TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC MXV, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Thị trường hàng hóa giao dịch sôi động trong tháng đầu tiên của năm 2024

Thị trường hàng hóa giao dịch sôi động trong tháng đầu tiên của năm 2024

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá trị giao dịch toàn Sở trong tháng 1/2024 trung bình đạt trên 4.800 tỷ đồng mỗi ngày, cao hơn 37,2% so với mức trung bình của cùng kỳ năm trước. Giá hàng hóa có những biến động lớn và liên tục, tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 02/02/2024

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Cách sử dụng các loại lệnh trong giao dịch hàng hóa

 

Trong tháng 1/2024, có những ngày giá trị giao dịch toàn Sở MXV vượt mốc 6.000 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư vẫn khá ổn định trước dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán. 

Tháng 1/2024, giá cả thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đã phản ứng tức thì trong ngắn hạn với diễn biến xung đột địa chính trị tại khu vực Biển Đỏ. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của các quốc gia tiêu thụ lớn cùng triển vọng mùa vụ ở các thị trường nguồn cung cũng tác động mạnh lên diễn biến giá cả hàng hóa.

Mặt hàng rất quan trọng đối với nền kinh tế là dầu thô vừa đứt chuỗi giảm ba tháng liên tiếp khi tăng khoảng 7% trong tháng 1. Hiện giá cà phê Robusta cũng chạm mức cao nhất trong vòng 30 năm khi tăng khoảng 27,3% so với tháng trước.

Chia sẻ với VOV Giao thông, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc MXV nhận định thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đã khởi đầu một năm mới khá tích cực: “Giá vẫn có những biến động lớn và liên tục, đúng với tính chất của thị trường quy mô thế giới và tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Trong tháng 1, nhóm năng lượng vẫn có giá trị giao dịch ổn định qua từng phiên giao dịch, bởi giá dầu có những diễn biến chậm nhưng xu hướng khá rõ ràng và chắc chắn. Nhóm kim loại cũng bắt đầu thu hút nhiều dòng tiền đầu tư hơn, đặc biệt là các mặt hàng trọng tâm như bạch kim, đồng”.

Cũng trong tháng 1 vừa qua, chỉ số đo lường biến động giá cả hàng hóa MXV-Index đạt trung bình 2.115 điểm, thấp hơn so với mức 2.400 điểm của tháng 1/2023. Trong số 4 nhóm mặt hàng đang giao dịch tại MXV, ngoại trừ nguyên liệu công nghiệp, các nhóm khác là nông sản, kim loại và năng lượng đều giảm giá.

Đáng chú ý, trong 10 ngày cuối tháng 1, chỉ số MXV-Index nhóm nguyên liệu công nghiệp đã tăng lên mức hơn 2.130 điểm, cao hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái do giá nhiều mặt hàng như cà phê, đường neo ở các mức đỉnh lịch sử.

Lý giải nguyên nhân dòng tiền đầu tư trong nước có xu hướng gia tăng tích cực trong giai đoạn tháng đầu năm nay, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Hữu Nghị, Thành viên kinh doanh của MXV cho biết: “Nhìn chung, hiệu quả giao dịch của thị trường vẫn đang theo chiều hướng đi lên. Trong tháng 1, do xu hướng giá hàng hóa khá ổn định, nên các nhà đầu tư theo trường phái giao dịch ngắn hạn sẽ có hiệu quả tốt hơn. Trong các nhóm mặt hàng, thì nhóm năng lượng vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là mặt hàng dầu thô. Giá dầu cũng có các thông tin rất rõ ràng trong thời gian vừa qua, xu hướng tăng trong tháng 1 cũng được dự báo từ trước”.

Trước việc giá cả thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới phản ứng tức thì trong ngắn hạn với diễn biến xung đột địa chính trị khu vực biển Đỏ, các nhà đầu tư cá nhân cũng đang theo sát các sự kiện đó bởi nó có thể tác động lên giá cả hàng hóa, cụ thể là giá dầu.

Còn với nhóm nông sản, anh Đào Đức Anh – nhà đầu tư cá nhân tại Hà Nội cho rằng đây là nhóm hàng cũng thu hút anh bởi lý do: “Đây đang là giai đoạn tập trung vào các mùa vụ ngô, đậu tương tại Nam Mỹ nên thời tiết sẽ là yếu tố có tác động quyết định đến giá. Tôi cho rằng các nhà đầu tư theo trường phái trung và dài hạn sẽ có lợi thế hơn trên thị trường nông sản trong giai đoạn này. Bởi nông sản có tính chu kỳ và mùa vụ khá rõ ràng, dù có thể rung lắc trong một vài phiên với biên độ lớn, nhưng đây vẫn là những mặt hàng có biên độ giao dịch trong ngày, và có các yếu tố cung – cầu rõ ràng hơn so với các loại hàng hóa khác”.

Nhận định thêm về giá dầu, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Hữu Nghị dự báo: “Tôi cho rằng trong tháng 2 và cả quý I, dầu thô vẫn sẽ thu hút nhiều dòng tiền nhất trên thị trường. Các biến số về kinh tế vĩ mô với các số liệu chốt tăng trưởng tại Mỹ, châu Âu; cùng với tiến trình tăng lãi suất của các Ngân hàng trung ương lớn, sẽ vẽ nên bức tranh rõ nét hơn về kinh tế thế giới trong năm 2024, và chắc chắn đây sẽ là yếu tố tác động mạnh đến giá dầu”.

Thời gian tới, kịch bản “hạ cánh mềm” của Mỹ, hay việc Châu Âu có suy thoái hay không nhiều khả năng sẽ rõ ràng hơn trong quý II, và khi đó xu hướng giá cả hàng hóa có thể sẽ rõ nét hơn. Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc MXV dự báo: “Trong thời gian tới, tôi cho rằng thị trường sẽ còn nhiều biến số khó lường và các yếu tố cung cầu sẽ có tác động nhiều hơn tới giá hàng hóa. Đặc biệt, các nhà đầu tư cần theo dõi các thông báo về nộp rút tiền từ Sở và các Thành viên; cũng như cần đảm bảo tỉ lệ ký quỹ ở mức an toàn trong dịp Tết Nguyên đán này để hoạt động giao dịch diễn ra hiệu quả”.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần theo dõi thêm các sự kiện từ điểm nóng từ các cuộc xung đột Biển Đỏ, Trung Đông, hay Nga – Ukraine, và quan trọng nhất là bức tranh tăng trưởng tại các nền kinh tế tiêu thụ hàng hóa lớn để có thể dự báo chuẩn xác hơn về xu hướng giá hàng hóa trong thời gian tới.

Theo VOV/MXV

Xem thêm các thông tin hỗ trợ giao dịch tại chuyên mục: Tin tức thị trường và Phân tích đầu tư

Bài viết liên quan

Trả lời