Thị trường hàng hóa phái sinh đổ dồn sự chú ý về việc triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19. Đóng cửa phiên giao dịch 15/12, nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá.
Năng lượng duy trì ổn định đà tăng
Giá dầu tiếp tục duy trì đà tăng nhờ tâm lý tích cực của các nhà đầu tư tập trung về việc vaccine Covid-19 được cấp phép và đưa ra tiêm.
Dầu thô Brent tăng 0,93% lên 50,76 USD/thùng và dầu thô WTI tăng 1,34% lên 47,62 USD/thùng. Giá dầu Brent hôm 10/12/2020 đạt giá 51,06 USD/thùng – cao nhất kể từ tháng 3/2020, được hỗ trợ bởi việc phê duyệt vaccine, ngay cả khi các trường hợp nhiễm virus tại hầu hết các khu vực trên thế giới đang tăng.
Hoa Kỳ đã bắt đầu tiêm chủng rộng rãi từ hôm thứ Hai, trong khi Anh và Canada cũng đã bắt đầu thực hiện các mũi tiêm từ tuần trước.
Các hạn chế tại châu Âu vẫn thắt chặt và dự báo nhu cầu nhiên liệu sẽ phục hồi chậm hơn so với dự kiến.
Giá dầu thô tại Trung Quốc trong tháng 11/2020 tăng 3,2% lên mức cao kỷ lục. Điều này sẽ hỗ trợ tâm lý các nhà đầu tư về nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng trong thời gian tới. Trung Quốc là một trong số ít các nước mà nhu cầu dầu hồi phục hoàn toàn từ đầu năm nay, nhà phân tích cấp cao Phil Flynn thuộc Price Futures Group, Chicago cho biết.
Trong khi đó, Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) cho biết tồn trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần đến 11/12/2020 tăng 2 triệu thùng lên 495 triệu thùng, so với dự kiến giảm 1,9 triệu thùng của các nhà phân tích.
Giá xăng RBOB cũng tăng 0,58% lên mức 1,4268 USD/gallon.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ vẫn duy trì ổn định ở mức 2,682 USD/mmBTU, khi xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tăng lên mức cao kỷ lục bù đắp dự báo thời tiết ôn hòa hơn dẫn đến nhu cầu sưởi ấm giảm và sản lượng tăng. Trong phiên giao dịch có lúc giảm mạnh tới 3,2%.
Giá kim loại có sự hồi phục
Tất các các mặt hàng kim loại đều đồng loạt tăng trở lại trên thị trường hàng hóa phái sinh.
Giá nhóm kim loại quý được hỗ trợ bởi thông tin ông Joe Biden được cử tri đoàn bỏ phiếu chính thức làm tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới của Mỹ, hy vọng về sự ra đời của nhiều gói kích thích kinh tế.
Hợp đồng bạc kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 2,48% lên mức 24,644 USD/ounce, và bạch kim cũng tăng 2,33% lên 1039,3 USD/ounce.
Trong khi đó, giá nhóm kim loại cơ sở được hỗ trợ bởi tăng trưởng kinh tế tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc và được thúc đẩy bởi việc triển khai vaccine Covid-19 tại các nền kinh tế lớn.
Sản lượng nhà máy của Trung Quốc trong tháng 11/2020 tăng mạnh nhất 20 tháng, được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng hồi phục và các hạn chế Covid-19 tại các đối tác thương mại chủ yếu dần được nới lỏng. Trung Quốc chiếm gần 1/2 tiêu thụ đồng toàn cầu, ước đạt 24 triệu tấn.
Giá đồng trên sàn COMEX tăng 0,51% lên mức 3,5445 USD/pound, giá quặng sắt trên sàn SGX tăng 1,18% lên 153,29 USD/tấn.
Nông sản cũng phủ kín sắc xanh
Giá đậu tương tại Mỹ tăng, được hỗ trợ bởi nhu cầu từ các nhà chế biến trong tháng 11/2020 tăng đạt mức kỷ lục và cao hơn so với dự kiến, gây áp lực nguồn cung thắt chặt. Cộng với lực mua kỹ thuật khi giá vượt lên mức kháng cự mạnh 1170.
Hợp đồng đậu tương kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn CBOT tăng 1,26% lên 1184,24 cents/bushel. Giá khô đậu tương tăng mạnh gần 2% lên mức 388,2 USD/tấn, do cùng xu hướng nhóm đậu tương và số liệu xuất khẩu khô đậu tương tháng 11 tăng mạnh. Giá dầu đậu tương cũng tăng 1,19% lên 39,19 cents/pound.
Hợp đồng ngô đóng cửa phiên vẫn chỉ dao động ở mức độ nhẹ. Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 3/4 US cent lên 424,75 cents/bushel. Việc Tổng thống Joe Biden chính thức đắc cử sẽ hỗ trợ giá ngô trong dài hạn, bởi chính sách Đảng Dân chủ của ông thiên về việc sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có ethanol.
Giá lúa mỳ kỳ hạn tháng 3/2021 tăng nhẹ 0,54% lên 599,75 cents/bushel. Khi Nga chính thức công bố mức thuế và hạn ngạch xuất khẩu cho giai đoạn 15/2 – 30/6/2021, đã gây ra lo ngại sẽ thiếu hụt nguồn cung lúa mỳ trong thời gian tới.
Chỉ có cà phê và cacao trong nhóm nguyên liệu là hai mặt hàng giá giảm trong phiên hôm qua
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE US giảm 1,19% xuống 1,2465 USD/lb, giảm từ mức cao nhất 3 tháng trong đầu phiên giao dịch. Đồng thời, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn London giảm 0,3% xuống 1.372 USD/tấn.
Thời tiết tại Minas Gerais – Brazil, dự báo sẽ có nhiều mưa trở lại vài trong ngày tới là yếu tố gây sức ép chính lên giá Arabica.
Rabobank dự kiến sản lượng cà phê tại Brazil sẽ giảm 15% trong năm tới xuống 57,4 triệu bao (60 kg). Điều này sẽ khiến sản lượng toàn cầu niên vụ 2021/22 thấp hơn so với nhu cầu.
Hợp đồng cacao kỳ hạn tháng 3/2021 giảm mạnh 1,85% xuống mức 2541 USD/tấn, do thời tiết thuận lợi tại Bờ Biển Ngà hỗ trợ tích cực cho mùa vụ cacao năm nay.
Giá đường thô tăng lần đầu tiên trong 4 phiên, do dự báo sản lượng đường Brazil trong niên vụ tới sẽ giảm. Đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE US tăng 0,64% lên 14,21 cent/lb.
Giá cao su RSS3 trên sàn OSE đóng cửa tăng mạnh 1,96% lên 244,2 JPY/kg. Phiên tăng phiên thứ 2 liên tiếp, sau cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế Nhật Bản, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch virus corona sẽ giảm thấp hơn so với dự báo trước đó.
Hợp đồng bông tháng 3/2021 tiếp tục tăng 1,23% lên mức 75,59 cent/pound cũng do tâm lý kỳ vọng của thị trường về việc vaccine sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ bông tăng mạnh.
Theo dõi thêm các tin tức nổi bật về thị trường hàng hóa phái sinh tại chuyên mục: Tin tức Thị trường.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ (84) 024.3552.7979
? FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? STK Vietcombank : 0611001975177 Chi nhánh Ba Đình
? STK BIDV: 21610000479888 Chi nhánh Đống Đa
? STK Techcombank: 19134664939018 phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt.