Khép lại năm 2024, nhóm kim loại quý đã trở thành một trong những điểm sáng trên thị trường hàng hóa khi giá các mặt hàng đồng loạt tăng mạnh.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 20/01/2025
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
> Tại sao phải đáo hạn hợp đồng giao dịch hàng hóa phái sinh?
Giá bạc từng có thời điểm tăng chạm đỉnh 12 năm, giá bạch kim cũng chạm đỉnh hai năm. Sang năm 2025, nhóm kim loại quý dự kiến sẽ tiếp tục tỏa sáng do sự hỗ trợ của ba yếu tố chính: xung đột địa chính trị lan rộng, FED nới lỏng chính sách tiền tệ và sự bất ổn trên chính trường Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền…
Giá kim loại quý lên ngôi trong năm 2024
Năm 2024 có thể coi là một năm lên ngôi của nhóm kim loại quý khi giá các mặt hàng đồng loạt tăng mạnh và thiết lập những mức giá kỷ lục. Nguyên nhân hỗ trợ cho giá xuất phát từ nhiều yếu tố, tuy nhiên hai động lực chính và quan trọng nhất đã định hình lên thị trường kim loại quý là xung đột địa chính trị leo thang và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) xoay trục chính sách tiền tệ.
Thứ nhất, kim loại quý vốn được coi là “hầm trú ẩn” mỗi khi nền kinh tế có biến động. Do đó, dòng tiền đã chảy mạnh vào nhóm này khi xung đột địa chính trị leo thang hơn nữa trong năm qua. Tại châu Âu, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng lương thực. Trong khi đó, Trung Đông, khu vực vốn là điểm nóng của các xung đột địa chính trị, tiếp tục đối mặt với xung đột dai dẳng tại Israel-Palestine, Syria và Yemen.
Thứ hai, kim loại quý là mặt hàng không mang lãi suất và được định giá bằng đồng USD. Do đó, nhóm này rất nhạy cảm với lãi suất và biến động tiền tệ. Trong năm qua, FED đã bắt đầu phát tín hiệu hạ lãi suất vào giữa năm ngoái và chính thức cắt giảm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9, đánh dấu một bước ngoặt lớn trên thị trường tài chính toàn cầu. Trong thời gian này, vị thế của đồng USD dần bị lung lay. Chỉ số Dollar Index liên tục lao dốc và từng có thời điểm giảm về mức đáy một năm vào cuối tháng 9, qua đó giúp xoa dịu áp lực tỷ giá trên thị trường kim loại quý.
Diễn biến giá bạc và bạch kim năm 2024. Ảnh: MXV
Nhờ sự cộng hưởng của hai yếu tố này, kim loại quý đã đón nhận làn sóng tăng giá mạnh mẽ và chứng kiến những mức tăng ấn tượng. Theo ghi nhận của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá bạc kết thúc năm 2024 ở mức 28,91 USD/ounce, tương đương tăng hơn 20% so với đầu năm, mức tăng này vượt trội hơn nhiều so với cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa tại các thị trường mới nổi. Đáng chú ý, vào gần cuối tháng 10, lần đầu tiên mặt hàng này chạm tới vùng giá 35 USD/ounce sau 12 năm. Đối với bạch kim, giá mặt hàng này có hiệu suất tăng kém hơn nhưng mặt hàng này đã chứng kiến sự phục hồi tích cực sau khi giảm tới gần 10% trong năm 2023.
Đáng chú ý, bạch kim đã nỗ lực vươn lên trở thành mặt hàng được giao dịch nhiều nhất tại MXV trong năm 2024, chiếm tỷ trọng hơn 15%.Chỉ trong vòng ba năm, thị phần giao dịch bạch kim tại MXV đã bứt phá tăng mạnh. Trước đó, vào năm 2022, bạch kim chỉ nằm ở vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng 10 mặt hàng được giao dịch nhiều nhất, với tỷ trọng dừng ở mức 3,4%. Sang năm 2023, tỷ lệ này đã tăng lên khoảng 5,4% và bạch kim đã vươn lên vị trí thứ 6. Việc tăng tỷ trọng đầu tư sang mặt hàng bạch kim trong năm vừa qua đã phản ánh rõ sự chuyển biến lớn trong khẩu vị đầu tư của các nhà đầu tư trên thị trường hàng hóa phái sinh. Bên cạnh các mặt hàng quen thuộc và có thanh khoản cao như dầu thô hay nông sản, nhà đầu tư đang chuyển dịch dòng tiền đầu tư sang các mặt hàng tiềm năng khác, đặc biệt là hướng tới việc đa dạng hóa danh mục đầu tư trong thời kỳ rủi ro. Hơn thế, bạc hay bạch kim còn là những kim loại được sử dụng trong công nghiệp và gắn liền với cuộc cách mạng xanh. Do đó, nhóm mặt hàng này dự kiến sẽ tiếp tục trở thành kênh đầu tư hấp dẫn trên thị trường hàng hóa trong năm nay.
