Giá nông sản trên toàn cầu đang biến động rất mạnh, giá lúa mì và cà phê thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ. Giá phân bón tăng mạnh kéo dài từ hơn một năm nay đã khiến nhiều nông dân phải giảm lượng phân bón cho cây trồng, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Giao dịch Spread với mức ký quỹ thấp chưa từng có
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 12/11/2021
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
Trên khắp Brazil, khoảng một phần ba trong số những người trồng cà phê của quốc gia này không có đủ phân bón để bón cho vườn cà phê của mình. Ở Mỹ, những người trồng ngô gặp khó do giá phân bón đã tăng gấp đôi trong vòng một năm qua. Tại Thái Lan, nhiều người trồng lúa đã phải kêu gọi chính phủ can thiệp vào thị trường bởi chi phí đầu vào tăng như vũ bão.
Chỉ số giá lương thực toàn cầu do Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) theo dõi (FFPI) đã tăng 3 tháng liên tiếp tính tới tháng 10/2021 lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2011, chủ yếu do giá ngũ cốc và dầu thực vật tăng mạnh. Giá lúa mì đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012, cà phê cao nhất trong vòng gần một thập kỷ, ngô và nhiều sản phẩm cây trồng khác cũng tăng vọt.
Chỉ số giá ngũ cốc tháng 10 đạt trung bình 137,1 điểm, tăng 4,3 điểm (3,2%) so với tháng 9 và cao hơn 25,1 điểm (22,4%) so với mức một năm trước đó, do giá tất cả các loại ngũ cốc chủ chốt đều tăng mạnh, thêm khoảng 35 – 50% trong vòng một năm qua. Chỉ số giá dầu thực vật trong tháng 10 đạt trung bình 184,8 điểm, tăng 16,3 điểm (hay 9,6%) so với tháng liền trước để đạt mức cao nhất mọi thời đại, trong đó giá dầu cọ, dầu đậu tương và dầu hướng dương tăng mạnh nhất.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới lạm phát giá thực phẩm, nhưng tựu chung bởi nguồn cung trên thị trường toàn cầu ngày càng thắt chặt do sản lượng thu hoạch giảm vì thời tiết bất lợi, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất… Trong đó, một nguyên nhân rất quan trọng đang làm cho thực phẩm bị cuốn vào vòng xoáy lạm phát, đó là giá phân bón tăng cao.
Giá phân bón tăng mạnh kéo dài từ hơn một năm nay đã khiến nhiều nông dân phải giảm lượng phân bón cho cây trồng, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng. Chưa dừng lại ở đó, người nông dân buộc phải chuyển bớt gánh nặng chi phí giá phân bón sang tay người tiêu dùng bằng cách giảm sản lượng và tăng giá bán.
Trong khi đó, xu hướng giá phân bón tăng chưa có dấu hiệu dừng lại. Hai trong số những nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới, Nutrien Ltd. và Mosaic Co., dự báo giá phân bón sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa.
Chỉ số giá phân bón Bắc Mỹ trong một năm qua tăng gần gấp 5 lần (Nguồn: fertilizerpricing)
Ảnh hưởng đến sản xuất ngũ cốc
Tại Mỹ, nước sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, giá phân bón đang tăng với tốc độ hơn 5% mỗi tuần, và tất cả các loại phân bón đều tăng giá, đa số lên mức cao kỷ lục lịch sử do nguồn cung bị gián đoạn và chi phí sản xuất phân bón tăng cao.
Tại Mỹ, giá phân bón cao có thể khiến sản lượng ngô giảm sút, vì tính toán sơ bộ cho thấy giá phân bón tăng đẩy chi phí sản xuất ngô đội thêm 16%. Quá trình trồng ngô cần nhiều phân nitơ hơn so với các loại cây khác. Do đó, nông dân Mỹ đang tìm giải pháp giảm chi phí bằng cách chuyển từ trồng ngô sang đậu tương. Vì vậy mà giá ngô kỳ hạn tương lai trên Sở Chicago đã tăng hơn 10% kể từ giữa tháng 10 bởi lo ngại diện tích ngô Mỹ sẽ bị thu hẹp lại, nhà phân tích Alexis Maxwell thuộc Green Markets cho biết.
Dan Cekander, một nông dân trồng đậu tương và ngô thế hệ thứ tư ở trung tâm Illinois, đã làm nông nghiệp từ năm 1987, cho biết anh chưa bao giờ thấy giá phân bón cao như thế này.
