tuần trước.

USD giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm khiến các hàng hóa định giá bằng USD như đường và cà phê rẻ hơn đối với các nhà đầu tư sử dụng đồng tiền khác.

Hợp đồng bông tháng 3/2021 tiếp tục giảm 0,68% về mức 71,11 cents/pound sau thông tin Mỹ cấm nhập khẩu bông và các sản phẩm từ bông của Quân đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương – công ty chiếm 30% sản lượng ngô của Trung Quốc trong năm 2015. Tập đoàn này bị chính phủ Mỹ cáo buộc ngược đãi các tù nhân người Ngô Duy Nhĩ. Lệnh cấm có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và thương mại bông trên toàn cầu.

Nông sản cũng đồng loạt đi lên

Giá các mặt hàng nhóm đậu tương đồng loạt tăng mạnh trở lại sau khi giảm rất mạnh suốt 3 phiên đầu tuần. Trước đó, thời tiết thuận lợi tại các vùng gieo trồng chính ở Nam Mỹ, cùng với nhu cầu suy yếu trên toàn cầu, đặc biệt ở Trung Quốc đã khiến cho nông dân và các quỹ đồng loạt bán mạnh trên thị trường, khiến giá đậu tương đã giảm hơn 3%. Tuy nhiên, lực mua kỹ thuật cùng tâm lý chốt lời của giới đầu tư bán khống trong phiên hôm qua đã giúp giá đậu tương tăng trở lại với mức tăng 1,3%, lên 429,3 USD/tấn.

Nguồn cung eo hẹp cùng với lo ngại về các cuộc đình công mới nhất ở Argentina có thể gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng giúp giá khô đậu tương tăng 1,1% lên mức 429,9 USD/tấn.

Trong khi đó, dầu đậu tương được ảnh hưởng tích cực bởi mức tăng của giá dầu thô thế giới nên đã tăng rất mạnh 2,2% lên mức 831,8 USD/tấn.

Hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 0,65% lên mức 426,5 cents/bushel sau thông tin hai tập đoàn của Hàn Quốc mua thêm 132,000 tấn ngô thông qua đấu thầu quốc tế. Bên cạnh đó, sự phục hồi của ngô cũng được hỗ trợ bởi tác động tích cực từ mức tăng của nhóm đậu tương và việc đồng USD suy giảm.

Lúa mỳ cũng hồi phục trở lại về mức 584,5 cents/bushel nhờ lực mua kỹ thuật khi giá bị đẩy sát về mức hỗ trợ 580. Giá lúa mỳ thường có xu hướng đi theo các yếu tố kỹ thuật khi thị trường thiếu thông tin định hướng cơ bản, do đó, tỷ trọng các quỹ chiếm phần trăm khá lớn. 

Theo dõi thêm các tin tức nổi bật về thị trường hàng hóa phái sinh tại chuyên mục: Tin tức Thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ (84) 024.3552.7979
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? STK Vietcombank : 0611001975177 Chi nhánh Ba Đình
? STK BIDV: 21610000479888 Chi nhánh Đống Đa
? STK Techcombank: 19134664939018 phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt.

Bài viết liên quan

Trả lời