Sàn giao dịch chứng khoán Rosario (BCR) đã dự đoán trong một báo cáo rằng các lô hàng xuất khẩu khô đậu tương của Argentina có thể sẽ bị nước láng giềng Brazil vượt qua lần đầu tiên sau một phần tư thế kỷ trong vụ thu hoạch hiện tại.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 03/04/2023
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
> Tầm quan trọng của công cụ bảo hiểm giá
Nhà máy chế biến CIARA-CEC cho biết, các nhà máy chế biến đậu tương địa phương ở Argentina đã hoạt động với công suất thấp kỷ lục, do đợt hạn hán lịch sử ảnh hưởng đến vụ mùa chính của nước này.
Sản lượng khô đậu tương của Argentina niên vụ 2022/2023 dự kiến sẽ giảm mạnh 36% so với niên vụ trước, xuống chỉ còn 27 triệu tấn. Sản lượng bột đậu của Argentina giảm sẽ khiến quốc gia này – một cường quốc nông nghiệp toàn cầu trong nhiều thập kỷ, có mức sản xuất thấp nhất kể từ cuối những năm 1990.
BCR ước tính rằng khoảng 20 triệu tấn khô đậu tương của Argentina có thể sẽ được xuất khẩu và vẫn chiếm khoảng 29% nguồn cung toàn cầu. Sàn giao dịch này cũng dự báo xuất khẩu khô đậu của Brazil có thể sẽ đạt từ 21-23 triệu tấn.
Tuy nhiên, dữ liệu từ hiệp hội dầu thực vật công nghiệp Abiove của Brazil cho thấy doanh số bán khô đậu tương trong năm nay có thể thấp hơn một chút so với năm trước, dự kiến ở mức 20,7 triệu tấn.
Khô đậu tương giàu protein chủ yếu được sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi, nhưng nó cũng là thành phần chính trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống như đậu phụ và sữa đậu nành.
Cũng là nhà cung cấp ngô và lúa mì lớn, Argentina đã thống trị thị trường khô đậu tương trong những thập kỷ gần đây nhờ ngành công nghiệp nghiền đậu tương khổng lồ của địa phương nằm gần cả hai vùng đất nông nghiệp lớn và Sông Parana hùng vĩ, tuyến đường thủy dài thứ hai của Nam Mỹ, giúp tàu thuyền dễ dàng tiếp cận.
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Argentina, trong tháng 2/2023, nông dân Argentina đã bán ra tổng cộng 622.300 tấn đậu tương cho ngành xay xát, chỉ bằng 37% so với 1,7 triệu tấn bán ra trong cùng kỳ năm ngoái. Dự trữ đậu tương từ niên vụ 2021/22 của nước này chỉ đạt khoảng 6 triệu tấn, con số này thấp hơn bình thường mọi năm, do nhiều nhà sản xuất đã đẩy mạnh giao dịch trong nửa cuối năm 2022 nhằm hưởng những ưu đãi về thuế và thu đổi ngoại tệ từ Chính phủ.
Chủ tịch CIARA, ông Idigoras nhấn mạnh, Argentina có thể phải nhập khẩu đậu tương thô từ các nước láng giềng như Paraguay và Brazil nhằm giảm thiểu tình trạng “nhàn rỗi” của các nhà máy xay xát. Tuy nhiên, Argentina cũng chỉ có thể nhập khẩu không quá 8 triệu tấn đậu tương thô trong thời gian tới và đây là khối lượng rất nhỏ so với công suất xay xát 73 triệu tấn đậu tương/năm tại các nhà máy chế biến ở quốc gia Nam Mỹ này.
Cùng với đó, ông Idigoras cho hay ngành chế biến đậu tương cũng phải đối mặt với tình huống nan giải, đó là giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động.
Theo người đứng đầu CIARA, Hiệp hội này đang nỗ lực đối thoại với các tổ chức công đoàn liên kết với ngành chế biến nhằm đưa ra được một giải pháp tối ưu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, đây là một năm rất khó khăn đối với các doanh nghiệp trong vấn đề duy trì việc làm.
Argentina là quốc gia xuất khẩu khô đậu tương và dầu đậu tương lớn nhất thế giới. Đậu tương và các sản phẩm từ đậu tương là nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất của Argentina, chiếm tới gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này. Năm ngoái nhóm hàng này mang về cho Argentina hơn 18,5 tỷ USD.
Argentina vào ngày hôm qua (05/04) đã công bố chính sách “Đô-la đậu tương” lần thứ ba, với mức tỷ giá hối đoái ưu đãi dành cho hoạt động xuất khẩu đậu tương là 300 Peso/Dollar, cao hơn so với mức tỷ giá chính thức hiện tại là 211.2 Peso/Dollar. Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa cho biết, chính sách “Đô-la đậu tương” lần này sẽ được áp dụng từ ngày 08/04 tới ngày 31/05.
Chính sách trên được áp dụng nhằm mục đích thúc đẩy hoạt động xuất khẩu đậu tương của nông dân, đồng thời giúp làm tăng lượng dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương và góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tại Argentina.
Dữ liệu chính thức từ chính phủ Argentina cho thấy, sau hai lần áp dụng chính sách “Đô-la đậu tương” trong nửa cuối năm ngoái, lượng đậu tương còn lại từ niên vụ 21/22 tính tới cuối tháng 3 chỉ chiếm 17,5% trên tổng số 44 triệu tấn tổng sản lượng ước tính cho năm ngoái.
Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters
Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Tel: 024.3552.7979
Facebook: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g