TIN NỔI BẬT, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

USD mạnh lên nhấn chìm toàn bộ thị trường hàng hóa vào sắc đỏ

USD mạnh lên nhấn chìm toàn bộ thị trường hàng hóa vào sắc đỏ

Thị trường hàng hóa chìm trong sắc đỏ khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/08 khi triển vọng kinh tế thế giới tiếp tục suy yếu. Biến thể virus Delta làm số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu không ngừng gia tăng, cùng với sự mạnh lên của đồng USD gây áp lực lên thị trường hàng hóa.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Giao dịch Spread – loại hình đầu tư hạn chế rủi ro

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 19/08/2021

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

USD mạnh lên nhấn chìm toàn bộ thị trường hàng hóa vào sắc đỏ
Dầu có chuỗi ngày giảm giá dài nhất 18 tháng

Kết thúc phiên hôm qua, giá dầu Brent giảm mạnh 2,61% xuống 66,45 USD/thùng, trong phiên có lúc giá xuống dưới 65,75 USD; dầu thô WTI cũng giảm 2,62% còn 63,50 USD/thùng, sau khi có lúc chạm 62,41 USD – là mức thấp nhất kể từ ngày 21/05. Đây là phiên lao dốc thứ 6 liên tiếp của cả 2 loại dầu – chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 2/2020.

Khởi đầu năm 2021 giá “vàng đen” đã không ngừng tăng trong 6 tháng đầu năm, nhưng đã mất khoảng 15% chỉ từ đầu tháng 7 tới nay.

Làn sóng lây nhiễm virus COVID-19 gần đây trên toàn thế giới đã ảnh hưởng đến hoạt động du lịch toàn cầu và đe dọa làm trì trệ hoạt động kinh tế, trong khi các nhà sản xuất dầu lớn đang sẵn sàng gia tăng nguồn cung. Tại Mỹ, tỷ lệ tử vong liên tục tăng trong những ngày gần đây ở các bang có số người tiêm chủng vaccine thấp.

Có nhiều yếu tố đang gây bất lợi cho giá dầu, như xu hướng giảm các khoản kích thích khổng lồ, cuộc tiếp quản hỗn loạn của Taliban ở Afghanistan nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng di cư khác, cộng với những lo lắng về sự lây lan liên tục của virus khiến nhà đầu tư lảng tránh tài sản rủi ro và tìm đến với USD, gây bất lợi cho giá dầu.

Thêm vào đó, đồng USD đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt khiến dầu quy đổi ra USD trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.

Trong khi đó, dữ liệu cho thấy tồn trữ xăng của Mỹ tuần trước bất ngờ tăng, làm gia tăng lo ngại về thực trạng nhu cầu nhiên liệu vào thời điểm nhu cầu thường đạt mức cao điểm – mùa Hè ở bán cầu Bắc.

Giá xăng RBOB hôm qua giảm rất mạnh 3,16% còn 1.9525 USD/gallon.

Giá dầu lao dốc trong chuỗi ngày giảm giá dài nhất 18 tháng - Ảnh 1.

Kim loại lao dốc khi USD mạnh lên

Thị trường kim loại cũng đồng loạt lao dốc khi chỉ số Dollar Index tăng mạnh lên 93,5 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 11/2020.

Đóng cửa phiên, giá bạc giảm 0,82% còn 23,23 USD/ounce, giá bạch kim giảm mạnh 2,5% còn 971,2 USD/ounce.

Dữ liệu cho thấy số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần này tiếp tục giảm mạnh so với dự báo của giới chuyên gia còn 348,000 đơn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Tín hiệu cho sự phục hồi mạnh mẽ và ổn định của thị trường lao động Mỹ có thể khiến FED sớm thu hẹp chương trình mua tài sản hàng tháng ngay trong năm nay và làm tăng giá trị của đồng USD.

Thị trường kim loại quý hiện sẽ tiếp tục tập trung vào cuộc họp thường niên vào ngày 26-28/08 ở Jackson Hole, Wyoming của các lãnh đạo ngân hàng trung ương. 

Ở thị trường kim loại cơ bản, ngoài sức ép đến từ đồng bạc xanh, giá cả hai mặt hàng kim loại cơ bản đều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ phía Trung Quốc. Biến thể Delta lây lan mạnh mẽ khiến cho các hoạt động sản xuất công nghiệp ở nước này rơi vào trạng thái đình trệ, nhu cầu tiêu thụ Đồng và Quặng sắt theo đó cũng sụt giảm. Bên cạnh đó, các động thái của Bắc kinh trong việc kiểm soát giá cả hàng hóa và thực hiện chiến dịch “Olympic xanh” cũng góp phần khiến cho giá Quặng sắt hứng chịu đợt sụt giảm mạnh nhất trong thời gian gần đây.

Giá đồng giao dịch tại sàn COMEX tiếp tục suy yếu 1,92% về 4,0410 USD/pound, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London (LME) giảm 1,6% xuống 8.901 USD/tấn, trong phiên có lúc giá xuống chỉ 8.740 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 01/04.

Nhà phân tích Tom Price của Liberum cho biết: “Chính phủ Trung Quốc quyết tâm làm chậm tốc độ tăng trưởng – tăng trưởng của nước này đã chậm dần lại kể từ tháng 3 – trong khi virus Covid-19 lây lan nhanh chóng và các quan chức Fed xem xét giảm mua trái phiếu. Những điều này đang làm tổn hại đến thị trường hàng hóa”.

