Giá cao su trên các sàn giao dịch đều đang tăng và hãng sản xuất cao su hàng đầu thế giới, Sri Trang Agro-Industry Pcl – trụ sở tại Thái Lan – dự báo giá mặt hàng này sẽ còn tiếp tục tăng, vì thị trường sẽ không còn dư thừa do nhu cầu hồi phục mạnh trong khi nguồn cung bị ảnh hưởng bởi thiếu nhân lực cạo mủ và bệnh nấm ở cây cao su.
[Hữu ích cho nhà đầu tư]
> Muốn giao dịch hàng hóa thì phải làm như thế nào?
> Mức ký quỹ giao dịch hàng hóa từ ngày 17/05/2021
> Các loại phí cần trả khi giao dịch hàng hóa
Giá cao su trên các thị trường đều tăng nhanh do nguồn cung khan hiếm vì Covid-19
Giá hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn Osaka – tham chiếu cho thị trường cao su Châu Á – kết thúc phiên cuối tuần (21/05) tăng 1,58% so với phiên liền trước, lên 251,3 JPY (2,3 USD)/kg; tính chung cả tuần giá tăng gần 4%. Trên sàn Thượng Hải, giá hợp đồng kỳ hạn tháng 9 – được giao dịch nhiều nhất – cũng tăng 470 CNY lên 13.675 CNY (2.125 USD)/tấn; trên sàn Singapore, cao su kỳ hạn giao tháng 6 cũng tăng 1,5% lên 167 US cent/kg.
Trong nước, giá cao su cũng tăng đột biến dù bắt đầu vào vụ khai thác mủ. Theo đó, giá mủ khô hiện đạt 43 – 45 triệu đồng/tấn (so với khoảng 25 – 30 triệu đồng những năm 2012 đến 2020); mủ nước cũng tăng từ 8.000 – 10.000 đồng/kg lên 15.000 – 17.000 đồng/kg.
Trên thực tế, giá cao su thiên nhiên đã bắt đầu tăng trở lại kể từ giữa tháng 4 do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu tăng, không chỉ trong các lĩnh vực sản xuất găng tay cao su, băng dán mà trong cả ngành lốp xe.
Ngoài ra, đại dịch gây khó khăn cho hoạt động vận chuyển cao su (thiếu container) cũng đang ảnh hưởng tới giá cao su, gây thiếu cung cục bộ ở thị trường Châu Âu và Mỹ, mặc dù tại Trung Quốc hiện chưa xảy ra hiện tượng thiếu mặt hàng này.
Đại dịch Covid-19 bùng phát ở Châu Á khiến cho việc thu hoạch mủ gặp khó khăn bởi tình trạng thiếu nhân lực, gây khan hiếm nguồn cung mặt hàng này.
Tại Ấn Độ, nước tiêu thụ cao su lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc, và là nước sản xuất cao su lớn thứ 6 thế giới, số ca nhiễm Covid-19 tính đến 19/5 đã lên tới 25,5 triệu người, nhiều thứ 2 trên thế giới chỉ sau mỹ. Bang Kerala, nơi sản xuất cao su lớn nhất của Ấn Độ, đã áp lệnh phong tỏa từ đầu tháng 5 do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Tại Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới, làn sóng tái bùng phát dịch Covid-19 cũng đang hoành hành khi tổng số ca mắc tính đến nay đã nhiều gấp 4 lần so với đầu tháng 4/2021, trong khi số ca tử vong gấp 4 lần, với Bangkok trở thành tâm chấn của đại dịch ở nước này.
Sản lượng không theo kịp nhu cầu
Báo cáo của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) mới đây cho biết trong khi sản lượng cao su thiên nhiên thế giới tháng 4/2021 đạt 903.000 tấn thì nhu cầu trong cùng tháng lên tới 1,129 triệu tấn.
“Nguồn cung cao su toàn cầu chuyển sang thiếu hụt do Trung Quốc tăng cường mua vào. Ngành sản xuất ô tô Mỹ hồi phục tích cực cũng góp phần làm cho thị trường thêm sôi động”, NS Ramaswamy, Giám đốc phụ trách mảng hàng hóa của Ventura Securities cho biết.
Do nhu cầu cao su tăng trên toàn cầu, xuất khẩu cao su của Việt Nam 4 tháng đầu năm 2021 cũng tăng mạnh, tăng 73,2% về lượng so với cùng kỳ năm trước, đạt 468.202 tấn và giá trị thu về cũng tăng 103,4%, đạt 784,4 triệu USD; giá cao su xuất khẩu trung bình tăng 17,5% lên 1.675,4 USD/tấn.
Trong đó, riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt đạt 323.597 tấn, tương đương 518,83 triệu USD; tăng lần lượt 89,6% và 119% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 70% cao su xuất khẩu của cả nước.
Xuất khẩu sang các thị trường khác cũng đồng loạt tăng, theo đó sang Ấn Độ đạt 24.392 tấn, tương đương 44,45 triệu USD, tăng 58,2% về lượng và tăng 90% về kim ngạch; Hàn Quốc đạt 12.641 tấn, tương đương 24,21 triệu USD, tăng 29,7% về lượng và tăng 56,9% kim ngạch; Mỹ đạt 12.427 tấn, tương đương 21,94 triệu USD, tăng 60,5% về lượng và tăng 94% kim ngạch.
Giá cao su sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới
Triển vọng xuất khẩu cao su trong thời gian tới sẽ vẫn khả quan khi nhu cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng, trong khi nguồn cung chưa thể sớm hồi phục.
Giám đốc điều hành của Sri Trang, Veerasith Sinchareonkul, nhận định: “Năm nay ngành lốp xe và ô tô hồi phục nhanh, nhu cầu sẽ tăng mạnh trong khi nguồn cung không tăng, do đó giá cao su sẽ tăng lên”, trừ phi xảy ra trường hợp gián đoạn bất thường trong hoạt động kinh tế thế giới.
Theo ông Sinchareonkul: “Trước đây, cung tăng với tốc độ nhanh hơn cầu, nhưng năm nay nguồn cung tăng chậm hơn nhiều”.
Sri Trang đưa ra dự báo nhu cầu cao su toàn cầu sẽ tăng 5% – 7% trong năm 2021, trong khi nguồn cung sẽ vẫn chỉ tăng 2%.
Nhu cầu lốp ô tô gia tăng do doanh số bán ô tô và hoạt động du lịch hồi phục là động lực chính cho thị trường cao su – nơi có 80% nguồn cung dành cho sản xuất lốp xe.
Nhu cầu găng tay cao su dự báo cũng sẽ tiếp tục tăng do đại dịch Covid-19 bùng phát ở những nền kinh tế mới nổi.
Giá dầu mỏ hồi phục mạnh cũng sẽ là yếu tố tích cực đối với giá cao su thiên nhiên, do giá dầu tăng sẽ khiến giá cao su tổng hợp – đối thủ cạnh tranh của cao su thiên nhiên – tăng theo.
Theo DN&TT.
Theo dõi thêm về các tin tức về thị trường hàng hóa tại chuyên mục: Tin tức thị trường.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ QUỐC TẾ HỮU NGHỊ
? Tầng 11 tòa nhà LADECO – số 266 đường Đội Cấn, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
☎️ Tel: (84) 024.3552.7979.
? FB: http://www.facebook.com/www.finvest.vn
? STK Vietcombank : 0611001975177 Chi nhánh Ba Đình.
? STK BIDV: 21610000479888 Chi nhánh Đống Đa.
? STK Techcombank: 19134664939018 phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt.