Đi lên từ nông nghiệp, nền kinh tế thị trường hàng hóa Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc. Nước ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, bắt đầu có tích lũy, dư thừa.
[Có thể bạn nên đọc]
- Phái sinh hàng hóa: Lựa chọn đầu tư tiềm năng
- Các khái niệm cần biết khi giao dịch hàng hóa phái sinh
- Sức hút từ thị trường năng lượng ở Việt Nam
Kinh tế hàng hóa là gì?
Kinh tế hàng hóa là mô hình kinh tế, trong đó hầu hết các quan hệ kinh tế được thực hiện trên thị trường dưới hình thái hàng hóa và dịch vụ, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Điều kiện ra đời của kinh tế hàng hóa
Kinh tế hàng hóa ra đời và tồn tại dưới nhiều hình thức kinh tế – xã hội gắn liền với hai điều kiện, cụ thể:
Một là, sự phân công lao động xã hội:
Phân công lao động và xã hội là sự chuyên môn hóa sản xuất, mỗi người chỉ sản xuất một hay một số loại sản phẩm. Nếu nhu cầu cuộc sống đòi hỏi phải có nhiều sản phẩm, người sản xuất phải trao đổi sản phẩm cho nhau.
Hai là, có sự tách biệt tương đối về mặt kinh tế giữa người sản xuất:
Sự tách biệt này do các quan hệ sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất, mà khởi đầu là chế độ tư hữu nhỏ đã xác định người sản xuất là người sở hữu sản phẩm lao động. C.Mac cũng nhận định: “Chỉ có sản phẩm của những lao động tư nhân độc lập và không phụ thuộc vào nhau mới đối diện với nhau như là những hàng hóa”.
Như vậy, phân công lao động xã hội làm người sản xuất phụ thuộc vào nhau, còn chế độ tư hữu lại chia rẽ làm họ độc lập với nhau. Đây là một mâu thuẫn lớn, chỉ có thể giải quyết thông qua việc trao đổi, mua bán sản phẩm với nhau.
Đặc trưng và ưu thế của nền kinh tế thị trường hàng hóa
1. Đặc trưng của nền kinh tế thị trường hàng hóa:
Trong nền kinh tế thị trường hàng hóa, chủ tư liệu sản xuất có quyền quyết định có sử dụng tư liệu sản xuất và những sản phẩm mà họ sản xuất ra. Như vậy, người sản xuất muốn sử dụng sản phẩm khác của người sản xuất khác thì họ buộc phải trao đổi sản phẩm lao động với nhau. Lúc này, sản phẩm lao động sẽ trở thành hàng hóa.
Khi sản phẩm lao động trở thành hàng hóa, người sản xuất trở thành người sản xuất hàng hóa, lao động của người sản xuất hàng hóa vừa mang tính chất xã hội vừa mang tính tư nhân, cá biệt.
Tính chất xã hội được thể hiện ở chỗ phân công lao động xã hội nên các sản phẩm lao động của người này lại cần thiết với người khác và xã hội. Còn tính chất tư nhân, cá biệt thể hiện ở chỗ sản xuất ra cái gì, công cụ nào, phân phối cho ai là công việc của chủ sở hữu tư liệu sản xuất. Tính chất xã hội chỉ được thừa nhận khi họ tìm người mua trên thị trường và bán được hàng hóa do họ sản xuất ra.
Do đó, lao động của người sản xuất hàng hóa bao gồm sự thống nhất giữa hai mặt là tính chất xã hội và tính chất tư nhân, cá biệt. Mâu thuẫn giữa hai tính chất này là mâu thuẫn cơ bản của sản xuất hàng hóa.
2. Ưu thế của nền kinh tế thị trường hàng hóa:
– Thúc đẩy lực lượng sản xuất hàng hóa phát triển.
– Kích thích tính năng động của chủ thể hàng hóa.
– Mở rộng giao lưu kinh tế, làm xã hội hóa nền kinh tế.
Trên đây là một số nội dung cơ bản về điều kiện ra đời, đặc trưng và ưu thế nền kinh tế thị trường hàng hóa hiện nay. Hy vọng đã mang lại nhiều nguồn thông tin hữu ích cho quý bạn đọc. Để tham khảo các bản tin khác, đừng quên truy cập FINVEST nhận thông báo mỗi ngày nhé!