Thị phần giao dịch bạch kim tại Việt Nam qua các năm. Ảnh MXV
Triển vọng thị trường kim loại quý năm 2025
Bước sang năm mới 2025, thị trường kim loại quý sẽ tiếp tục biến động mạnh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, đặc biệt là chính sách tiền tệ của FED. Đánh giá về triển vọng giá mặt hàng kim loại quý, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc MXV nhận định rằng, nhóm mặt hàng này sẽ có nhiều biến động trong năm nay, tuy nhiên kịch bản vẫn nghiêng về xu hướng tăng bởi xung đột địa chính trị leo thang kết hợp với áp lực tỷ giá giảm dần, những yếu tố từng giúp giá kim loại quý bứt phá trong năm 2024, sẽ tiếp tục là những động lực quan trọng thúc đẩy nhóm kim loại quý tỏa sáng trong năm nay.
Ông Quang cũng cho rằng, quan trọng hơn, nhu cầu trú ẩn đối với kim loại quý dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa trong bối cảnh ông Donald Trump lên nắm quyền trong nhiệm kỳ thứ hai. Hiện thị trường tài chính toàn cầu đều đang lo sợ về một kịch bản “Chiến tranh thương mại 2.0” hay cuộc Chiến tranh thương mại lần thứ hai, do lo ngại ông Trump sẽ tung ra những chính sách thuế quan và thương mại mạnh tay – tương tự như cách ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Điều này có thể khiến cục diện kinh tế hay chính trị toàn cầu biến động mạnh trong 4 năm tới. Trong bối cảnh này, nhu cầu đầu tư vào các kênh trú ẩn sẽ vượt trội hơn hẳn so với các kênh đầu tư có độ rủi ro cao như chứng khoán hay tiền điện tử.
Cán cân cung – cầu thị trường bạch kim – WPIC. Ảnh MXV
Cuối cùng, giá kim loại quý thậm chí còn có nhiều dư địa tăng hơn nữa khi khoảng cách giữa cung và cầu ngày càng thu hẹp. Nhu cầu tiêu thụ bạc và bạch kim, hai kim loại quan trọng được sử dụng trong hệ sinh thái năng lượng tái tạo, đang trên đà tăng mạnh trong những năm gần đây khi thế giới ngày càng chú trọng đến việc chuyển đổi năng lượng sạch.
Tuy nhiên, do nguồn cung không được đảm bảo, hai kim loại này đều hướng tới năm thâm hụt thứ ba liên tiếp. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với bạch kim, do nguồn cung của kim loại này luôn bị đe dọa bởi tình trạng gián đoạn nguồn cung tại Nam Phi. Đây là khu vực có trữ lượng bạch kim lớn nhất thế giới đồng thời cũng là quốc gia cung ứng lớn nhất – chiếm thị phần hơn 70% trong tổng nguồn cung toàn cầu. Mặc dù vậy, hoạt động khai thác bạch kim tại đây lại hay gặp gián đoạn bởi nguồn điện không được đảm bảo. Do đó, sản lượng bạch kim của Nam Phi được dự báo sẽ giảm năm thứ ba liên tiếp xuống còn 3,929 triệu ounce, đưa mức thâm hụt tăng lên 539.000 ounce trong năm nay.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Liên hệ ngay với FINVEST để được hướng dẫn về cách thức giao dịch kim loại và tìm hiểu các chính sách ưu đãi dành cho Nhà đầu tư/Cộng tác viên môi giới: 024.3552.7979 – 034.85.66.666
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ – Thành viên Kinh doanh 001 của MXV
Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Tel: 024.3552.7979
Facebook: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCFFl3fJDes8ftudfqrQrP4g