Lực mua hàng hóa trên nhóm nông sản vẫn duy trì liên tục trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra căng thẳng.
Hợp đồng đậu tương tháng 11 tăng mạnh 2,07% lên mức 1086,26 cents/bushel, cao nhất trong vòng một tuần qua. Tình trạng khô hạn tại Nam Mỹ hỗ trợ đà tăng giá khiến đậu tương Mỹ trở nên hấp dẫn hơn trên thị trường thế giới.
Tại các khu vực gieo trồng đậu tương ở Brazil lượng mưa đã gia tăng. Tuy nhiên, tại Argentina vẫn cần thêm độ ẩm mới có thể gieo trồng, hiện gieo trồng ngô tại Argentina niên vụ 2020/21 đã đạt 30% diện tích dự kiến. Hiện tượng thời tiết La Nina vẫn là yếu tố gây bất lợi đối với sản lượng đậu tương tại các quốc gia Nam Mỹ.
Đà tăng của đậu tương cũng kéo theo dầu đậu tương và khô đậu tương lần lượt tăng mạnh 1,81% và 2,25%. Hôm qua, khô đậu tương là mặt hàng có mức biến động mạnh nhất trong nhóm nông sản, bởi đầu phiên đã suýt giảm về mức hỗ trợ quan trọng, xong lại đảo chiều tăng mạnh trở lại.
Diễn biến khô đậu tương kỳ hạn 12/2020 trong phiên 04/11. Nguồn ảnh: Tradingview.
Hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 12 tăng 1,06% lên mức 405,25 cents/bushel khi giới đầu tư kỳ vọng tồn kho ngô giảm trước thềm báo cáo cung – cầu của USDA sẽ công bố vào 10/11 tới đây.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết, nước này đã xuất khẩu ít nhất 3,2 triệu tấn ngô trong tháng 10, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trái lại, xuất khẩu ngô tại Brazil và Argentina trong tháng 10 lại sụt giảm mạnh. Theo đó, xuất khẩu ngô tại Brazil đạt 4,2 triệu tấn giảm tới 29% và Argentina đạt 1,8 triệu giảm 26% so với tháng trước.
Lúa mì là mặt hàng duy nhất giảm điểm trong nhóm nông sản ngày hôm qua. Hợp đồng lúa mì giao tháng 12 giảm 0,33% xuống mức 606 cents/bushel do lo ngại về dư thừa nguồn cung toàn cầu trong ngắn hạn gây áp lực lên giá. Tuy nhiên, dự đoán đà giảm sẽ không kéo dài. Tin đồng Jordan mua đơn hàng 120,000 tấn lúa mì đã phần nào cản đà giảm của giá.
Ngoài ra, số liệu dự đoán của USDA cũng cho thấy, sản lượng lúa mì của các nước Châu Âu sẽ giảm mạnh so với niên vụ trước. Theo đó, sản lượng lúa mì niên vụ 2020/21 của khối EU dự báo đạt 136,5 triệu tấn, giảm mạnh so với 154,95 triệu tấn năm ngoái. Nếu dự báo chính xác, rất có thể thị trường lúa mì sẽ bị thiếu hụt nguồn cung trong dài hạn.
Các thương nhân chờ đợi kết quả của một cuộc đấu thầu mua lúa mì quốc tế do Tổng cục Cung ứng Hàng hóa của Ai Cập thiết lập, cơ quan đang tìm kiếm lúa mì cho lô hàng vào ngày 15-30/12/2020 và ngày 8-18-01/2021.
Tối nay 5/11, USDA sẽ phát hành báo cáo xuất khẩu – Export Sales. Trước báo cáo, các thương nhân dự kiến chính phủ sẽ cho thấy doanh số xuất khẩu ngô của Hoa Kỳ trong tuần tính đến ngày 29/10 ở mức 1,8 – 2,5 triệu tấn, bán đậu tương ở mức 800.000 – 1,7 triệu tấn và bán lúa mì ở mức 200.000 – 700.000 tấn.
Kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm của Mỹ đạt 12,6 tỷ dollar
Theo dữ liệu từ Hải quan Mỹ, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc trong tháng 9 đạt 3,03 tỷ dollar, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2020 đạt 12,6 tỷ dollar. Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Trung Quốc cam kết nhập khẩu nông sản Mỹ với tổng giá trị ước tính cao hơn 12,5 tỷ USD, trên mức kim ngạch xuất khẩu năm 2017.
Trong tháng 9, xuất khẩu đậu tương chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu nông sản Mỹ với 1,93 tỷ dollar, cao hơn gấp đôi so với mức hồi tháng 8; xuất khẩu ngô đạt 169 triệu dollar, giảm 11% so với tháng 8; xuất khẩu lúa mì đạt 90 triệu dollar, tăng 40% so với tháng trước đó.
Nguồn: MXVnews.
Theo dõi thêm các tin tức nổi bật về thị trường hàng hóa phái sinh tại chuyên mục: Tin tức Thị trường.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ (84) 024.3552.7979
? FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? STK Vietcombank : 0611001975177 Chi nhánh Ba Đình
? STK BIDV: 21610000479888 Chi nhánh Đống Đa
? STK Techcombank: 19134664939018 phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt.