Giá ca cao kỳ hạn tăng lên mức kỷ lục do sự thiếu hụt nguồn cung sau vụ mùa kém ở Tây Phi. Trong khi đó, nhu cầu về sô cô la đang vượt xa nguồn cung ca cao sẵn có, dẫn đến giá ca cao càng được đẩy lên cao.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 18/03/2024
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
> Tại sao phải đáo hạn hợp đồng giao dịch hàng hóa phái sinh?
Giá ca cao tăng kỷ lục khi khu vực Tây Phi mất mùa 3 năm liên tiếp
Vào thứ Hai (18/3), giá ca cao kỳ hạn tham chiếu trên Sở ICE US đã có lúc tăng lên mức kỷ lục 8.493 USD/tấn, mức cao nhất trong lịch sử. Chỉ trong một tuần, giá mặt hàng này đã tăng đến 25% và cao hơn 215% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ đầu năm đến nay, trong vòng chưa đầy 3 tháng, giá ca cao kỳ hạn tương lai đã tăng gấp đôi trong bối cảnh Lễ Phục sinh đang đến gần.
Giá ca cao kỳ hạn tháng 5/2024 trên Sở ICE US đã tăng gấp đôi từ đầu năm đến nay. Ảnh: Barchart.
Trước đây, tình trạng thiếu nguồn cung đã từng đẩy giá ca cao lên cao vào những năm 1970, với khi đó đạt mức cao nhất là 5.379 USD/tấn vào tháng 7/1977, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Tháng 3/2011, một lần nữa thị trường ca cao rơi vào khủng hoảng giá khi cuộc nội chiến ở Bờ Biển Ngà dẫn tới việc nước này ra lệnh cấm xuất khẩu ca cao, đẩy giá lên cao kỷ lục lịch sử tính đến thời điểm đó.
Thị trường ca cao đang trong tình trạng hoảng loạn vì các nước sản xuất ca cao chính – Bờ Biển Ngà và Ghana – đã trải qua mùa thu hoạch kém trong 3 năm liên tiếp, nguyên nhân chủ yếu là do bệnh ảnh hưởng đến cây ca cao.
Hiện 2 quốc gia này đang ở giữa vụ thu hoạch tồi tệ nhất trong nhiều năm, với lượng thu hoạch ở Bờ Biển Ngà ước tính giảm hơn 28% so với mùa trước.
4 quốc gia Tây Phi bao gồm: Bờ Biển Ngà, Ghana, Cameroon và Nigeria sản xuất gần 75% nguồn cung ca cao trên toàn cầu, theo chuyên gia hàng hóa Javier Blas của Bloomberg Opinion. Reuters lưu ý chỉ riêng Bờ Biển Ngà đã sản xuất gần một nửa lượng ca cao cung ứng trên thế giới.
Do thời tiết xấu, bệnh trên cây và thiếu đầu tư vào cây mới kéo dài hàng thập kỷ, vụ thu hoạch ca cao gần đây của khu vực này rất tồi tệ, dẫn đến chênh lệch cung và cầu ngày càng lớn.
Ngành công nghiệp sô cô la bên bờ khủng hoảng
Về nhu cầu, vì sô cô la đã chuyển từ một mặt hàng xa xỉ thành một thứ bạn có thể dễ dàng mua ở bất kỳ đâu, nên nhu cầu toàn cầu đã tăng gấp đôi trong ba thập kỷ qua.
Một số nhà máy ca cao ở Bờ Biển Ngà và Ghana đã ngừng hoặc cắt giảm chế biến vì không đủ tiền mua ca cao nguyên liệu. Các nhà sản xuất sô cô la không thể sản xuất sô cô la bằng ca cao thô và phải dựa vào các nhà chế biến để biến hạt thành bơ và rượu có thể làm thành sô cô la.
Điều này đã dẫn đến mối lo ngại về nguồn cung ca cao sẵn có. Các đại lý trên thị trường ca cao ngày càng lo lắng về giá cả và về việc liệu có đủ ca cao đáp ứng nhu cầu trên khắp thế giới hay không.
Theo Tổ chức Ca cao Quốc tế, thị trường ca cao sẽ thiếu 374.000 tấn trong mùa này, tăng so với mức thiếu hụt 74.000 tấn trong mùa trước. ICCO dự báo tồn trữ ca cao toàn cầu cuối niên vụ 2023/24 sẽ giảm xuống 1,395 triệu tấn, tương đương 29,2% khối lượng ca cao xay nghiền, là mức thấp nhất trong 45 năm qua.
Trong khi đó, giá ca cao tăng đột biến đã khiến các nhà chế biến ca cao lớn ở châu Phi – họ sử dụng ca cao thô và biến nó thành thứ có thể sử dụng được cho các công ty sô cô la – phải cắt giảm sản lượng vì họ không còn đủ tiền mua hạt, trong khi các nhà sản xuất thường phải mua hạt ca cao trước nhiều tháng.
Tham khảo: Morningbrew/CafeF
Xem thêm các thông tin hỗ trợ giao dịch tại chuyên mục: Tin tức thị trường và Phân tích đầu tư
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Tel: 024.3552.7979
Facebook: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g