Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), tháng 4, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới liên tục trải qua các phiên rung lắc mạnh với những nhịp tăng, giảm và đi ngang đan xen. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng, chỉ số MXV-Index dừng ở mức 2.160 điểm, giảm 7,3% so với mức đỉnh thiết lập ngày 2/4.
Đáng chú ý, áp lực giảm giá thể hiện rõ nét nhất trên thị trường năng lượng. Chỉ tính riêng từ ngày 2/4 đến 8/4, chỉ số MXV-Index nhóm năng lượng đã “bốc hơi” hơn 500 điểm, tương đương mức giảm trên 17%. Tính trong phiên giao dịch cuối tháng, chỉ số giá nhóm này đã đánh mất gần hơn 18% so với hồi đầu tháng.
Đà giảm này chủ yếu đến từ sự suy yếu của hai mặt hàng dầu thô. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/4, giá dầu WTI và dầu Brent đồng loạt mất gần 19% so với mức đỉnh ngày 2/4, lần lượt về mức 58,2 USD/thùng và 63,1 USD/thùng – đánh dấu mức giá đóng cửa thấp nhất trong hơn 4 năm trở lại đây. Diễn biến này phản ánh rõ sức ép điều chỉnh mạnh mẽ khi thị trường liên tục chịu tác động từ các yếu tố vĩ mô và cung – cầu đan xen. Về mặt vĩ mô, các chính sách thuế quan của Mỹ đã làm dấy lên lo ngại về sự ổn định của thương mại toàn cầu. Dù vậy, các thông tin tích cực từ tiến trình đàm phán thương mại sau đó đã phần nào giúp ổn định lại tâm lý thị trường. Trong khi đó, thị trường dầu còn đối mặt với áp lực dư cung khi nhóm OPEC+ thông báo tiếp tục tăng mạnh sản lượng trong các tháng 5 và 6, nối tiếp kế hoạch đã thực hiện từ tháng 4.
Dự báo xu hướng giá dầu thời gian tới, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng: “Thời gian gần đây đà giảm giá dầu đã chững lại. Trước mắt sẽ có những nhịp hồi trong tuần giao dịch tới. Tuy nhiên đây mới chỉ mang tính nhịp hồi riêng lẻ thôi. Điều quan trọng nhất là thị trường phải chờ đợi trong nhịp hồi kĩ thuật này xác lập xu hướng tăng hay không thì phụ thuộc vào việc 1-2 tuần tới Mỹ sẽ bước vào cuộc đàm phán với các quốc gia. Khi đàm phán tích cực có thể nối lại giao thương và từ đó giúp hàng hoá phục hồi. Tuy nhiên nếu kịch bản đàm phán tiêu cực thì đà giảm sẽ tiếp tục cho nên tôi cho rằng phụ thuộc rất nhiều vào đàm phán 1-2 tuần tới”.
Thị trường kim loại cũng không nằm ngoài xu hướng suy yếu chung của thị trường hàng hóa trong tháng 4. Tuy nhiên, nhờ các phiên phục hồi nhẹ vào giữa tháng, chỉ số MXV-Index Kim loại đã tránh được đà giảm sâu. Theo MXV, sự thiếu ổn định trên thị trường tài chính, triển vọng kinh tế của hai đầu tàu thế giới là Mỹ và Trung Quốc còn nhiều bấp bênh đã khiến nhu cầu phòng vệ rủi ro của giới đầu tư tăng cao, đồng thời hỗ trợ giá kim loại quý tăng mạnh trong thời gian này.
Ở chiều ngược lại, giá đồng sau khi xác lập đỉnh lịch sử vào cuối tháng 3 đã giảm mạnh 14% chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 4. Tuy nhiên, trước thông tin Mỹ xem xét khả năng áp thuế nhập khẩu đối với đồng, thị trường đã ghi nhận làn sóng gom hàng quy mô lớn. Nhờ đó, kết thúc tháng 4, giá đồng COMEX đạt 10.053 USD/tấn, tăng hơn 11% so với mức đóng cửa thấp nhất trong tháng vào ngày 9/4. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm nguồn cung trong khi nhu cầu vẫn duy trì ở mức cao cũng góp phần hỗ trợ tích cực cho giá đồng trong giai đoạn này.
