TIN NỔI BẬT, TIN TỨC, TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Những yếu tố đang chi phối diễn biến giá các mặt hàng kim loại

Những yếu tố đang chi phối diễn biến giá các mặt hàng kim loại

Thị trường kim loại quý và kim loại cơ bản ghi nhận diễn biến phân hóa, mỗi nhóm mặt hàng đều đang bị các yếu tố khác nhau chi phối đến xu hướng giá và biến động liên tục.

[Hữu ích cho nhà đầu tư]

Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 29/05/2023

Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa

Tầm quan trọng của công cụ bảo hiểm giá

Những yếu tố đang chi phối diễn biến giá các mặt hàng kim loại

Lạm phát vẫn là mối quan tâm chính của thị trường kim loại quý

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/6, giá cả bạc và bạch kim đều đảo chiều suy yếu sau phiên phục hồi trước đó. Cụ thể, giá bạc giảm 0,60% xuống 23,52 USD/ounce, giá bạch kim giảm mạnh nhất với 1,36% xuống 1.024,6 USD/ounce. 

Giá vàng cũng giảm hơn 1% do áp lực bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi số liệu lạm phát và cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới, để làm rõ hơn về lộ trình lãi suất của Mỹ.

Trong phiên hôm qua, vai trò trú ẩn của các kim loại quý có phần thất thế khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 12 điểm cơ bản, lên mức 3,79%, là mức cao nhất trong hơn 1 tuần. Bên cạnh đó, mức kỳ hạn 2 năm cũng tăng 8 điểm cơ bản lên 4,55%.

Mức lợi suất kho bạc Mỹ bất ngờ tăng vọt trong phiên hôm qua do kỳ vọng về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn từ Fed, sau khi Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) bất ngờ tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm sau 4 tháng tạm dừng thắt chặt. Điều này khiến xác suất Fed tăng 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 6 tăng lên 34%, từ 21% trong ngày 6/6, theo CME FedWatch.

David Meger, Giám đốc phụ trách giao dịch kim loại tại công ty dịch vụ giao dịch hàng hóa High Ridge Futures, nhận định lợi suất tương đối cao, tạo sức ép lên thị trường.

Lạm phát vẫn là mối quan tâm chính của thị trường kim loại quý nói chung. Giá vàng, bạc, bạch kim tỏ ra rất nhạy cảm đối với việc tăng lãi suất của Mỹ. Tại thời điểm này, thị trường kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, nếu lạm phát vẫn ở mức quá cao, kỳ vọng này sẽ thay đổi.

Báo cáo lạm phát tiêu dùng tháng Năm của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày 13/6, trước cuộc họp của Fed, sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin rõ ràng hơn về “tình hình sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh trong bối cảnh chi tiêu của người tiêu dùng gia tăng nhưng một số lĩnh vực đang chậm lại. Bên cạnh đó, bà kỳ vọng Mỹ sẽ tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc giảm lạm phát trong hai năm tới.

Trung Quốc – “nhà điều hành” giá các kim loại công nghiệp

Đối với nhóm kim loại cơ bản, cả giá đồng COMEXđồng LME đều giảm trong phiên hôm qua, chấm dứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp. Mặc dù nhập khẩu đồng của Trung Quốc trong tháng 5 tăng 9,03% so với tháng 4, cho thấy nhu cầu cải thiện, tuy nhiên vẫn giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trái lại, giá quặng sắt nối dài đà tăng sang phiên thứ tư liên tiếp, với mức tăng 1,42% lên mức 107,88 USD/tấn, mức giá cao nhất kể từ giữa tháng 5.

Sức mua quặng sắt liên tục gia tăng trong thời gian gần đây do được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu thụ cải thiện tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu. Trong tháng 5, Trung Quốc đã nhập khẩu 96,14 triệu tấn quặng sắt, tăng 5,1% so với tháng 4 và tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hơn nữa, kỳ vọng nhu cầu quặng sắt làm đầu vào cho sản xuất thép cũng khởi sắc. Dữ liệu của Mysteel cho thấy lợi nhuận của các nhà máy thép được khảo sát đã tăng lên 34,2% vào cuối tháng 5, từ mức 26,41% vào cuối tháng 4. Biên lợi nhuận thép được cải thiện cũng khuyến khích các nhà máy mua thêm nguyên liệu để sản xuất.

Các thương nhân đang rất kỳ vọng vào các biện pháp kích thích bổ sung từ nước tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc. Trong tháng 6, Trung Quốc sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ mới cho lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực được coi là trụ cột kinh tế của nước này và là động lực tiêu thụ chính của kim loại công nghiệp cơ bản, theo Viện nghiên cứu bất động sản E-House Thượng Hải.

Vào sáng nay, các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đã hạ lãi suất đối với tiền gửi một số kỳ hạn, sau khi Chính quyền Trung Quốc kêu gọi các ngân hàng hạ lãi suất tiền gửi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngày 6/6.

Cụ thể, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng TNHH Trung Quốc, Ngân hàng Truyền thông Công ty và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc thông báo cắt giảm 15 điểm cơ bản đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 và 5 năm, giảm 10 điểm cơ bản đối với mức kỳ hạn 2 năm và tăng 5 điểm cơ bản đối với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.

Xem thêm các thông tin về thị trường giao dịch hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.

Bài viết liên quan