TIN NỔI BẬT, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Biến thể Delta lây lan ở Trung Quốc đe dọa đến nhu cầu tiêu thụ kim loại cơ bản

Biến thể Delta ở Trung Quốc đe dọa đến nhu cầu tiêu thụ kim loại cơ bản

Mối lo ngại về các trường hợp nhiễm Covid-19 gia tăng, ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu tiêu thụ kim loại công nghiệp, nhất là tại Trung Quốc, khiến giá đồng và quặng sắt rời khỏi mức cao kỷ lục.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Giao dịch Spread – loại hình đầu tư hạn chế rủi ro

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 02/08/2021

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Biến thể Delta ở Trung Quốc đe dọa đến nhu cầu tiêu thụ kim loại cơ bản
Đại dịch bùng phát khiến hoạt động sản xuất công nghiệp bị trì hoãn

Thị trường Đồng có phiên thứ 4 liên tiếp đóng cửa với sắc đỏ. Giá đồng trên sàn COMEX giảm 1,22% còn 4.3325 USD/pound. Giá đồng trên sàn LME giảm 0,9% xuống 9.459 USD/tấn.

Tin tức về cuộc đình công ở mỏ đồng lớn nhất thế giới Escondida dường như là không đủ để hỗ trợ cho giá của kim loại này, trong bối cảnh tăng trưởng ở Trung Quốc và Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại. Bên cạnh đó, biến thể Delta đang lây lan mạnh mẽ ở cả hai khu vực này, khiến cho các hoạt động công nghiệp có thể lại rơi vào trạng thái bị trì hoãn, do đó, giá đồng giảm các phiên gần đây phản ánh tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư về nhu cầu tiêu thụ đồng trong giai đoạn sắp tới.

Giá quặng sắt đóng cửa phiên 04/08 chỉ giảm rất nhẹ 0,09% hiện ở mức 182,31 USD/tấn. Các nhà đầu tư quặng sắt hiện không còn nhiều động lực để mua vào trong bối cảnh nước có nhu cầu tiêu thụ kim loại lớn nhất là Trung Quốc đã phải hạn chế đi lại vì đợt bùng phát dịch mới nhất do biến thể Delta. Bên cạnh đó, chính sách kiểm soát giá hàng hóa của Bắc Kinh cũng là một yếu tố gây sức ép lớn lên giá của cả hai mặt hàng kim loại cơ bản.

Nỗ lực kiểm soát giá hàng hóa của Trung Quốc

Frederic Neumann, Trưởng bộ phận Kinh tế Châu Á của ngân hàng HSBC, cho biết: “Các động thái gần đây của Trung Quốc đã thành công trong việc làm giảm giá hàng hóa. Tuy nhiên, về cơ bản, giá nguyên liệu thô được thúc đẩy bởi cung và cầu trên toàn cầu, mà Chính phủ Trung Quốc chỉ có thể ảnh hưởng gián tiếp.”

Trung Quốc nhập khẩu khoảng một nửa các kim loại chủ chốt, 1/3 tổng thương mại sản phẩm cây trồng trên toàn cầu và gần 20% tổng thương mại dầu của toàn thế giới.

Nhưng cùng với ảnh hưởng của nhu cầu lớn là sự nhạy cảm đối với sự biến động của thị trường hàng hóa và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải hành động bất cứ khi nào các điều kiện thị trường đe dọa đến ngành công nghiệp quan trọng hoặc tới người dân.

Cơ quan hoạch định chính sách của Trung Quốc – Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) đã thực hiện 2 cuộc theo dõi riêng biệt ở các thị trường than và quặng sắt, trong khi Cục Dự trữ Chiến lược và Lương thực Quốc gia – quản lý kho dự trữ chiến lược – đã công bố danh sách bán các kim loại chủ chốt, những đợt bán hiếm hoi từ trước tới nay, nhằm mục đích bù đắp phần nào vào khoảng trống thiếu hụt nguồn cung và giúp hạ nhiệt giá kim loại.

Ngoài ra, NDRC đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, trong đó có việc công bố thêm các quy tắc mới, theo đó yêu cầu các nhà định giá hàng hóa phải minh bạch và nhất quán hơn kể từ tháng 8 này – một phần của cuộc can thiệp toàn diện vào thị trường hàng hóa nguyên liệu mà Bắc Kinh tiến hành cho đến nay, báo hiệu cách tiếp cận mới của Chính phủ trong việc quản lý giá nguyên liệu.

Shan Hui, trưởng nhóm phụ trách thị trường Trung Quốc của ngân hàng Goldman Sachs Asia, cho biết: “Giá một số mặt hàng đã giảm…. Điều đó chứng tỏ rằng (các biện pháp) có hiệu quả, ít nhất là trong thời gian tới”, nhưng cần có một cái nhìn toàn diện về cung và cầu trong dài hạn.

Trên thực tế, giá kim loại cơ bản, thép và than kỳ hạn tương lai, cũng như hợp đồng mở (lượng tiền chảy vào các hợp đồng kỳ hạn tương lai) tại các sàn giao dịch Trung Quốc đã giảm khỏi mức cao kỷ lục do các biện pháp hạ nhiệt giá cả của Bắc Kinh. 

Đối với quặng sắt, giá nguyên liệu chính trong sản xuất thép – ngành công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc – đã giảm hơn 1/5 từ mức cao kỷ lục mọi thời đại vào tháng 5, nhưng lý do của sự sụt giảm này phần lớn là bởi việc Trung Quốc hạn chế sản lượng thép để giảm lượng khí thải.

Trong khi đó, hành động bán hàng từ kho dự trữ quốc gia chỉ gây ra tác động nhẹ đối với các mặt hàng đồng, nhôm và kẽm – hiện giá vẫn đang cao hơn khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Cần lưu ý rằng, biện pháp can thiệp từ phía nguồn cung chỉ có tác động ngắn hạn, nhất là khi việc mở rộng sản xuất nguyên liệu cần có thời gian. Theo chuyên gia Neumann của HSBC, việc kiềm chế hơn nữa giá hàng hóa (của Trung Quốc) cuối cùng có thể khiến cho các lĩnh vực sử dụng nhiều nguyên liệu giảm tốc độ tăng trưởng.

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ (84) 024.3552.7979
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? STK Vietcombank : 0611001975177 Chi nhánh Ba Đình
? STK BIDV: 21610000479888 Chi nhánh Đống Đa
? STK Techcombank: 19134664939018 phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt.

Bài viết liên quan

Trả lời