Vào giữa tháng 10, Cekander nhận giá báo cho phân amoniac ở mức 880 USD/tấn, cao hơn 75% so với mức 504 USD/tấn mà ông đã trả vào năm ngoái. Nhưng ông thường bón phân vào mùa xuân nên ông quyết định không vội mua phân amoniac. Đáng tiếc là chỉ hai tuần sau đó, giá vọt lên 1.320 USD/tấn, ông nói.
“Những thứ rẻ hơn đã biến mất,” ông Cekander buồn rầu cho biết, và tiết lộ ông sẽ thay đổi kế hoạch trồng trọt của mình, thay vì trồng hoàn toàn ngô thì ông sẽ trồng 50% ngô và 50% đậu tương.
“Tôi sẽ phải xem giá cả là bao nhiêu,” ông nói. “Nếu giá quá phi lý, chúng tôi có thể phải làm điều gì đó khác đi – hoặc sử dụng ít phân bón hơn, hoặc chuyển sang chỉ trồng đậu tương”.
Ngành sản xuất lúa mì Châu Âu cũng là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng năng lượng lan sang khủng hoảng phân bón.
Giá khí đốt tự nhiên tăng cao đã buộc một số nhà máy sản xuất phân đạm phải tạm dừng hoặc cắt giảm sản xuất, bao gồm Yara International ASA của Na Uy và công ty hóa chất hàng đầu Châu Âu, BASF. Khí đốt chiếm khoảng 80% chi phí sản xuất các chất dinh dưỡng cây trồng, trong khi giá khí đốt đã tăng gấp 3 – 4 lần so với bình thường, tập đoàn công nghiệp Fertilizers Europe cho biết.
Sự khan hiếm phân bón có thể dẫn tới việc hạn chế sản lượng và chất lượng ngũ cốc ở Liên minh Châu Âu, khu vực xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp lúa mạch lớn trên toàn cầu. Các nông dân Châu Âu ước tính chi phí phân bón tăng cao có thể làm chi phí của ngành nông nghiệp Liên minh Châu Âu tăng thêm 4 tỷ euro (4,6 tỷ USD).
Tình cảnh của ngành nông nghiệp Canada cũng tương tự. Todd Lewis, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất nông nghiệp ở Saskatchewan, cho biết thời điểm cuộc khủng hoảng phân bón diễn ra “không thể tồi tệ hơn” đối với những người nông dân Canada, nhiều người trong số họ đã thấy lợi nhuận sụt giảm sau khi vừa trải qua giai đoạn hạn hán nghiêm trọng làm ‘teo tóp’ mùa vụ.
Một số nông dân Canada cũng có thể chọn trồng các loại cây cần ít phân bón hơn, như đậu lăng, hoặc vay mượn tiền để trang trải chi phí.
Giá phân bón tăng đang làm tăng chi phí thêm 50 đô la Canada (40 đô la Mỹ) cho mỗi mẫu Anh đối với những nông dân như Norm Hall, người đã chứng kiến sản lượng hạt cải dầu, lúa mì, đậu Hà Lan và hạt lanh giảm gần một nửa ở trang trại Wynyard (thuộc Saskatchewan) của mình trong năm nay. Không chịu nổi chi phí quá cao, ông đang kiểm tra đất của mình xem liệu có thể giảm bón phân ở một số cánh đồng hay không. Ông cho biết, một số nông dân ở nơi ông sinh sống thậm chí đang lựa chọn những giải pháp rủi ro hơn.
“Có những người thậm chí còn không làm điều đó, họ chỉ nói rằng “Tôi sẽ bón một nửa lượng phân,” ông Hall nói, và thêm rằng: “Điều đó giống như việc bạn nhảy vào chiếc xe tải của bạn để đi vào thành phố mà không cần nhìn vào đồng hồ đo nhiên liệu”.
Ảnh hưởng đến sản xuất cà phê
Phân bón đặc biệt quan trọng đối với cây cà phê, đến nỗi Walter do Carmo Padua Jr., một người trồng cà phê ở Brazil, không thể tưởng tượng có thể sản xuất được hạt cà phê nào mà không có phân bón.
Tuy nhiên, với ông thì việc sử dụng phân bón cho cây cà phê giờ đây khó khăn hơn bất cứ lúc nào trong suốt 20 năm làm nông nghiệp của ông, do thế giới đang phải đối mặt với giá phân bón cao kỷ lục – mối đe dọa mới nhất đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Đối với nhiều người trồng cà phê ở Mỹ Latinh, giá phân bón quốc tế tăng cao đúng thời điểm nội tệ giảm giá khiến chi phí nhập khẩu phân bón càng trở nên đắt đỏ.
Tại bang Minas Gerais, trung tâm ngành cà phê của Brazil – nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, ông Padua vẫn đang chờ được giao hàng – khoảng một nửa khối lượng phân bón mà ông đã thanh toán cách đây 5 tháng. Sau khi mất khoảng 40% vụ mùa năm ngoái vì hạn hán, trang trại của ông đầu năm nay lại bị tổn thất nghiêm trọng vì băng giá. Việc trồng trọt ở nước này đang trong tình trạng cực kỳ căng thẳng, và ông Padur lo lắng bởi sản lượng cà phê vụ tới sẽ còn tệ hơn vụ trước nếu ông không nhận được những loại phân bón cần thiết.
“Đó là thức ăn cho cà phê,” ông Padua nói. “Mọi thứ diễn ra không ổn, kể cả với việc bón phân. Bạn có thể tưởng tượng nếu tôi không bón phân thì tình hình sẽ như thế nào?”
Theo Regis Ricco, giám đốc RR Consultoria Rural có trụ sở tại Minas Gerais, khoảng 30% nông dân trồng cà phê của Brazil không nhận được loại phân bón mà họ đã đặt, hoặc tệ hơn là không thể tìm thấy bất kỳ loại phân bón nào để mua. Điều này có thể dẫn đến thua lỗ trong hai năm tới vì đất có thể không có đủ chất dinh dưỡng để hỗ trợ sự phát triển của các loại cây sẽ tạo ra đậu trong vụ mùa năm 2023, ông nói.
Trong khi đó, tại Peru, các chuyến urê nhập khẩu bị chậm tới 3 tháng và giá đã tăng gấp 3 lần, từ 20 đô la/bao 50 kg lên 60 đô la. Theo tổng giám đốc Hội đồng cà phê quốc gia Peru, điều đó sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến sản lượng trong năm tới vì người trồng cà phê sẽ không đủ khả năng chi trả.
Là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, ngành sản xuất cà phê Việt Nam năm nay cũng không tránh khỏi khó khăn do giá phân bón tăng cao. Một số vùng cà phê trọng điểm năm nay bị hạn hán nên phải tưới nhiều hơn nên tốn nhiều xăng dầu và điện nước hơn. Có nơi người trồng cà phê phải tưới 5 đợt, tăng thêm 2 đợt so với năm không hạn.
Để đối phó với khủng hoảng giá phân bón, ngành sản xuất cà phê Việt Nam đang tìm kiếm những giải pháp căn cơ, như giảm bón phân vô cơ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ… Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ sản lượng cà phê vụ tới bị ảnh hưởng bởi việc giảm bón phân cũng như giảm đầu tư trong vụ này.
Ảnh hưởng đến sản xuất gạo
Giá phân bón tăng cao làm tăng chi phí cho nhiều nông dân trồng lúa ở châu Á và có nguy cơ đẩy giá gạo tăng lên ở khu vực sản xuất và tiêu thụ phần lớn nguồn cung lúa gạo trên thế giới.
Pramote Charoensilp, chủ tịch Hiệp hội nông dân Thái Lan, và nhiều người trồng lúa cho biết giá phân bón bán trên thị trường Thái Lan đã tăng gấp đôi. “Một tấn phân bón bây giờ đắt hơn một tấn gạo, Chính phủ nên can thiệp”, ông Charoensilp nói.
Không riêng ở Thái lan, trong khu vực Châu Á, giá phân bón liên quan rất nhiều tới xuất khẩu phân bón của Trung Quốc, bởi Trung Quốc là nhà cung cấp chủ chốt các loại phân urê, sulphat và photphat, chiếm khoảng 30% thương mại toàn cầu. Thị trường phân bón đã bị thắt chặt kể từ khi quốc gia này đặt các rào cản mới đối với hoạt động xuất khẩu phân bón nhằm bảo đảm nguồn cung trong nước.
Tại Việt Nam, Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực sản xuất lúa, gạo nhiều nhất nước, chiếm hơn 50% sản lượng gạo của quốc gia, khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu và 70% lượng trái cây. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá vật tư đầu vào tăng chóng mặt, đặc biệt là phân bón tăng cao, với giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 30 – 40% so với vụ trước, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của bà con nông dân.
Với diện tích gieo sạ dự kiến, cả vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ sẽ cần khoảng hơn 160.000 tấn lúa giống. Về phân bón, dự tính nhu cầu phân urê hơn 300.000 tấn, 560.000 tấn lân, 77.000 tấn kali cộng với hơn 450.000 tấn phân hỗn hợp. Để giảm thiểu những khó khăn về chi phí đầu vào cho bà con nông dân, các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng đã và đang tích cực tìm nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp duy trì hoạt động sản xuất.
Theo DN&TT/Independent/FAO
Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: 024.3552.7979
? FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g