TIN NỔI BẬT, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Nông sản và năng lượng đồng loạt tăng, trong khi nhóm kim loại và công nghiệp hơi ảm đạm

Ngô, đậu tương suy yếu trong khi lúa mỳ tăng, dầu khí quay đầu giảm

Các mặt hàng nhóm năng lượng và nông sản trên thị trường giao dịch hàng hóa kết thúc phiên ngày 25/01 đồng loạt đi lên. Trong khi đó, các sản phẩm kim loại và nguyên liệu công nghiệp diễn biến ở chiều ngược lại và có phần hơn ảm đạm.

[Có thể bạn nên đọc]

Muốn giao dịch hàng hóa thì phải làm như thế nào?

Thay đổi mức ký quỹ giao dịch Đậu tương từ ngày 21/01/2021

5 lời khuyên bổ ích dành cho các trader mới

Thị trường hàng hóa phái sinh
Bảng giá nông sản đồng loạt tăng trên 2%

Giá ngô tăng 2.2% lên mức 511.5 cents/bushel. Thông tin thu hoạch ngô và đậu tương tại Brazil đang bị trì hoãn bởi lượng mưa lớn gây lo ngại rằng mùa vụ ngô chính tại đây sẽ tiếp tục bị đẩy lùi. So với đậu tương, ngô chịu nhiều tác động từ điều kiện thời tiết nhiều hơn, do đó việc không được gieo trồng trong khung thời gian lý tưởng gây nhiều lo ngại hơn.

Trong đêm qua, Bộ Kinh tế Ukraine cho biết sẽ áp dụng mức hạn ngạch 24 triệu tấn đối với xuất khẩu ngô niên vụ 2020/21. Tuy nhiên, mức hạn ngạch này đang lớn hơn so với dự báo xuất khẩu ở mức 23.5 triệu tấn, do đó, thông tin này chưa thực sự có sức ảnh hưởng lên giá ngô trong thời điểm hiện tại.

Tại Argentina, các thành viên của hiệp hội TUDA đã dừng cuộc đình công gây ảnh hưởng tới hoạt động tại một số cảng ngũ cốc tại đây. Việc hoạt động xuất khẩu ngô tại Argentina trở lại bình thường sẽ xóa bỏ lo ngại về việc thắt chặt nguồn cung tại đây. 

Lúa mỳ cũng tăng mạnh 2,21% lên mức 648,5 cents/bushel. Giá ngô đang ở mức cao nên một số nước nhập khẩu ngô bao gồm Việt Nam quay sang chuyển sang nhập khẩu lúa mỳ làm sản phẩm thay thế.

Xuất khẩu lúa mỳ Nga dự kiến sẽ bị hạn chế bởi thuế xuất khẩu lúa mỳ khi chính phủ Nga tìm cách kiềm chế lạm phát lương thực trong nước. Ngoài ra, giá lúa mỳ cũng được hỗ trợ bởi Algeria phát hành đợt đấu thầu quốc tế để mua lúa mỳ xay xát.

Hợp đồng đậu tương 2,42% lên mức 1343,5 cents/bushel. Lượng mưa lớn tại Brazil làm trì hoãn thu hoạch đậu tương, gây lo ngại rằng mùa vụ ngô chính tại đây sẽ tiếp tục bị đẩy lùi. Tuy nhiên, lượng mưa này cũng giúp cải thiện chất lượng đậu tương gieo trồng muộn và sẽ là yếu tố tạo sức ép lên giá khi thu hoạch được tăng tốc.

Dầu tăng 1%, khí tự nhiên biến động mạnh

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/01, giá dầu thô WTI tăng 0.96% lên 52.77 USD/thùng. Thị trường lo ngại về nguồn cung gián đoạn tại Iraq và Saudi Arabia, cộng với sự lạc quan xung quanh kế hoạch kích thích kinh tế của Mỹ. Song các hạn chế về virus corona đã đã kiềm chế đà tăng giá dầu.

Nguồn cung dầu thắt chặt khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) tuân thủ việc cam kết hạn chế sản lượng đạt trung bình 85% cho đến nay trong tháng 1/2021.

Trong cuối tuần trước, Iraq cho biết sẽ cắt giảm sản lượng trong 2 tháng đầu năm 2021 để bù đắp cho việc sản xuất quá hạn mức của OPEC+ trong năm ngoái.

Theo lịch trình sơ bộ công bố hôm qua, Nga có kế hoạch cắt giảm xuất khẩu dầu từ các cảng phía Tây xuống 4.63 triệu tấn trong tháng 2/2021 từ mức 6.32 triệu tấn hiện tại. Tính toán của Reuters cho thấy khối lượng xuất khẩu theo ngày sẽ giảm 19% trong tháng sau.

