Nhiều mặt hàng trên thị trường hàng hóa ngày hôm qua chốt lời sau chuỗi tăng cao, kết hợp với chịu ảnh hưởng bởi lực bán được lan toả từ thị trường chứng khoán.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Giao dịch Spread với mức ký quỹ thấp chưa từng có
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 08/02/2022
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
Nhu cầu dầu toàn cầu tăng mạnh
Giá dầu diễn biến trái chiều khi thị trường chịu áp lực về khả năng tăng lãi suất của FED, trong khi nhu cầu năng lượng tăng mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/02, giá WTI dầu thô tăng 0,25% lên 89,88 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 0,15% xuống 91,41 USD/thùng.
Dầu thô đã có lúc tăng gần 2 USD/thùng trước sức ép của địa chính trị gia tăng và các dự đoán mang tính tích cực của OPEC trong báo cáo thị trường dầu ngày hôm qua. Cuộc tập trận quy mô lớn của Nga và Belarus tiến hành cuộc tập trận trên cả biên giới đất liền lẫn khu vực Biển Đen với quy mô lớn. Nước Anh cho rằng đây là “thời khắc nguy hiểm nhất” trong mối quan hệ giữa NATO và Nga trong khi Mỹ đã thúc giục các công dân ở Ukraine về nước do khả năng bị lôi vào vòng xoáy quân sự.
Trong báo cáo hàng tháng mới nhất được công bố, dữ liệu từ OPEC cho thấy mặc dù thị trường sẽ gặp nhiều thách thức do tình trạng virus và lạm phát tăng nhanh trên toàn cầu, việc sử dụng nhiên liệu sẽ tăng thêm 4,2 triệu thùng/ngày, mức tăng nhiều hơn 4,3% so với dự báo trước đó. Nhu cầu tăng này được cho là chắc chắn sẽ tiếp tục gây căng thẳng hơn nữa lên năng lực sản xuất của OPEC+ khi các nước thành viên đang phải “vật lộn” để tăng sản lượng theo hạn ngạch đề ra.
Giá đảo chiều cùng với diễn biến đi xuống của thị trường chứng khoán Mỹ, sau khi một quan chức FED cho biết Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 01/2022 tăng 0,6% so với tháng 12/2021, và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, lên mức cao nhất trong 40 năm.
Hầu hết các kim loại đều tăng giá ngoại trừ nhôm
Áp lực lạm phát khiến cho các nhà đầu tư càng tin vào việc FED sẽ đẩy mạnh tốc độ thắt chặt và tăng lãi suất ngay trong tháng 3, thậm chí có thể cao hơn mức 0,25%. Giá các kim loại quý được hưởng lợi, bạc tiếp tục tăng nhẹ với gần 0,8% lên 23.522 USD/ounce, còn giá bạch kim cũng tăng khoảng 0,5% lên 1042,5 USD/tấn.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tiếp tục tăng 1,24% lên gần 4.66 USD/pound còn giá quặng sắt tăng mạnh hơn 5% lên 152,94 USD/tấn. Tồn kho thấp trên cả ba Sở COMEX, LME và Sở Thượng Hải tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng.
Giá nhôm giảm gần 0,5% xuống 3250,5 USD/tấn do nhà đầu tư chốt lời sau khi đạt mức cao nhất trong vòng 14 năm, thêm vào đó tồn trữ tăng làm giảm bớt lo ngại triển vọng nguồn cung thắt chặt.
Cà phê diễn biến trái chiều
Giá cà phê Arabica giảm 1,22% về 255,2 cents/pound, sau khi đã tăng hơn 8% trước đó. Thị trường Arabica chịu lực bán chốt lời ngay từ đầu phiên. Đến khi chỉ số giá tiêu dùng CPI được công bố làm cho đồng USD tăng mạnh, và chịu ảnh hưởng bởi lực bán được lan toả từ thị trường chứng khoán, phe mua đã không thể chiến thắng phe bán trong phiên hôm qua, dù thị trường có rất nhiều tin tức tích cực. Ngoài ra, mức tồn kho đạt chuẩn trên sở ICE US dù ở mức thấp nhưng tốc độ giảm đang có dấu hiệu chậm lại và cũng khiến cho sức mua yếu đi.
Trái lại, giá Robusta tiếp tục tăng nhẹ 0,4% lên 2279 USD/tấn trong bối cảnh số liệu xuất khẩu tiêu cực của Việt Nam có phần khiến cho thị trường bất ngờ bởi đây là giai đoạn xuất khẩu trọng điểm của nhà sản xuất Robusta số một thế giới.
Theo Tổng Cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 1 đạt 163.324 tấn giảm nhẹ 3,6% so với tháng trước nhưng cao hơn 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã khiến kim ngạch xuất khẩu giảm 2,2% so với tháng trước xuống mức 370,57 triệu USD, nhưng cao hơn 32,1% so với cùng kỳ của tháng trước.
Nhóm đậu tương kết thúc chuỗi tăng dài
Tổ hợp đậu tương tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn từ diễn biến của giá khô đậu. Sau khi chạm lên mốc cao nhất trong vòng gần 8 năm, giá khô đậu đã quay đầu giảm đến 25 USD và đóng cửa với mức giảm mạnh 1,71%, về mức 454 USD/tấn Mỹ.
Tâm lý chốt lời của toàn thị trường hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng gia tăng, sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên trên mức 2%, đã khiến đậu tương quay đầu giảm hơn 50 cents và đóng cửa ở mức 1574,25 cents/bushel.
Đối với ngô, CONAB giảm dự báo sản lượng niên vụ 21/22 về mức 112,3 triệu tấn, bất chấp việc thời tiết đang khá thuận lợi cho ngô vụ 2 của nước này, cũng giúp giá tăng mạnh trong đầu phiên. Nhưng ở hướng ngược lại, Nam Phi tăng sản lượng thêm 6,6% so với năm ngoái, cùng với đà giảm chung của toàn nhóm đã khiến giá ngô giảm 0,77% vào cuối phiên, về mức 641,75 cents/bushel.
Lúa mì là mặt hàng giảm mạnh nhất trong phiên hôm qua, khi mà sản lượng lúa mì của Brazil dự báo tăng thêm 200.000 tấn so với báo cáo trước đó của CONAB. Áp lực bán từ kháng cự tâm lý 800 cũng góp phần đẩy giá giảm mạnh trong suốt phiên tối, xuống 771,5 cents/bushel
Theo MXV.
Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: 024.3552.7979
? FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g