Đánh giá về diễn biến giá hàng hóa trong thời gian qua, ông Dương Đức Quang – Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam MXV cho biết: “Kể từ cuối tháng 3 cho tới nay, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến giằng co trong bối cảnh các nhà đầu tư thận trọng đánh giá về diễn biến các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ. Điều này được phản ánh rõ khi phần lớn các phiên giao dịch thì chỉ số MXV-Index đóng cửa trong trạng thái suy yếu, dao động quanh vùng 2.100 điểm. Thậm chí, kết phiên ngày 8/4, chỉ số giá hàng hóa của ba nhóm hàng (ngoại trừ nông sản) chìm sâu trong sắc đỏ đẩy MXV-Index lùi sâu xuống vùng 2.000 điểm. Tôi cho rằng xu hướng biến động này sẽ còn tiếp tục duy trì cho tới khi hết thời gian đàm phán thuế”.
Nhóm nguyên liệu công nghiệp cũng vừa trải qua tháng 4 với nhiều biến động mạnh. Đáng chú ý, những lo ngại về nguồn cung đã đẩy giá cà phê Arabica phục hồi mạnh mẽ, chinh phục lại mức đỉnh 9.040 USD/tấn vào ngày 28/4. Trong khi đó, giá cà phê Robusta có xu hướng đi ngang, kết thúc phiên giao dịch cuối tháng ở mức 5.369 USD/tấn.
Thị trường nông sản tháng 4 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi giá ngô và đậu tương phục hồi trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn có dấu hiệu hạ nhiệt. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đã mở ra kỳ vọng mới cho xuất khẩu nông sản.
Dự báo xu hướng giá hàng hóa trong thời gian tới, Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Hữu Nghị nhận định: “Tôi cho rằng trong thời gian vừa qua, bên cạnh thị trường kim loại quý thì thị trường dầu thô thế giới đã thực sự gây nhiều sự chú ý cho các nhà đầu tư. Trong một số phiên giao dịch kể từ tháng 4 tới nay thì giá mặt hàng này đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Với tốc độ gia tăng sản lượng như hiện nay của OPEC+ cùng với triển vọng kinh tế Mỹ – Trung chưa nhiều điểm sáng, tôi cho rằng, giá dầu khó có thể vượt qua mốc 60 USD/thùng trong thời gian tới”.
Biến động mạnh của thị trường đang đặt ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân khi tham gia thị trường hàng hóa trong thời gian qua, Nhà đầu tư Nguyễn Tuệ Lâm tại Hà Nội cho biết:
“Thời gian vừa qua, trước những biến động của thị trường, các hợp đồng hàng hóa phái sinh đã phát huy được ưu điểm về giao dịch hai chiều và giao dịch T0 để giảm thiểu rủi ro về giá. Nhờ theo dõi sát sao diễn biến thị trường, các thông tin tác động nên tôi vẫn khá là thành công với một số hợp đồng kim loại trong thời gian qua. Tôi cho rằng, với tình hình thuế quan, chính sách tiền tệ và những triển vọng kinh tế như hiện tại, nhu cầu phòng vệ tài chính của các nhà đầu tư trong thời gian tới sẽ còn tăng cao hơn nữa; dòng tiền cũng sẽ lan tỏa và đa dạng hơn trong danh mục các nhóm hàng”.
Báo cáo cập nhật về triển vọng thị trường hàng hóa của Ngân hàng thế giới WB công bố mới đây cho thấy, các cú sốc gần đây đã gây náo động các thị trường hàng hóa trong thập niên này, mặt bằng giá cả chao đảo mạnh lên mức cao nhất trong nửa thế kỷ qua. Trong giai đoạn 2020-2024, giá cả biến động thường xuyên và bất thường, gây tác động tiêu cực đến lạm phát và hoạt động kinh tế./.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 08/05/2025
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
> Tại sao phải đáo hạn hợp đồng giao dịch hàng hóa phái sinh?
Xem thêm các thông tin hỗ trợ giao dịch tại chuyên mục: Tin tức thị trường và Phân tích đầu tư
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ – Thành viên Kinh doanh 001 của MXV
Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Tel: 024.3552.7979
Facebook: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g