Giá dầu thô Brent vượt mức 90 USD/thùng lần đầu tiên sau 7 năm, được hỗ trợ bởi nguồn cung hạn hẹp và căng thẳng địa chính trị, bất chấp tồn kho tăng. Đà tăng của giá dầu sẽ chưa dừng lại sớm.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Giao dịch Spread với mức ký quỹ thấp chưa từng có
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 21/01/2022
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/01, giá dầu thô Brent tiếp đà tăng 1,79% lên 88,74 USD/thùng, trong phiên có lúc vượt ngưỡng 90 USD lần đầu tiên kể từ tháng 10/2014; dầu WTI cũng tăng 2,04% lên 87,35 USD/thùng. Tính từ đầu tháng 1/2022 đến nay, giá dầu đã tăng gần 20%.
Dầu thô có lúc giảm điểm trong phiên sáng do lực bán chốt lời do tâm lý lo ngại trước khi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED diễn ra. Tuy nhiên, giá nhanh chóng tăng trở lại do căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Nga, đẩy giá Brent trong phiên vượt mức 90 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn 7 năm.
Nguy cơ Mỹ áp các lệnh trừng phạt đối với Nga – một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất trên thế giới làm dấy lên lo sợ về sự gián đoạn nguồn cung tại Đông Âu. Thêm vào đó là lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông trong khi thiếu cơ sở hạ tầng sản xuất dầu ở nhiều nước trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết không loại trừ khả năng áp đặt các lệnh trừng phạt cá nhân lên Tổng thống Nga Putin trong trường hợp Nga tấn công Ukraine. Để đáp trả, giới chức Nga cho biết đây là ý tưởng ngang với việc cắt đứt quan hệ giữa 2 bên, đồng thời cảnh báo Biden có thể đối mặt với các biện pháp cứng rắn hơn.
Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken trấn an Mỹ sẽ đảm bảo nguồn cung năng lượng toàn cầu không bị gián đoạn nếu Nga thực hiện tấn công Ukraine.
Tại Trung Đông, UAE cho biết đã đánh chặn 2 tên lửa đạn đạo nhắm vào Abu Dhabi. Đây là đợt tấn công tên lửa mới nhất sau cuộc tấn công vào tuần trước khiến 3 người thiệt mạng và 6 người bị thương, làm leo thang căng thẳng trên khắp khu vực Vùng Vịnh.
Những rủi ro địa chính trị đã bổ sung lo lắng về một thị trường năng lượng vốn đã khan hiếm, nguy cơ gây thiếu hụt trong vài tháng tới. Các thành viên OPEC+ đang rất khó khăn trong việc đáp ứng các mục tiêu sản xuất hàng tháng khi khôi phục nguồn cung cho các thị trường sau khi cắt giảm mạnh vào năm 2020. Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ hàng ngày hiện thấp hơn trên 1 triệu thùng so với lúc sản lượng cao kỷ lục.
Trái so với dự đoán sẽ sụt giảm vừa phải của thị trường, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 2,4 triệu thùng trong tuần trước, tồn trữ xăng tăng lên mức cao nhất trong gần một năm. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn mạnh. OPEC+ sẽ có cuộc họp nhóm vào ngày 2/2 để xem xét chính sách tăng sản lượng.
Ngân hàng Barclays lưu ý rằng bên cạnh yếu tố địa chính trị, các yếu tố cơ bản đang thúc đẩy đà tăng của giá dầu, do đó xu hướng giá tăng sẽ chưa sớm dừng lại. Ngân hàng này đã nâng dự báo giá dầu trung bình thêm 5 USD/thùng cho năm nay, với lý do công suất dự phòng bị thu hẹp và rủi ro chính trị gia tăng. Động thái này theo sau một quyết định tương tự của ngân hàng Morgan Stanley vào tuần trước, khi họ dự kiến giá dầu sẽ đạt 100 USD/thùng vào quý III/2022.
Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: 024.3552.7979
? FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g