Sau tuyên bố chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tạm hoãn áp thuế với một số đối tác thương mại – nhưng loại trừ Trung Quốc, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung lại một lần nữa bùng lên. Thuế nhập khẩu lên tới 125% nhắm vào hàng hóa Trung Quốc có thể đẩy nhiều nhóm hàng vào thế khó, từ kim loại, năng lượng cho đến nông sản.
Tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tạo ra “cú sốc” chấn động vừa là hành động “cứu cánh” cho các thị trường tài chính toàn cầu. Theo đó, Mỹ sẽ tạm hoãn mức thuế đối ứng cao ngất ngưởng công bố ngày 2/4 cho nhiều đối tác thương mại trong 90 ngày, ngoại trừ Trung Quốc. Washington tiếp tục áp mức thuế nhập khẩu lên tới 125% đối với nhiều nhóm hàng hóa đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đây không chỉ là một động thái chính trị cứng rắn, mà còn là đòn trực diện lên chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại hàng hóa toàn cầu. Bài viết này sẽ phân tích cụ thể tác động của cuộc chiến thuế quan đối với các nhóm hàng hóa chủ chốt đang được giao dịch mạnh trên thị trường hàng hóa thế giới, bao gồm: kim loại (vàng, bạc, đồng, nhôm), năng lượng (dầu thô) và nông sản (đậu tương).
Kim loại quý: giằng co giữa nhu cầu trú ẩn và vai trò công nghiệp
Việc tăng thuế với Trung Quốc đang tạo ra nhiều bất ổn cho thị trường. Trong thời điểm bất ổn, kim loại quý luôn thường là kênh trú ẩn được ưu tiên hàng đầu. Căng thẳng thương mại gia tăng khiến nhà đầu tư đổ xô tìm nơi trú ẩn, và vàng tiếp tục là lựa chọn ưu tiên. Giá vàng gần đây cho thấy xu hướng đi lên rõ rệt, được thúc đẩy bởi lo ngại lạm phát, rủi ro kinh tế vĩ mô và tâm lý tránh xa tài sản rủi ro.
Khi chiến tranh thương mại leo thang, tăng trưởng kinh tế bị đe dọa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thường bị kỳ vọng sẽ hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Mức lãi suất thấp khiến lợi suất trái phiếu kém hấp dẫn hơn, trong khi vàng và các kim loại quý – dù không mang lại lãi – lại được hưởng lợi do chi phí cơ hội nắm giữ thấp đi.
Thuế quan cao làm suy yếu hoạt động thương mại, kéo theo rủi ro lạm phát nhập khẩu, giảm niềm tin kinh doanh và kích hoạt tâm lý phòng thủ trong giới đầu tư. Trong môi trường như vậy, không chỉ vàng mà cả bạc và bạch kim cũng trở thành công cụ phòng hộ giá trị.
Bạc – với vai trò kép vừa là kim loại quý, vừa là nguyên liệu công nghiệp – lại mang tính chất biến động phức tạp hơn. Bạc vừa là tài sản trú ẩn, vừa là kim loại công nghiệp quan trọng trong lĩnh vực điện tử, năng lượng mặt trời và xe điện. Trong ngắn hạn, giá mặt hàng có thể được hỗ trợ bởi nhu cầu đầu cơ trú ẩn, nhưng nếu sản xuất công nghiệp giảm sút, đặc biệt từ Trung Quốc, thì áp lực giảm giá cũng sẽ hạn chế đà tăng của bạc.
Trong khi đó, bạch kim đang cho thấy sự nhạy cảm với ngành công nghiệp ô tô – lĩnh vực mà Trung Quốc đóng vai trò trung tâm. Nếu kinh tế suy thoái, dòng chảy thương mại bị cản trở, nhu cầu bạch kim cho bộ lọc khí thải sẽ suy yếu. Tuy nhiên, bạch kim vẫn có cơ hội hồi phục nếu USD giảm hoặc dòng tiền trú ẩn mạnh lên, từ đó hưởng lợi theo đà chung của nhóm kim loại quý.
Kim loại công nghiệp: tác động trực tiếp từ thương mại và chuỗi cung ứng
Trong số các kim loại công nghiệp, đồng là cái tên đặc biệt bởi nó được xem như “thước đo sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu”. Sở dĩ như vậy vì đồng là kim loại thiết yếu được sử dụng nhiều trong sản xuất công nghiệp – từ điện lực, viễn thông đến công nghệ xanh. Việc Mỹ áp thuế mạnh với hàng hóa Trung Quốc có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất – đặc biệt là khi Trung Quốc là một trong những quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu thế giới.
Nếu tâm lý thị trường chuyển sang tiêu cực, giá đồng có thể sụt giảm mạnh, phản ánh kỳ vọng suy thoái. Tuy nhiên, trong kịch bản các nền kinh tế phản ứng bằng cách bơm kích thích hoặc mở rộng đầu tư công – đặc biệt vào các dự án xanh – thì đồng hoàn toàn có thể hồi phục mạnh mẽ, đúng với bản chất “nhạy cảm kinh tế” của nó.
