Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/09, hầu hết giá các mặt hàng nông sản trên sở CBOT đều tăng lên.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Giao dịch Spread với mức ký quỹ thấp chưa từng có
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 20/09/2021
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
Yếu tố nguồn cung thắt chặt tiếp tục hỗ trợ cho giá lúa mì tăng
Lúa mì là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất trong nhóm nông sản. Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/09, hợp đồng lúa mì Chicago tăng 1,7% lên mức 717,75 cents/bushel, đồng thời, lúa mì Kansas tăng 1,9% lên 720 cents/bushel.
Lo ngại về vấn đề nguồn cung trên toàn cầu và sự suy yếu của đồng USD là yếu tố chính hỗ trợ đà tăng cho mặt hàng này. 38% diện tích gieo trồng lúa mì đang nằm trong vùng khô hạn, tăng từ mức 33% trong báo cáo trước. Hạn hán nghiêm trọng cản trở hoạt động gieo trồng lúa mì là thông tin đã hỗ trợ đà tăng cho mặt hàng này.
Nhu cầu ép dầu đậu tương có nguy cơ sẽ giảm mạnh
Giá đậu tương chỉ tăng nhẹ nhưng diễn biến giật xuống vào đầu phiên tối và nhanh chóng hồi phục lại đáng chú ý. Sự hồi phục của giá cho thấy mặt hàng này đang trở lại mức giá phản ánh đúng cung – cầu hiện tại. Đóng cửa phiên, hợp đồng đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 0,12% lên 1284,25 cents/bushel.
Số liệu bán hàng đậu tương giảm xuống trong báo cáo Export Sales đã tạo áp lực lên giá vào thời điểm công bố. Tuy nhiên, các vấn đề về thời tiết khô hạn và vận chuyển phân bón bị trì hoãn ở Brazil đã đẩy giá tăng trở lại.
Nhu cầu ép dầu đậu tương đang có nguy cơ sẽ giảm mạnh khi gần đây 1 số nước đang ban hành chính sách giảm hoặc ngừng sử dụng dầu thực vật trong nhiên liệu sinh học. Bộ trưởng Môi trường Đức vừa qua đã thông báo rằng nước này sẽ chấm dứt việc sử dụng dầu cọ để sản xuất nhiên liệu sinh học kể từ năm 2023 vì ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
Thông tin này cho thấy nỗ lực của khối EU trong việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu sử dụng dầu cọ trong nguyên liệu sinh học và có thể là khởi đầu cho các quốc gia khác trong nhóm. Điều này sẽ tạo tác động lên nhu cầu sử dụng dầu thực vật, từ đó kéo theo áp lực lên giá đậu tương.
Dầu đậu tương có mức tăng khá mạnh nhờ ảnh hưởng tích cực từ thị trường dầu thô. Hợp đồng dầu đậu tháng 12 tăng 1,19% lên 57,02 cents/pound. Trong khi đó, khô đậu tương vẫn duy trì trong khoảng giao dịch đi ngang 339 – 343 khi chưa có thông tin cơ bản mới ảnh hưởng trực tiếp tới giá.
Dự báo sản lượng ngô tăng thêm
Giá ngô tiếp tục duy trì được đà tăng trong phiên hôm qua với mức tăng nhẹ 0,71% lên 529,25 cents/bushel. Bán hàng ngô niên vụ 21/22 của Mỹ tuần vừa qua đã hồi phục nhẹ trong khi giao hàng tăng mạnh đã giúp giá tăng trở lại tại vùng hỗ trợ 520.
Tuy nhiên, đà tăng của giá ngô và đậu tương bị hạn chế bởi nguồn cung đang tăng từ vụ thu hoạch của Mỹ. Nông dân sẽ đạt được tiến độ vụ thu hoạch nhanh chóng trong bối cảnh dự báo khô hạn trên khắp vùng Midwest và Delta trong 10 ngày tới.
Ủy ban Ngũ cốc thế giới (IGC) nâng dự báo sản lượng ngô toàn cầu trong niên vụ 21/22 thêm 7 triệu tấn lên mức kỷ lục 1.029 tỷ tấn. IGC cũng dự báo ngô Mỹ niên vụ 21/22 sẽ đạt 380,3 triệu tấn, tăng 5,6 triệu tấn so với dự báo trước đó. Sản lượng Ukaine trong niên vụ 21/22 cũng tích cực khi được dự báo tăng lên đạt tổng cộng 38,5 triệu tấn.
Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: 024.3552.7979
? FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g