Xuất khẩu dầu Urals từ cảng Baltic và Ust-Luga sẽ giảm xuống 3.4 triệu tấn, thấp hơn kế hoạch trước đó ở mức 5 triệu tấn. Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô nhẹ Urals và Siberian từ Biển Đen sẽ giảm xuống 1.23 triệu tấn.

Mặt khác, thị trường cũng kỳ vọng nhiều vào chính quyền mới của Tân Tổng thống Biden. Ông dường như đang thúc đẩy nhanh chóng phê duyệt gói cứu trợ đại dịch trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Số tiền kích thích này được hi vọng sẽ giúp cải thiện sức khỏe của nền kinh tế Mỹ vốn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, qua đó giúp phục hồi nhu cầu dầu thô.

Tuy nhiên, đà tăng giá dầu bị hạn chế khi các quốc gia châu Âu áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn việc lây lan của virus, cùng với đó là các trường hợp nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu tại nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.

Hợp đồng xăng RBOB tăng nhẹ 0,24% lên 1,5616 USD/gallon.

Hợp đồng khí tự nhiên kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn New York tăng rất mạnh 6,4% lên 2,602 USD/mmBTU, phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2020 và đạt mức cao nhất kể từ ngày 15/1/2021. Dự báo thời tiết lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm đến đầu tháng 2/2021 tăng cao hơn so với dự kiến trước đó.

Nhóm kim loại hơi ảm đạm trong phiên đầu tuần

Đồng USD tăng 0,2% khiến cho các sản phẩm kim loại quý trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người mua quốc tế, giúp phe bán chiếm ưu thế trong ngày hôm qua.

Giá bạc giảm nhẹ 0.28% xuống 25.484 USD/ounce tuy đã có lúc tăng hơn 1% trong phiên sáng. Bạch kim cũng giảm 0,62% xuống mức 1,104.7 USD/ounce.

Những kỳ vọng về các biện pháp kích thích tài chính mới của Mỹ phần nào củng cố được giá kim loại quý trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tuần này.

Giá đồng trên sàn COMEX tăng khoảng 0,1%, trong khi quặng sắt gần như không đổi so với đầu phiên, giảm nhẹ 0,14%. Các sản phẩm kim loại cơ sở chịu ảnh hưởng nặng nề từ Trung Quốc. Thị trường lo ngại các biện pháp hạn chế hiện tại có thể làm giảm hoạt động công nghiệp tại đây.

Đường, cao su, cà phê giảm

Giá cao su RSS3 trên sàn Osaka giảm 2,09% xuống 234,8 JPY/kg, do lo ngại số trường hợp nhiễm Covid-19 tại nước mua hàng đầu – Trung Quốc – tăng, đồng thời hoạt động bán tháo tăng mạnh gây áp lực giá.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE US giảm 0,64% xuống 123,25 cents/lb – thấp nhất 10 ngày. Mức giảm thấp hơn 1% cho thấy sự thiếu vắng các yếu tố cơ bản giúp định hướng giá. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh phức tạp tại các nước Châu Âu làm giảm sự lạc quan của thị trường về sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ cà phê tại khu vực này.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE US giảm nhẹ 0,82% xuống 15,74 US cents/lb. Sản lượng đường niên vụ 2021/22 tại Brazil dự kiến sẽ giảm 6% sau khi lượng mưa chỉ đạt dưới mức trung bình trong quý trước. Đây sẽ là thông tin hỗ trợ giá đường trong dài hạn. 

Hợp đồng cacao kỳ hạn tháng 3 tiếp tục giảm 0,83% xuống còn 2,508 USD/tấn do chịu áp lực từ nguồn cung dồi dào ở Bờ Biển Ngà.

Bông là mặt hàng duy nhất có sự đi lên với mức tăng 0,94% lên 82,33 cents/pound. Nhu cầu tiêu thụ bông ổn định ở mức cao đã hỗ trợ cho đà tăng của giá. Bên cạnh đó, sự tăng giá của đồng Dollar cũng đã khiến bông trở nên đắt hơn trên thị trường thế giới và hạn chế sự tăng giá của mặt hàng này. 

Nếu như chính phủ Mỹ tiếp tục đưa ra các gói kích thích kinh tế, giá các loại hàng hóa sẽ được củng số trong thời gian tới.

Theo dõi thêm các tin tức nổi bật về thị trường hàng hóa phái sinh tại chuyên mục: Tin tức Thị trường.


CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: (84) 024.3552.7979.
?   FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? STK Vietcombank : 0611001975177 Chi nhánh Ba Đình.
? STK BIDV: 21610000479888 Chi nhánh Đống Đa.
? STK Techcombank: 19134664939018 phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt.

Bài viết liên quan

Trả lời