Nhôm, một kim loại không thể thiếu trong ngành công nghiệp nhẹ và xây dựng, lại đối mặt với một bài toán khác: nguồn cung bị bóp nghẹt. Trung Quốc là nhà cung cấp nhôm lớn thứ ba của Mỹ về sản lượng, đạt 222.872 tấn và thứ 5 về kim ngạch với hơn 500 triệu USD năm 2024. Việc áp thuế cao khiến chi phí nhập khẩu nhôm tăng mạnh, buộc các doanh nghiệp Mỹ phải tìm kiếm nguồn thay thế hoặc chấp nhận giá đầu vào cao hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa Mỹ mà còn khiến dòng chảy thương mại toàn cầu dịch chuyển, làm mất cân bằng cung cầu ở nhiều thị trường.
Năng lượng: Dầu thô chịu sức ép từ kỳ vọng tăng trưởng
Giá dầu phản ánh trực tiếp kỳ vọng tăng trưởng và thương mại thế giới. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chịu rủi ro do cuộc chiến thuế quan “ăn miếng trả miếng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giá dầu có thể sẽ quay lại xu hướng giảm chung sau khi tâm lý lạc quan từ việc tạm hoãn áp thuế phai nhạt dần.
Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới nên nếu xung đột thương mại kéo dài sẽ làm suy giảm sản xuất, nhu cầu tiêu thụ năng lượng cũng sẽ giảm theo, tạo sức ép lên giá dầu.
Thêm vào đó, khả năng Trung Quốc tái cấu trúc nguồn cung, chuyển hướng sang các nhà xuất khẩu khác ngoài Mỹ, có thể làm thay đổi dòng chảy năng lượng toàn cầu, tạo ra làn sóng cạnh tranh giá mới giữa các khu vực. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng giá dầu còn chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố địa chính trị. Nếu đồng thời xuất hiện bất ổn từ các điểm nóng khác như Trung Đông hoặc Nga – Ukraine và có thể có dấu hiệu hạn chế nguồn cung, giá dầu có thể quay đầu tăng mạnh, bất chấp các chỉ báo kinh tế tiêu cực.
Nông sản – Đậu tương Mỹ đứng trước nguy cơ mất thị trường lớn
Mỹ là một trong những nước xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, trong đó Trung Quốc là khách hàng lớn nhất.
Trong các cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung năm 2018, việc Trung Quốc áp thuế 25% lên đậu tương Mỹ đã khiến xuất khẩu đậu tương từ Mỹ sang Trung Quốc sụt giảm mạnh. Sau khi bị áp thuế, lượng xuất khẩu đã giảm mạnh, dẫn đến lượng đậu tương tồn kho tại Mỹ gia tăng. Điều này tạo ra một thách thức lớn cho các nông dân Mỹ, đặc biệt là khi giá đậu tương giảm sâu, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận và sự ổn định kinh tế của họ.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã phải tìm kiếm các nguồn cung đậu tương thay thế từ các nước khác, chủ yếu là Brazil và Argentina. Brazil đã nhanh chóng trở thành nước cung cấp đậu tương lớn nhất cho Trung Quốc,
Lần này, với mức thuế nhập khẩu quay lại ở mức lên tới 125%, rủi ro mất thị phần một lần nữa hiện hữu. Mỹ sẽ mất đi thị trường tiêu thụ lớn nhất, đẩy giá giảm mạnh tại thị trường nội địa và làm gia tăng tồn kho. Tác động không chỉ mang tính ngắn hạn mà còn kéo theo những hệ lụy dài hạn cho ngành nông nghiệp Mỹ, đặc biệt tại các bang trung tâm như Iowa, Illinois hay Indiana – những nơi có ảnh hưởng chính trị đáng kể trong các kỳ bầu cử.
Người mua châu Á hiện đang giảm mua hàng nông sản Mỹ vì các khoản phí mà Washington dự kiến áp dụng đối với các tàu liên kết với Trung Quốc và thuế quan đối ứng của Donald Trump làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm của Mỹ.
Tuy vậy, đây vốn dĩ là thời điểm Trung Quốc thường ngừng mua đậu tương từ Mỹ trong năm. Việc áp thuế quan trong ngắn hạn sẽ không quá bị ảnh hưởng đến hoạt động mua hàng của Trung Quốc – nếu như họ vốn đã không có nhu cầu mua vào thời điểm này. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến thương mại kéo dài đến mùa thu hoạch, thì thị trường sẽ phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng hơn.
Tăng cường sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro trong thời điểm đầy biến động
Những bất định xoay quanh bước đi tiếp theo của ông Trump, cùng với tác động của những mức thuế vẫn đang còn hiệu lực, bao gồm các mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ khiến các nhà đầu tư phải “thấp thỏm” nhiều. Thị trường hàng hóa cũng sẽ ở trong giai đoạn nhạy cảm, dễ bị biến động mạnh trước mọi thay đổi chính sách, dòng tiền và kỳ vọng kinh tế.
Nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ phản ứng từ Trung Quốc, cũng như các tuyên bố tiếp theo từ Nhà Trắng. Trong ngắn hạn, giới đầu tư cần linh hoạt điều chỉnh chiến lược. Các công cụ phòng ngừa rủi ro như hợp đồng tương lai, quyền chọn và bảo hiểm chuỗi cung ứng sẽ trở nên thiết yếu.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 09/04/2025
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
> Tại sao phải đáo hạn hợp đồng giao dịch hàng hóa phái sinh?
Xem thêm các thông tin hỗ trợ giao dịch tại chuyên mục: Tin tức thị trường và Phân tích đầu tư
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ – Thành viên Kinh doanh 001 của MXV
Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Tel: 024.3552.7979
Facebook: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g