Giá quặng sắt Singapore giảm rất mạnh 12,44% về 130,6 USD/tấn khi Trung Quốc mạnh tay siết chặt sản xuất và xuất khẩu thép, tiêu thụ chậm, khi rủi ro gia tăng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khả năng Mỹ sắp cắt giảm kích thích kinh tế.

Toàn bộ nhóm nguyên liệu công nghiệp cũng giảm giá

Sắc đỏ quay trở lại với thị trường cà phê khi giá Arabica giảm 0,85% còn 181,3 cents/pound, giá Robusta đồng thời giảm 0,75% còn 1863 USD/tấn. Đồng USD tăng mạnh đã gây sức ép lên toàn bộ thị trường hàng hóa và cà phê cũng không tránh khỏi áp lực bán mạnh. Bên cạnh đó, theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Nhiệt đới Brazil (TRS), đợt băng giá vừa qua không nghiêm trọng như những dự đoán trước đó với khoảng 2,7 triệu bao trong tổng số 68 triệu bao được thu hoạch vào năm sau, tương đương với mức tổn thất 3,9%. Đây là ước tính thiệt hại thấp nhất so với dự báo trước đó là 4,5 triệu bao của công ty xuất khẩu Guaxupe và con số 20% sản lượng của vùng Minas Gerais từ công ty xuất khẩu Comexim. Do đó, giá cà phê vốn được hỗ trợ yếu ớt, nay chỉ cần một yếu tố tiêu cực là đồng USD tăng giá cũng có thể khiến cho cả hai mặt hàng đều chịu áp lực bán và quay đầu giảm.

Giá cao su giao dịch tại Nhật Bản giảm sau khi hãng sản xuất ô tô Toyota thông báo kế hoạch giảm sản lượng ở các cơ sở trên toàn cầu do sự thiếu hụt chip nghiêm trọng. Kết thúc phiên, cao su RSS3 trên sàn OSE giảm 1,81% còn xuống 222,9 JPY/kg.

Giá đường cũng giảm trong phiên vừa qua do nhà đầu tư bán tháo hàng hóa trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu yếu kém và gia tăng lo ngại về số ca nhiễm COVID-19. Hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 1,88%, xuống 19,79 cents/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm gần 2%, xuống  494,5 USD/tấn.

Bên cạnh đó, sự giảm mạnh của giá dầu cũng là một yếu tố quan trọng tác động giảm tới giá đường, bởi mía ngoài việc được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất đường còn dùng sản xuất ethanol – nhiên liệu sinh học.

Giá nông sản cũng chịu áp lực bởi sự gia tăng của USD

Giá ngô và đậu tương Mỹ giảm khoảng 2,5% trong phiên vừa qua do ảnh hưởng từ sự giảm giá của các mặt hàng dầu thô và kim loại bởi lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Theo đó, đậu tương nối dài chuỗi 3 phiên giảm liên tục với giá đóng cửa thấp hơn 2,46%, về mức 1320 cents/bushel – thấp nhất trong vòng 3 tuần qua. Dự báo thời tiết được cải thiện ở khu vực Midwest có thể giúp cải thiện triển vọng sản lượng, đặc biệt là đối với đậu tương cũng là yếu tố gây áp lực lên giá. Số liệu bán hàng niên vụ 21/22 và giao hàng trong tuần qua đều tăng mạnh nhưng đã nằm trong khoảng dự đoán của thị trường nên đem lại hỗ trợ không đáng kể.

Dầu đậu tương tiếp tục giảm mạnh 2,54% còn 59,92 cents/bushel do chịu áp lực từ sự suy yếu của giá dầu cọ và thị trường dầu thô. Giá khô đậu cũng giảm 1,86% còn 353.5 USD/tấn Mỹ trước sức ép từ xu hướng giảm chung của thị trường.

Giá ngô đóng cửa với mức giảm 2,52% quay về 550,75 cents/bushel – vùng nền tích luỹ từ cuối tháng 7. Kết quả ngày thứ 3 của cuộc khảo sát mùa vụ hàng năm – Crop Tour 2021 do Tạp chí Pro Farmer Journal tổ chức cho thấy năng suất ngô ở 2 bang có sản lượng chiếm gần 1/3 nguồn cung ở Mỹ đều tăng lên so với Crop Tour năm ngoái là thông tin tạo đe dọa đến giá.

Lúa mì cũng giảm theo giá ngô và đậu tương, lùi xa khỏi mức giá tăng cao hồi tuần trước. Lúa mì Chicago giảm 1,34% còn 742,75 cents/bushel do áp lực cạnh tranh trên thị trường thế giới khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng qua. Tuy nhiên, sản lượng lúa mì trong năm 2021 của Kazakhstan dự báo thấp hơn 18% so với năm 2020 và thấp hơn 12,5 triệu tấn so với dự báo của USDA do năng suất sụt giảm là thông tin hỗ trợ giúp lực mua tăng trở lại vào cuối phiên hôm qua.

Khi đồng USD mạnh lên càng gây áp lực giảm giá cho các nông sản, bởi điều này khiến ngũ cốc Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới.

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: 024.3552.7979
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g

Bài viết liên quan

Trả lời