Trong khi tại một số nước, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang diễn ra phức tạp khiến cho việc xuất và nhập khẩu bị ảnh hưởng lớn, thậm chí có lúc bị ngưng trệ. Thì Việt Nam hiện đã kiểm soát tốt, thị trường trong nước đang có những “khoảng trống” để doanh nghiệp phát triển. Vậy cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp mở rộng thị trường hàng hóa trong nước là gì?
Cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp mở rộng thị trường hàng hóa trong nước là gì?
Niềm tin dùng hàng Việt sau dịch
Theo Tổng Cục Thống kê, quý 1/2020 có GDP tăng thấp, các hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra kém sôi động…Tuy nhiên, doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn ghi nhận tăng 7,7% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng giảm nhưng thị trường nội địa vẫn rất tiềm năng.
Các chuyên gia cho rằng, không thể phủ nhận những giá trị kinh tế to lớn từ hoạt động xuất khẩu mang lại. Song trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chúng ta quá tập trung nhiều vào thị trường xuất khẩu sẽ dẫn đến những rủi ro khi xảy ra những biến động như đại dịch COVID-19.
Mặc dù nguồn cung bị hạn chế, đây là cơ hội “vàng” cho các doanh nghiệp trong nước khẳng định được tên tuổi và chất lượng sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường nội địa với gần 100 triệu dân.
Bứt phá từ thị trường nội địa
Nhiều chuyên gia đánh giá, thị trường nội địa với quy mô dân số 97 triệu người, trong đó có 60% là dân số trẻ ở độ tuổi 18-50. Dự báo mức chi tiêu của các hộ gia đình tăng trung bình khoảng 10%/năm và sẽ lên mức 714 USD/ tháng vào năm 2020.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị, 1 trung tâm thương mại, cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình, còn 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi.
Cùng với nhiều lợi thế khác về nguồn hàng, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng…đây là thị trường đầy hấp dẫn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phân phối Việt Nam ngày càng mở rộng và nâng cao thị phần.
Giải pháp để các doanh nghiệp chinh phục thị trường hàng hóa trong nước là gì?
Theo nhiều chuyên gia đánh giá, người tiêu dùng Việt hiện có nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, và tiện dụng. Ngoài ra, giá cả cũng là vấn đề được nhiều người cân nhắc có mua sản phẩm hay không. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm cách để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhưng giá thành lại phải hợp lý phù hợp với từng nhóm khách hàng khác nhau.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, các doanh nghiệp trong nước cần khẳng định được vị thế, chất lượng hàng hóa, giá cả cạnh tranh để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng thực phẩm.
Đại diện Trung tâm Phát triển Nguồn Nhân lực (Hội DNNVV) – bà Nguyễn Thị Thanh Bình cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp Việt đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nước ngoài kể cả xuất khẩu và nhập khẩu.
Ngoài sự cố gắng từ các doanh nghiệp, Chính phủ đã kích cầu sản xuất và tiêu thụ trong nước hay các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như giảm lãi vay, cho vay ưu đãi, giảm thuế thu nhập…là điểm nhấn quan trọng để các doanh nghiệp chinh phục thị trường nội địa.
“Trước đây chúng ta có khẩu hiệu Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thì bây giờ chúng ta có thể có động thái tương tự như doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên phục vụ thị trường Việt Nam hay ưu tiên sử dụng sản phẩm đầu vào của Việt Nam.
Với sự cộng sinh của các doanh nghiệp Việt Nam, chắc chắn việc khai thác sử dụng hiệu quả thị trường nội địa gần 100 triệu dân của chúng ta sẽ là 1 thúc đẩy rất lớn cho tăng trưởng của chúng ta sau đại dịch”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định.